Tại cuộc họp tháo gỡ vướng mắc chi trả bảo hiểm y tế (BHYT) cho các cơ sở y tế, ông Lê Văn Phúc - trưởng ban thực hiện chính sách BHYT cho biết, đến nay tổng chi phí khám chữa bệnh BHYT vượt trần thanh toán, vượt dự toán hoặc do một số nguyên nhân khác chưa được quyết toán đã lên đến 1.601 tỷ đồng.
Theo đại diện Bệnh viện Bạch Mai, trong 2 năm dịch COVID-19, bệnh viện này (đơn vị thí điểm tự chủ toàn diện) gặp vô vàn khó khăn, đặc biệt về tài chính.
Riêng với việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT hiện có khoảng 26 tỉ đồng với 9 hạng mục chưa được thanh toán BHYT. Trong đó riêng khoản chi phí vượt tổng mức thanh toán năm 2020 là gần 21,8 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, Bệnh viện Bạch Mai còn có 3,1 tỉ đồng bị từ chối thanh toán (đối với nội dung xuất toán phẫu thuật mổ Oarm).
Bệnh viện khẳng định và cam kết tất cả các dịch vụ kỹ thuật trên đã thực hiện cho người bệnh BHYT trong thời gian thí điểm, chờ quyết định phê duyệt chính thức và theo đúng yêu cầu chuyên môn, không lạm dụng, không thu của người bệnh bất cứ chi phí nào thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT.
Ngoài ra, Bệnh viện Bạch Mai cũng nêu 4 nội dung bất cập về cơ chế, chính sách với số tiền đề nghị thanh toán là hơn 1,1 tỷ đồng.
Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cũng rơi vào tình trạng tương tự. Ông Đào Thiện Tiến, Giám đốc bệnh viện cho biết, trong quá trình thanh toán BHYT bệnh viện cũng không được quyết toán nhiều hạng mục với rất nhiều lý do.
"Bệnh viện đã tự chủ hoàn toàn tài chính, bệnh nhân chủ yếu là bệnh nhân bảo hiểm, khi không thanh toán được sẽ gây khó khăn nhiều cho bệnh viện", ông Tiến nói.
Đại diện Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cho biết trong quá trình thanh toán chi phí điều trị cho bệnh nhân với BHYT bệnh viện đã gặp một số vướng mắc.
Những chi phí này bệnh viện đã chi trả cho bệnh nhân nhưng hiện vẫn bị "treo" từ năm 2019 đến nay, chưa được Bảo hiểm xã hội thành phố thanh toán.
Bệnh viện đã làm văn bản gửi Bảo hiểm xã hội TP.HCM về những vướng mắc này, nhưng đến nay khoản phí vẫn bị "treo". Đó là những vướng mắc trong thanh toán về dịch vụ kỹ thuật có gây mê, gây tê.
Theo đại diện Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, Bộ Y tế đã ban hành thông tư 39/2018 quy định thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trong toàn quốc, hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT trong một số trường hợp, trong đó có quy định "giá phẫu thuật đã bao gồm chi phí gây mê hoặc gây tê".
Phần lớn mức giá tại thông tư không quy định dùng phương pháp nào, không có căn cứ tách riêng chi phí gây mê. Tuy nhiên theo công văn 1688 ngày 29-5-2020, Bảo hiểm xã hội Việt Nam không đồng ý thanh toán và đã tách riêng chi phí gây mê trong các dịch vụ kỹ thuật.
Trên cổng thanh toán trực tuyến của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tự mã hóa, điều chỉnh giá và bổ sung gần 700 danh mục kỹ thuật phẫu thuật có đuôi GT (xx xxxx xxxx_GT) để áp giá gây tê mức giá thấp hơn gây mê (trong khi bệnh viện sử dụng phương pháp vô cảm là gây mê, phí cao hơn).
Ngoài ra, hiện tại giám định viên không chấp thuận thanh toán một số dịch vụ bệnh viện chỉ sử dụng phương pháp vô cảm là gây tê, tiền mê hoặc mê tĩnh mạch.
Việc thanh toán một số dịch vụ kỹ thuật chỉ sử dụng phương pháp vô cảm là gây tê, tiền mê hoặc mê tĩnh mạch với mức giá chênh lệch rất nhiều so với giá được quy định tại thông tư 39/2018 của Bộ Y tế, gây khó khăn cho bệnh viện trong đảm bảo cân đối tài chính cũng như quyền lợi của bệnh viện.