Sự xuất hiện của biến thể mới làm dấy lên lo ngại về “tốc độ” lây nhiễm. Đây là thông tin mà Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề cập tại Hội nghị trực tuyến tăng cường phòng chống dịch bệnh Covid-19 diễn ra sáng nay tại Hà Nội.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: "Nước ta từng ghi nhận sự biến chủng của virus gây bệnh Covid-19 tại ổ dịch Đà Nẵng, với tốc độ lây lan không lớn bằng sự biến chủng của virus tại Anh, nhưng lúc đó Việt Nam đã phải khá vất vả mới kiểm soát được tình hình. Do vậy, công tác phòng chống virus biến chủng xâm nhập là hết sức cấp thiết".

Chúng ta vẫn chưa mở cửa trở lại các đường bay quốc tế nhưng trên các chuyến bay đón công dân về nước vẫn có các trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 do đó cùng với việc đẩy mạnh xét nghiệm, phát hiện sớm biến thể mới của virus này nếu có, các đơn vị liên quan tăng cường biện pháp cách ly, theo dõi chặt chẽ sức khỏe người nhập cảnh để tránh tình trạng lây nhiễm Covid-19 ra cộng đồng.

Những động thái cẩn trọng của các nước ở châu Âu, đặc biệt ở Anh lúc này như phong tỏa, kiểm dịch biên giới, sân bay để nhằm kiểm soát số lượng người nhiễm, không làm quá tải bệnh viện. Các lo ngại khác như “tăng độ độc” hoặc “làm các vaccine không nhận biết được” là chưa có cơ sở.

“Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ vấn đề này.” – Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị, đồng thời đề nghị người dân bình tĩnh, cẩn trọng phòng ngừa việc lây nhiễm Covid-19 và tiếp tục theo dõi thông tin về sự biến đổi của virus SARS- CoV-2.

Cũng tại Hội nghị trực tuyến sáng nay, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chính thức phát động kỷ niệm Ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh 27/12 tại Việt Nam, theo tinh thần Nghị quyết do Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 07/12 vừa qua.

Đây là nghị quyết đầu tiên của Đại hội đồng Liên hợp quốc trong lĩnh vực này, cũng là nghị quyết đầu tiên do Việt Nam chủ trì đề xuất và thúc đẩy thông qua thành công tại Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Ngày 27/12 được chọn làm Ngày Quốc tế Phòng chống dịch bệnh do đây là ngày sinh của Nhà bác học Louis Pasteur, một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho y tế dự phòng. Các công trình của ông về nguyên nhân của bệnh dịch và điều chế vắc-xin đã và đang tiếp tục cứu sống nhiều người trên toàn thế giới