Ung thư phổi - Phát hiện muộn, tỷ lệ tử vong cao
Ung thư phổi là nguyên nhân tử vong do ung thư cao hàng đầu tại Việt Nam ở cả nam và nữ, chỉ sau ung thư gan và ung thư vú. Theo Globocan 2022 (Dự án của Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế), Việt Nam ghi nhận hơn 24.000 ca mắc mới và hơn 22.000 ca tử vong do ung thư phổi mỗi năm. Tỷ lệ 75% số bệnh nhân ung thư phát hiện muộn và chỉ có gần 15% số ca sống thêm được 5 năm.
“Tôi thấy mệt mỏi, sụt cân, mất ngủ, húng hắng ho. Bệnh viện chiếu chụp cho tôi bảo ung thư phổi giai đoạn cuối. Tôi nghĩ chắc bệnh của mình không thể chữa khỏi”- ông Lê Vĩnh Tường 57 tuổi sống tại Vĩnh Phúc không thể quên cảm giác khi nghe kết luận của bác sĩ sau hàng loạt các xét nghiệm chẩn đoán. Với ông Tường, ung thư phổi giai đoạn cuối như “bản án tử” dành cho mình. Tư tưởng chán nản, chán ăn, mất ngủ khiến ông sụt mất 12kg.
Đang điều trị tại bệnh viện K, ông Nguyễn Văn Doanh 60 tuổi ở Phú Thọ cho hay, tuy cũng có hút thuốc, thậm chí mỗi năm đôi khi ho một vài đợt rồi hết, nhưng ông Doanh chỉ nghĩ đây là ốm vặt chứ chưa từng nghĩ đến căn bệnh ung thư: “Bác sĩ tư vấn cho bản thân là bệnh đã di căn thì phải dùng thuốc liều cao, toàn bộ lồng ngực tức không chịu nổi, nằm không yên, ngồi không yên”.
Ông Phạm Văn Tình ở Hà Nội đã trải qua cuộc phẫu thuật sau khi được chẩn đoán có khối u ở phổi. Bác sĩ cũng đã tư vấn để ông Tình và gia đình có thể hiểu và tuân thủ điều trị sau mổ. “Còn nước, còn tát” ông Tình chỉ mong sức khỏe có thể được cải thiện phần nào dẫu biết có rất nhiều khó khăn, đau đớn và mệt mỏi phía trước mà ông và gia đình sẽ phải vượt qua.
Vai trò của sàng lọc sớm ung thư phổi
Theo PGS.TS.BS Trần Thị Thanh Hương- Phó Viện trưởng Viện Ung thư – Bệnh viện K, đa phần các bệnh nhân mắc ung thư phổi phát hiện ở giai đoạn muộn khiến cho công tác điều trị tốn kém, hiệu quả không cao, đặc biệt còn gây ra gánh nặng rất lớn cho kinh tế- xã hội.
“Với những bệnh nhân ung thư nếu chẩn đoán ở giai đoạn muộn sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe điều trị. Vì thế, cần phải làm thế nào để tăng số lượng, tỷ lệ những bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn sớm có thể qua các cách như truyền thông nâng cao nhận thức người dân tăng cường cho việc sàng lọc, phát hiện sớm” – PGS Trần Thị Thanh Hương nhấn mạnh.

Tuy hiện nay đã có nhiều tiến bộ trong điều trị ung thư phổi thế nhưng để hạn chế gánh nặng của căn bệnh này, vấn đề quan trọng và cấp thiết nhất vẫn là sàng lọc phát hiện sớm bệnh. Tại nhiều quốc gia, việc xây dựng chương trình sàng lọc và quản lý bệnh ung thư phổi đã được thực hiện và đem lại một số kết quả đáng ghi nhận. Theo khuyến cáo của các tổ chức quốc tế, đối với bệnh ung thư, nếu phát hiện sớm việc điều trị sau đó sẽ mang lại hiệu quả cao.
