Viêm tiểu phế quản là một trong những bệnh viêm đường hô hấp dưới. Nguyên nhân do nhiễm virus, vi khuẩn hoặc cảm lạnh thông thường, nhưng phần lớn là do virus mà đứng hàng đầu là virus hợp bào hô hấp, thâm nhập vào hệ thống hô hấp và đến các tiểu phế quản. Trong tiết trời nóng nực, trẻ ở trong phòng lạnh rồi lại đi ra ngoài trời, nhiệt độ thay đổi đột ngột, môi trường ô nhiễm là những nhân tố thuận lợi cho bệnh viêm tiểu phế quản phát sinh.

Theo BS Trương Văn Quý - Trưởng khoa Nội nhi tổng hợp – Bệnh viện E, so với bệnh viêm đường hô hấp khác, viêm tiểu phế quản cũng có các triệu chứng như: hắt hơi, chảy mũi, ho, khò khè, sốt cao, mệt, nôn, ăn kém nhưng nhẹ hơn. “Những triệu chứng khá là chung và nó không đặc hiệu. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần lưu ý, đặc biệt là trẻ nhỏ có dấu hiệu ho nhiều, kèm theo dấu hiệu như là sốt, đặc biệt là bỏ ăn, còn ở trẻ lớn có dấu hiệu ho tăng lên hoặc khó thở và ho kéo dài thì cần cho trẻ đi khám để có quyết định đúng đắn. Qua việc khám ban đầu, các bác sĩ sẽ khám sàng lọc sơ bộ, phân loại được những nhóm bệnh nhẹ có thể điều trị tại nhà và một số trường hợp nặng thì cần phải nhập viện” – BS Trương Văn Quý khuyến cáo.

Khi nào cho trẻ dùng kháng sinh?

Phần lớn trẻ bị viêm nhiễm đường hô hấp là do nhóm virus. Do vậy, khi trẻ bị viêm tiểu phế quản không cần sử dụng kháng sinh.

Chúng ta không nên tự ý sử dụng kháng sinh mà nên qua quá trình thăm khám, các bác sĩ tìm các dấu hiệu mà nghi ngờ là nhiễm trùng do vi khuẩn thì việc sử dụng kháng sinh mới hợp lý để tránh tình trạng sử dụng không cần thiết, thứ hai là tăng thêm chi phí cho điều trị, thứ ba là tăng tình trạng kháng kháng sinh của vi khuẩn

Cũng theo BS Trương Văn Quý, bệnh nhi được chỉ định dùng kháng sinh khi có các triệu chứng nặng như khó thở, cần thở ôxy. Thuốc kháng sinh được sử dụng cũng cần được bác sĩ chuyên khoa có nhiều kinh nghiệm chỉ định.

Cha mẹ vệ sinh mũi cho con như thế nào?

Một trong những biểu hiện của viêm tiểu phế quản là trẻ bị tắc mũi, trong quá trình điều trị, cha mẹ nên cho trẻ dùng thuốc nhỏ mũi, làm thông thoáng mũi. Tuy nhiên, BS Trương Văn Quý khuyến cáo, cha mẹ không nên lạm dụng rửa mũi cho con, đó là quy trình cần được thực hiện ở cơ sở y tế.

Khi cha mẹ tự ý rửa mũi tại nhà, nếu làm không đúng có thể gây ra sang chấn, ví dụ như gây tổn thương niêm mạc mũi, chảy máu mũi hoặc là những sang chấn nặng hơn, thậm chí trong một số trường hợp, phụ huynh sử dụng nhầm dung dịch. Chúng tôi đã gặp trường hợp, có phụ huynh trong quá trình xử lý, do cuống quá nên sử dụng chai cồn, hút xi lanh bơm vào mũi cho trẻ. Như vậy nó gây ra biến chứng rất nguy hiểm. Chính vì vậy theo tôi, không nên rửa mũi tại nhà vì đó là thủ thuật can thiệp vào cơ thể của trẻ, có nhiều nguy cơ hơn là lợi ích mà chúng ta mang lại được” – BS Trương Văn Quý cho biết.

Phòng bệnh viêm tiểu phế quản cho trẻ trong mùa hè?

Vì bệnh viêm tiểu phế quản chủ yếu do bị nhiễm virus nên cha mẹ cần thường xuyên rửa tay cho trẻ, tăng cường dinh dưỡng để nâng cao thể trạng vận động cho trẻ, bảo đảm môi trường trong sạch, mở cửa thông gió, vệ sinh môi trường cho tốt. Tránh cho trẻ tiếp xúc gần với những trẻ khác đang có biểu hiện ho, hắt hơi, sổ mũi, sốt… Nếu tiếp xúc gần thì cho trẻ đeo khẩu trang. Ngoài ra, cha mẹ có thể tiêm vaccine phòng bệnh cúm cho trẻ.