Một người bị đột quỵ, nếu được sơ cứu tại chỗ kịp thời và đúng cách có thể hạn chế thấp nhất những nguy hiểm do bệnh gây ra. Một người bị tai nạn giao thông hoặc tai nạn lao động, nếu được sơ cứu kịp thời trước khi đến được bệnh viện cũng có thể làm giảm tối đa tình trạng mất máu của bệnh nhân…
Điều đó cho thấy, cấp cứu trước viện quyết định sức khỏe, tính mạng con người. Hầu hết các nước đã đưa nội dung này vào luật và cấp cứu trước viện trở thành kiến thức phổ thông của người dân. Thế nhưng ở Việt Nam, chưa có một điều luật cụ thể nào quy định vấn đề này.
Cấp cứu trước viện ở Việt Nam vừa thiếu vừa yếu
Tính trên bình diện chung, cả nước hiện mới có 11 tỉnh, thành có hệ thống cấp cứu 115. Tuy nhiên tại các tỉnh, thành này, số lượng nhân viên y tế, xe cấp cứu, trang bị còn hết sức hạn chế. Đa phần mới chỉ đáp ứng chức năng vận chuyển người bệnh là chính. Ngoài ra, nhiều trang thiết bị phục vụ cho công tác cấp cứu trên xe 115 đã cũ, hỏng, xuống cấp và chưa có thiết bị cấp cứu nâng cao như: máy thở, máy ép tim, monitor để đo vào theo dõi các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân…
Một hệ thống cấp cứu trước bệnh viện còn thiếu và yếu như vậy đương nhiên không thể đảm nhiệm tốt chức năng sơ cấp cứu cho bệnh nhân. Theo kết quả nghiên cứu về cấp cứu trước viện tại các bệnh viện tuyến trung ương, Bệnh viện Trung ương Huế chỉ có khoảng 7% bệnh nhân được xe cấp cứu đưa đến và gần 54% bệnh nhân tới bệnh viện bằng phương tiện cá nhân. Bệnh viện Bạch Mai, khoảng 10% bệnh nhân được đưa đến bằng xe cấp cứu và hơn 62% bệnh nhân tới bệnh viện bằng phương tiện cá nhân… Điều đáng nói, nhiều bệnh nhân khi được đưa tới bệnh viện đã không được sơ cấp cứu ban đầu, không được kiểm soát các chức năng sống, như: đường thở, tuần hoàn…, không được băng bó, cầm máu, cố định xương gãy...
Nhìn nhận về thực trạng này, GS.TS. Nguyễn Gia Bình - Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và Chống độc Việt Nam, nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai cho rằng: “Hệ thống cấp cứu của chúng ta vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chất lượng, lại không có hệ thống kết nối về tổ chức và điều hành, nên hiệu quả cấp cứu trước viện chưa cao. Đây là điều rất cần quan tâm, cũng như cần sớm có giải pháp khắc phục.”
Cần luật hóa vấn đề cấp cứu trước viện
Lần đầu tiên, cấp cứu trước viện được đề cập trong dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp vào tháng 10/2022. Đây là bước tiến quan trọng để nước ta hiện thực hóa hoạt động cấp cứu trước viện trong thực tế, góp phần giảm thiểu tỷ lệ tử vong không đáng có do tai nạn giao thông hàng năm.
Theo GS Nguyễn Gia Bình: “khi có luật, chúng ta sẽ triển khai tiếp Nghị định quy định về cơ cấu tổ chức, quy mô hoạt động, kinh phí vv… rồi các Thông tư về đào tạo, hướng dẫn thực hành nghề, chúng ta sẽ sớm có hệ thống cấp cứu ngoại viện. Điều đó sẽ giúp hoạt động y tế ngoài cộng đồng hiệu quả hơn với giá thành thấp hơn hiện tại.”
GS Bình cũng chia sẻ, các nước trên thế giới rất quan tâm đến vấn đề cấp cứu trước viện. Họ đào tạo, huấn luyện kiến thức cấp cứu ngoại viện và trở thành kỹ năng sống cho cộng đồng. Mọi người dân được tiếp cận từ thời còn là học sinh phổ thông, để biết cấp cứu trong các tình huống nguy hiểm đến tính mạng, với các thao tác rất đơn giản, không cần kỹ năng cao, cũng không cần máy móc phức tạp nhưng có thể giúp người bệnh vượt qua thời điểm khó khăn nhất. Sau đó hệ thống y tế hay những người tình nguyện sẽ đến trợ giúp và củng cố thêm khả năng cứu chữa, rồi vận chuyển về bệnh viện, thì mới có thể cứu chữa được.
Ai sẽ là người làm nhiệm vụ cấp cứu trước viện?
Theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, khi tai nạn xảy ra trên đường cao tốc, thì lái xe là người đầu tiên ở bên cạnh những người đó. Thứ hai là những người đảm bảo an toàn giao thông ở khu vực, nhân viên cứu hộ cứu nạn, rồi hệ thống y tế địa phương…với kỹ năng đã được đào tạo có thể tham gia trực tiếp sơ cấp cứu ban đầu cho người bị nạn ngay tại chỗ.
GS Nguyễn Gia Bình cũng đề xuất, tận dụng các cơ sở sẵn có và hệ thống 115 ở một số tỉnh như tổ chức từ thiện, hội chữ thập đỏ, hội cựu chiến binh, hội phụ nữ, đoàn thanh niên… hay cá nhân đều rất tốt khi tham gia vào hoạt động cấp cứu trước viện. Tuy nhiên, Nhà nước phải đóng vai trò chủ đạo trong quá trình tổ chức và điều hành hệ thống cấp cứu trước viện.
“Hiện nay chúng ta chưa có tổ chức về cấp cứu trước viện, điều hành lại càng không. Tôi rất mong muốn nay mai sẽ có hệ thống điều hành y tế trong cả nước và điều động phải nhanh như lực lượng vũ trang, thay vì đi vào phân chia theo địa giới hành chính như hiện nay, không hiệu quả.” GS Bình bày tỏ.
Các nước tiến tiến và cả các nước ở Đông Nam Á như Philippin, Thái Lan, Singapore, Indonesia… đều đã luật hóa việc cấp cứu ngoại viện. Hi vọng, quy định này sẽ sớm được thông qua trong hệ thống pháp luật Việt Nam và hiện thực hóa vào đời sống. Bởi mỗi năm, nước ta có tới hàng chục ngàn người tử vong do tai nạn giao thông. Nếu làm tốt cấp cứu trước viện, chắc chắn số lượng tử vong sẽ ít đi, thiệt hại về kinh tế, những tổn thất về tinh thần, xã hội cũng ít đi.
“Hiện nay chưa có luật, nên nhiều người muốn làm nhưng lại sợ liên lụy, vì thế, nhiều người bị nạn trên đường không được cấp cứu kịp thời, mà cứ để chờ y tế, công an đưa đi mà nhiều khi không kịp như những trường hợp nặng, đặc biệt là bị tổn thương các tạng, gãy cột sống cổ…” - GS.TS. Nguyễn Gia Bình - Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và Chống độc Việt Nam.