Tại hội nghị công bố kết quả nghiên cứu, bà Naomi Kitahara - Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam cho biết, ung thư cổ tử cung hoàn toàn có thể ngăn ngừa nếu tất cả các quốc gia trên thế giới thực hiện tiêm vaccine ngừa HPV cho 90% trẻ em gái trước 15 tuổi.

"Chúng ta cũng cần đảm bảo 70% phụ nữ được sàng lọc ung thư cổ tử cung. Và chúng ta cũng cần hướng đến mục tiêu đảm bảo 90% phụ nữ được phát hiện tiền ung thư hoặc ung thư có thể tiếp cận các phương pháp điều trị.", Trưởng Đại diện UNFPA nói.

UNFPA cũng cam kết hỗ trợ Chính phủ Việt Nam và các đối tác triển khai thực hiện tiêm vaccine phòng HPV tại Việt Nam, từ đó cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục của phụ nữ Việt Nam. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm đạt được Các Mục tiêu Phát triển Bền vững đến năm 2030.

Tại hội nghị, PGS.TS. Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, ở Việt Nam, theo ghi nhận, năm 2020 có hơn 4.000 ca mắc mới và có gần 3.000 ca tử vong vì căn bệnh này. Ung thư cổ tử cung là một trong những ung thư hay gặp ở nữ giới, chiếm khoảng 12% của tất cả các ung thư ở nữ giới và là nguyên nhân gây tử vong thứ hai sau ung thư vú. Theo ước tính, vào năm 2025, số phụ nữ tử vong hàng năm do UTCTC sẽ tăng lên hơn 4.000 trường hợp nếu không có giải pháp hiệu quả cho thực trạng này. Chi phí điều trị ung thư cổ tử cung rất tốn kém. Tuy nhiên đây là loại ung thư đã có vaccine dự phòng.

Hiện Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 104/NQ-CP về lộ trình tăng số lượng vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2021 – 2030, theo đó đưa vaccine phòng bệnh ung thư cổ tử cung vào chương trình từ năm 2026; đồng thời cho phép các địa phương nếu bố trí được kinh phí thì có thể triển khai sớm hơn cho người dân. Đây là tiền đề, cơ sở rất quan trọng để các địa phương chủ động bố trí kinh phí triển khai tiêm vaccine HPV cho người dân.

"Hiện nay, vaccine HPV chưa được đưa vào trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, người dân phải trả tiền với chi phí cao hàng triệu đồng/mũi tiêm tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ. Tới đây với sự hỗ trợ của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, WHO, UNICEF, GAVI, chúng ta sẽ cố gắng tiếp cận việc cung ứng vaccine HPV trong TCMR với giá thành khoảng 6,5 USD/liều vaccine.", PGS.TS. Dương Thị Hồng nói.

Tuy nhiên, nếu kết hợp tiêm chủng HPV với sàng lọc và điều trị thì Việt Nam có thể thanh toán ung thư cổ tử cung chỉ trong vòng 29 năm, sớm hơn nếu chỉ thúc đẩy tiêm chủng HPV.