Nhiều nguyên nhân gây viêm họng cấp

Giai đoạn này thời tiết khá đỏng đảnh lúc mưa, lúc nắng, lúc nóng, lúc lạnh và những bệnh lý về hô hấp rất dễ xảy ra. Ths- BS Đỗ Tiến Quân –Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết, khi thời tiết thay đổi, nhất là khi trời chuyển lạnh đột ngột khiến sức đề kháng giảm, trong khi tác nhân gây viêm họng như virus, vi khuẩn phát triển nên người dân dễ bị viêm họng.

Một số dấu hiệu viêm họng cấp hay gặp như: sốt, đau rát họng, nuốt đau, tiết đờm, ngứa họng, ho. Theo BS Đỗ Tiến Quân. các triệu chứng của viêm họng cấp do thời tiết khác biệt so với các triệu chứng viêm họng do vi khuẩn, virus. “Khi thay đổi thời tiết, viêm họng thường có biểu hiện như: ngứa họng, ho, tiết đờm, có thể kèm theo đau họng. Trong khi các tác nhân virus, vi khuẩn thường gây sốt, đau họng nhiều hơn”- BS Quân cho hay.

Viêm họng cấp nguy hiểm hơn bạn tưởng

Khi viêm họng cấp kèm theo các bệnh lý hô hấp khác, mức độ nghiêm trọng của bệnh cũng rất đáng lo bởi khi đã bị viêm một phần đường hô hấp trên, có thể là tiền đề gây viêm đường hô hấp dưới, nhất là ở những bệnh nhân có bệnh lý đường hô hấp khác như hen phế quản, COPD (Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính), viêm phế quản mạn tính. Trong những trường hợp này, nếu không tích cực điều trị, người bệnh có thể gặp nguy hiểm, thậm chí tử vong.

Một số biến chứng có thể gặp do viêm họng không được điều trị kịp thời như: áp xe Amydal, áp xe quanh Amydal hoặc viêm cầu thận cấp sau viêm họng do liên cầu beta tan huyết nhóm A. Nếu tình trạng viêm cầu thận cấp không được phát hiện và điều trị kịp thời, có thể dẫn đến viêm cầu thận mạn và suy thận.

Viêm họng là bệnh rất thường gặp, người dân nhiều khi cũng chủ quan và không ít bệnh nhân tự ý điều trị, theo BS Đỗ Tiến Quân, việc làm này tiềm ẩn nhiều nguy cơ. “Tình trạng viêm họng nặng, nhẹ không giống nhau ở người lớn, trẻ em; giữa người không có bệnh lý nền và người có bệnh lý khác từ trước. Việc đánh giá mức độ nặng không đúng có thể sẽ khiến cho bệnh nặng lên nếu điều trị không đúng mức; hoặc điều trị quá mức cần thiết khi tình trạng viêm họng ở mức độ nhẹ. Tất cả điều này đều gây ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh” – BS Quân nói.

Việc người dân tự ý sử dụng kháng sinh khi bị viêm họng cấp là tình trạng khá phổ biến. Tuy nhiên, BS Đỗ Tiến Quân cho biết, thuốc kháng sinh chỉ có tác dụng đối với vi khuẩn, nguyên nhân gây viêm họng có tới 80-85% là do virus vì thế không dùng kháng sinh để điều trị bệnh do nhiễm virus. Nếu dùng kháng sinh không đúng cách có thể gây ra tình trạng kháng kháng sinh, hoặc gặp phải tác dụng phụ như: rối loạn tiêu hóa ở trẻ em, đau bụng, buồn nôn, hoặc dị ứng kháng sinh…

Chính vì vậy, nếu người bệnh bị đau họng có kèm sốt, đau họng nhiều gây nuốt đau, nuốt khó; đau họng lệch một bên nên đi khám để được bác sĩ khám, kê đơn theo đúng tình trạng bệnh.

Phòng bệnh viêm họng cấp thế nào?

Viêm họng do virus hoặc vi khuẩn có thể truyền từ người bị bệnh sang người bình thường. Để hạn chế bị lây nhiễm, người dân cần thực hiện một vài biện pháp giống phòng bệnh Covid -19 như: tránh tiếp xúc gần với người đang bị bệnh, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người đang bị bệnh và sát khuẩn tay sau khi tiếp xúc với người bị bệnh.

Khi thời tiết thay đổi, để phòng bệnh viêm họng cấp, chúng ta cần giữ ấm, súc họng sạch sẽ bằng dung dịch nước muối hoặc dung dịch sát khuẩn. Riêng với trẻ em, ngoài việc giữ ấm cho trẻ, bố mẹ cần hạn chế cho con tiếp xúc với người đang bị bệnh, bố mẹ cần cho con ăn uống đủ dinh dưỡng, vệ sinh mũi (hoặc họng với trẻ lớn đã biết súc họng), tiêm phòng đủ các mũi vaccine (nhất là cúm và phế cầu). Tiêm phòng có tác dụng rất tốt giúp phòng viêm đường hô hấp trên nói chung. Bác sĩ khuyên mọi người nên tiêm phòng vaccine cúm hàng năm, nhất là với trẻ nhỏ, người trên 60 tuổi, đặc biệt với người có bệnh lý đường hô hấp từ trước như hen phế quản, COPD…

Lưu ý khi dùng thuốc:

- Không tự ý dùng kháng sinh vì có thể gặp tình trạng dị ứng thuốc kháng sinh hoặc kháng kháng sinh

Khi bị viêm họng cấp có thể sử dụng các thuốc điều trị triệu chứng như giảm đau, giảm ho có thể sử dụng. Đây cũng là những loại thuốc bác sĩ có thể kê trong đơn thuốc điều trị viêm họng. Người bệnh nên dùng đúng liều lượng, thời gian theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc theo thông tin kê toa của thuốc (là tờ hướng dẫn sử dụng đơn thuốc). Thuốc sát khuẩn tại chỗ có thể được bác sĩ khuyên dùng. Thuốc sát khuẩn tại chỗ bao gồm thuốc xịt họng hoặc súc họng.

Sử dụng nước muối sinh lý chỉ dùng trong dự phòng viêm họng cấp. Khi bị viêm họng cấp, nhất là trường hợp viêm họng cấp có mủ trong họng, nên sử dụng những loại thuốc sát khuẩn khác sẽ giúp điều trị viêm họng cấp tốt hơn nước muối sinh lý.