Anh Nguyễn Quang Trung ở phố Tôn Đức Thắng, Hà Nội có tiền sử bị thoái hóa khớp gối đã nhiều năm, mỗi lần đi lên xuống cầu thang là đau, thế nhưng chưa một lần anh đi khám, mà chỉ ra hiệu thuốc tự mua về uống

Bệnh nhân này có tiền sử bị thoái hóa khớp gối đã nhiều năm, mỗi lần đi lên xuống cầu thang là đau, thế nhưng chưa một lần anh Nguyễn Quang Trung ở phố Tôn Đức Thắng, Hà Nội đi khám, mà chỉ ra hiệu thuốc tự mua về uống.

“Nhiều khi đi lại thấy đầu khớp gối đau, kêu lục khục. Ra hiệu thuốc người ta bán cho thuốc giảm đau, giảm viêm, cũng khỏi nhưng một thời gian sau lại bị lại” - anh Nguyễn Quang Trung kể.

Cho đến lần này, anh Trung đạp xe đạp leo dốc cao, do dùng sức quá nhiều nên chân đau nhức, không đi lại bình thường được, đến Bệnh viện Lão khoa TW khám thì tình trạng bệnh đã nặng. Ths.BS CKII Hoàng Thị Bích – Trung tâm khám chữa bệnh theo yêu cầu và quốc tế, BV Lão khoa TW cho biết, anh Trung đã bị tràng dịch khớp ở giai đoạn 2, việc điều trị sau này sẽ kéo dài và khó khăn hơn.

Trường hợp anh Trung vẫn còn may mắn, còn cơ hội điều trị, nhiều bệnh nhân tự đi hút dịch khớp có thể thấy giảm đau nhanh nhưng sau đó sẽ bị tái phát nhiều lần khiến người bệnh khó vận động, thậm chí lạm dụng thuốc tiêm khớp corticoid hay uống thuốc nam bừa bãi có thể khiến suy tuyến thượng thận, mất chức năng vận động, phải thay khớp gối.

“Nhiều bệnh nhân tự mua thuốc giảm đau có hoàn tán về uống, khi đến Bệnh viện kiểm tra thì đã suy tuyến thượng thận mất rồi, lúc đó việc điều trị không chỉ đơn thuần là thoái hóa khớp nữa. Hoặc có bệnh nhân có dịch khớp gối thì đi hút dịch, bệnh tái đi tái lại thì đẩy nhanh tình trạng bệnh nhân phải thay khớp gối sớm. Vì vậy, bệnh nhân bắt đầu có tình trạng mỏi khớp, cứng khớp vào buổi sáng dưới 10 phút thôi thì đã nên đến bệnh viện kiểm tra và điều trị đúng cách” - BS Hoàng Thị Bích cho biết.

Người bệnh lưu ý là dù lúc này việc đi lại không thoải mái nhưng vẫn nên duy trì, tập thể dục đều đặn. Việc bỏ tập thể dục có thể khiến tình trạng bệnh nặng nề hơn.

“Người bệnh vẫn nên tập thể dục, tùy theo giai đoạn. Với người bệnh thoái hóa khớp nhẹ thì tập nhẹ nhàng, nên đi bộ hoặc đạp xe đạp đường bằng. Một số người già khả năng đi lại kém hơn thì ở trên giường vận động khớp như tập các động tác co duỗi khớp cũng được. Trường hợp không tập luyện thì nguy cơ bị dính khớp lại, khả năng đi lại còn khó khăn nữa. Tùy trường hợp mà bệnh nhân tập như thế nào. Vì vậy, bệnh nhân bị viêm khớp nên khám bác sĩ chuyên khoa để có bài tập phù hợp” – BS Hoàng Thị Bích khuyến cáo.

Các bạn cũng nên nhớ không có thực phẩm nào là có thể ngăn ngừa được bệnh thoái hóa khớp, kể cả ăn sụn bò, gà như mọi người mách bảo. Chế độ ăn uống nên lành mạnh, kiểm soát cân nặng, nếu không sẽ tạo áp lực lên khớp gối thì càng khiến bệnh nặng nề hơn.

Mời nghe tại đây: