Ca ghép tạng đầu tiên ở nước ta được thực hiện năm 1992. Sau hơn 30 năm, hiện Việt Nam đã có thể ghép được đầy đủ các tạng: phổi, tim, gan, thận, tụy, giác mạc…, không thua kém so với các nước phát triển trên Thế giới. Đặc biệt, trong 2 năm trở lại đây, với hơn 1.000 ca/năm đã đưa Việt Nam đứng đầu khu vực Đông Nam Á về thành tựu ghép tạng.
Tại buổi họp báo “Điều phối đa tạng bệnh nhân chết não từ bệnh viện tuyến tỉnh”, PGS.TS Đồng Văn Hệ - Phó Giám đốc bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết, nếu như trước tháng 9 năm 2022, toàn quốc chỉ có 5 Bệnh viện lớn như Việt Đức, Bệnh viện TW Quân đội 108, Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện TW Huế, Chợ Rẫy thực hiện được chẩn đoán chết não, hồi sức chết não và lấy tạng thì nay đã triển khai thêm được 4 bệnh viện, trong đó có 3 bệnh viện chưa bao giờ thực hiện ghép tạng là: Bệnh viện Đại học Y, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An, Bệnh viện E Trung ương.
Mới đây, ngày 02/4/2024, tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, gần 120 y bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, trong đó có 60 y bác sỹ đến từ các trung tâm ghép tạng của Việt Nam đã tiến hành lấy đa tạng từ một người cho chết não, thực hiện chia tách gan phải – gan trái, 2 quả thận, 2 giác mạc để cứu 5 người bệnh, trong đó có 3 trẻ em. Đây là ca đầu tiên ở Việt Nam chia tách gan thành công, thực hiện hiến tạng từ người cho chết não ngay tại bệnh viện tuyến tỉnh.
Đánh giá về sự kiện này, PGS.TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, nhận định khó khăn lớn nhất từ việc lấy tạng từ người cho chết não tại bệnh viện tuyến tỉnh không phải vấn đề chẩn đoán và hồi sức chết não mà là tư vấn để gia đình người chết não đồng ý hiến tạng.
Đó cũng là nguyên nhân khiến cho số ca ghép tạng từ người cho chết não ở nước ta chiếm tỷ lệ thấp nhất thế giới. “Với hơn 1000 ca ghép tạng/năm, đó là niềm tự hào. Trên chúng ta là Thái Lan mỗi năm ghép tạng được 700 ca nhưng từ người cho chết não gấp Việt Nam khoảng 70 lần, còn Singapore gấp khoảng 40 lần. Mỗi một năm, Malaysia tăng tới 87% so với năm 2022, Thái Lan tăng hơn 40% nhưng Việt Nam chỉ tăng 15%” – PGS.TS Đồng Văn Hệ cho biết.
GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế cũng cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay là nước ta còn quá thiếu nguồn tạng hiến từ người cho chết não. “Cái khó là chúng ta thiếu người hiến, có 90% người hiến là người sống, trong khi Thế giới thì ngược lại. Hiện nguồn hiến từ người chết não ở nước ta còn rất nhiều. Riêng người tử vong do tai nạn giao thông hằng năm và các trường hợp khác là rất nhiều. Nếu mỗi bệnh viện một tháng chỉ cần vận động 1 ca thì đã có hàng ngàn trường hợp hiến tạng để cứu người” – GS.TS Trần Văn Thuấn nhận định.
Vì vậy, theo GS.TS Trần Văn Thuấn, thời gian tới mỗi bệnh viện cần thành lập tổ tư vấn để có người vận động, tư vấn cho gia đình, tiên lượng trường hợp chết não để có nguồn hiến mô tạng cho người đang trông chờ từng ngày từng giờ.