“Với ung thư phổi, khuyến cáo tùy vào các quốc gia khác nhau, tùy vào điều kiện cơ sở vật chất, nguồn lực. Ở một số quốc gia tại châu Á như Đài Loan, Hàn Quốc, họ đã có chương trình sàng lọc ung thư phổi quốc gia. Tại nước ta, thời gian qua tập trung cho việc sàng lọc phát hiện sớm ung thư vú, ung thư cổ tử cung và chương trình sàng lọc ung thư đại trực tràng. Tuy nhiên, đối với ung thư phổi, chúng tôi mới triển khai trong những năm gần đây và được triển khai tại cộng đồng. Qua chương trình cũng đã phát hiện ra một số người bệnh ung thư phổi giai đoạn sớm”- PGS Thanh Hương chia sẻ.
Kỳ vọng xây dựng chương trình sàng lọc và quản lý bệnh ung thư phổi
Đối với nước ta để xây dựng chương trình sàng lọc và hệ thống quản lý bệnh phù hợp, hiệu quả, theo PGS.TS.BS Trần Thị Thanh Hương cần phải có những hướng tiếp cận phù hợp.
“Đầu tiên là phải nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc sàng lọc ung thư phổi cho người dân, có thể khám sức khỏe định kỳ tại cơ quan, doanh nghiệp cũng cần đưa ra quy định sàng lọc ung thư sớm. Thứ hai là giúp người dân tìm đến cơ sở y tế có đủ trang thiết bị và bác sĩ có trình độ để có thể chẩn đoán… Với những chương trình sàng lọc ung thư, cần phải có các nhân viên y tế hướng dẫn, tư vấn cẩn thận cho những người có nghi ngờ ung thư bởi đôi khi người dân xuất hiện tâm lý lo sợ không muốn đến cơ sở y tế để chẩn đoán tiếp vì nhiều mối lo. Vì thế nếu được tư vấn rõ ràng sẽ giúp giải tỏa tâm lý căng thẳng để người dân tiếp tục đi làm các xét nghiệm chẩn đoán xác định bệnh. Cùng với đó, tất cả thông tin về các bệnh nhân nghi ngờ ung thư phải có trong hệ thống dữ liệu để giám sát, theo dõi. Vì sàng lọc ung thư không chỉ làm một lần trong đời, vì vậy, phải có một hệ thống để thực hiện việc nhắc người dân đó quay lại cơ sở y tế để khám sàng lọc định kỳ”- PGS Thanh Hương cho hay.

Các chính sách hỗ trợ về y tế có vai trò quan trọng trong việc tăng khả năng và cơ hội cho người dân được tiếp cận chương trình sàng lọc và quản lý bệnh. Hiện nay, sàng lọc ung thư chưa được BHYT chi trả, dó đó, PGS Thanh Hương cho rằng, nếu được BHYT chi trả thì đây là điều kiện thuận lợi để giúp cho người dân có thể thực hiện việc sàng lọc căn bệnh ung thư trong đó có ung thư phổi.
“Ghi nhận ung thư phổi: Đặc điểm chẩn đoán, điều trị và sống thêm của người bệnh tại Việt Nam giai đoạn 2025–2030” là nghiên cứu đang được Viện Ung thư - Bệnh viện K khởi động, dự kiến thực hiện tại 8 bệnh viện ung thư trên toàn quốc.
“Trong nghiên cứu này chúng tôi sẽ theo dõi người bệnh từ lúc thực hiện sàng lọc phát hiện bệnh sớm hoặc là những người được chẩn đoán là ung thư phổi. Người bệnh sẽ được theo dói sau 5 năm để thấy thực trang hiện nay tại Việt Nam, tỷ lệ những người dân phát hiện bệnh ung thư ở giai đoạn sớm, giai đoạn muộn chiếm tỷ lệ bao nhiêu và đưa ra bằng chứng là nếu phát hiện sớm thì hiệu quả điều trị sẽ tốt ra sao? Ngoài ra còn đánh giá được gánh nặng kinh tế của ung thư phổi sẽ là như thế nào? Tất cả điều này sẽ hỗ trợ cho các nhà hoạch định chính sách trong việc xây dựng chương trình sàng lọc và quản lý bệnh ung thư phổi tại nước ta.