Thành tích 1 HCV, 1 HCB và 2 HCĐ tại mùa hè Braxin năm 2016, cho đến nay vẫn mang đến cảm xúc tự hào và là cột mốc vô cùng đặc biệt với thể thao Người khuyết tậ Việt Nam. Trong số 4 người đoạt huy chương ở Rio, còn 3 VĐV sẽ đến Tokyo là Lê Văn Công, Võ Thanh Tùng và Cao Ngọc Hùng. Những gương mặt còn lại trong chiến dịch Paralympic lần này có Đỗ Thanh Hải, Trịnh Thị Bích Như, Châu Hoàng Tuyết Loan và Nguyễn Thị Hải… Cả 7 VĐV này trong nhiều tháng qua đã miệt mài tập luyện để chờ ngày tranh tài ở đấu trường thể thao lớn nhất thế giới dành cho Người khuyết tật. Từ Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Đà Nẵng, Võ Thanh Tùng, kình ngư từng giành HCB Paralympic và phá kỷ lục châu Á nội dung 50 m bơi tự do, cho biết, gần 2 năm qua anh chỉ tập "chay", không có bất kỳ đợt cọ xát nào, và trong khi anh giậm chân tại chỗ thì các đối thủ thế giới tiến bộ vượt bậc.

“Do tình hình dịch bệnh nên quá trình tập luyện không được suôn sẻ, cũng như là tâm lý của VĐV rất là hoang mang, dẫn tới thành tích hiện giờ không đạt được thành tích tốt nhất so với lỳ Paralympic Rio 2016” – Võ Thanh Tùng cho biết.

Không có các chuyến bay nội địa thời điểm này, Võ Thanh Tùng và hai đồng đội Trịnh Thị Bích Như, Đỗ Thanh Hải và HLV Nguyễn Đăng Viễn chỉ còn cách đi ô tô từ Đà Nẵng ra Hà Nội, để cùng Đoàn cán bộ lên chuyến bay xuất phát từ Nội Bài vào tối 19/8. Cũng trong tối 19/08, nhóm VĐV, HLV của hai đội Điền kinh, Cử tạ sẽ đi từ Tp HCM đến Tokyo.

Với cặp vợ chồng tuyển thủ điền kinh Cao Ngọc Hùng – Nguyễn Thị Hải, họ sắp có màn “song tấu” đáng nhớ ở Paralympic. Nếu như Nguyễn Thị Hải mạnh dạn nói về khát khao về một thành tích “để đời”, thì Cao Ngọc Hùng bày tỏ quyết tâm: “Từ tấm HCĐ đoạt được tại Rio thì năm nay Hùng sẽ cố gắng nâng cao thành tích của mình hơn nữa, quan trọng hơn là cố gắng làm sao mà bảo vệ HCĐ đã đạt được”.

Đội điền kinh đã mạnh dạn nói về việc đua huy chương, nhưng “dấu hỏi lớn” đang đặt ra về cơ hội cạnh tranh của đội cử tạ, dù có Lê Văn Công. Kỷ lục gia thế giới và là nhà vô địch hạng 49 kg tại Paralympic 2016, lần này lên đường với chấn thương vai từ hơn một năm nay.

“Tôi đã phục hồi được khoảng 70%, kết quả tập luyện thì tôi cũng cảm thấy hài lòng nhưng mà để cạnh tranh huy chương thì điều đó rất là khó khăn. Hy vọng tôi sẽ có đột phá trong những ngày sắp tới để có cơ hội cạnh tranh huy chương tại kỳ Paralympic lần này” - Lê Văn Công chia sẻ.

Như chia sẻ của kỷ lục gia Lê Văn Công, chỉ có “sự đột phá” mới có thể đem lại bất ngờ cho đoàn thể thao Người khuyết tật nước ta khi đến Tokyo 2020. Đây là điều dễ hiểu, bởi gần 2 năm qua các VĐV chủ yếu tập “chay” trong nước chứ không thể tập huấn, thi đấu quốc tế nên duy trì phong độ đã khó, chứ chưa nói đến cải thiện thành tích. Chưa hết, nỗi lo còn đến từ gánh nặng tuổi tác. Võ Thanh Tùng 35 tuổi, cặp vợ chồng Cao Ngọc Hùng- Nguyễn Thị Hải đều 36 tuổi, Lê Văn Công bước qua tuổi 37, nữ đô cử từng chiến đấu với căn bệnh ung thư Châu Hoàng Tuyết Loan nay cũng đã 46 tuổi.

“Đoàn không đặt vấn đề huy chương cho các VĐV người khuyết tật, chỉ mong rằng các VĐV người khuyết tật nỗ lực hết mình để giành thành tích tốt nhất và đặc biệt, là đoàn kết, thể hiện hình ảnh đất nước con người Việt Nam thân thiện, hòa bình tại Paralympic lần này” - ông Phạm Đông Anh, Phó trưởng đoàn thể thao Người khuyết tật Việt Nam, cho biết.

Còn Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, đấu trường Paralympic là nơi hội tụ các VĐV người khuyết tật giỏi nhất trên thế giới về tranh tài, các VĐV phải đối mặt với nhiều thách thức trước tình hình dịch bệnh ở Nhật Bản, do đó, bên cạnh việc chia vui khi các VĐV nước ta giành được chiến thắng, cũng cần cảm thông và động viên nếu như họ thất bại... Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng tin tưởng rằng mỗi thành viên của đoàn không chỉ là những sứ giả, truyền tải hình ảnh đẹp nhất về đất nước, con người Việt Nam, mà còn là những VĐV biết vượt lên chính mình.