Cụ thể, 12 “đại gia” tham dự bao gồm Real Madrid, Barcelona, Atletico Madrid (Tây Ban Nha), Inter Milan, Juventus, AC Milan (Italy), Chelsea, Arsenal, Liverpool, Manchester United, Manchester City và Tottenham Hotspur (Anh).

Nhóm các đội bóng sáng lập có kế hoạch đưa thêm 3 câu lạc bộ nữa tham gia thi đấu trong mùa giải đầu tiên. Trong tuyên bố chung, các đội bóng hy vọng giải đấu sau này sẽ có 20 đội bóng, với 15 đội sáng lập cùng 5 đội bóng được lựa chọn dựa trên một cơ chế đấu loại hàng năm. Theo kế hoạch, các trận đấu của Super League sẽ diễn ra vào giữa tuần, song song với những giải đấu quốc nội ở các quốc gia.

Theo kế hoạch được thông qua, chủ tịch CLB Real Madrid, Florentino Perez sẽ là người đứng đầu giải đấu cùng với các Phó chủ tịch là chủ sở hữu MU, Joel Glazer và Chủ tịch của Juventus Andrea Agnelli.

Chủ tịch đầu tiên của giải European Super League, Florentino Perez chia sẻ, “Chúng tôi sẽ giúp bóng đá ở mọi cấp độ và đưa nó đến đúng vị trí cần thiết trên bản đồ bóng đá thế giới. Bóng đá là môn thể thao toàn cầu duy nhất có hơn 4 tỉ người hâm mộ và trách nhiệm của chúng tôi với tư cách một CLB lớn là đáp ứng mong mỏi của họ”.

Trong khi đó, Chủ tịch Juventus và sẽ là Phó chủ tịch Super League, Agnelli nói: “12 CLB sáng lập giải đấu đại diện cho hàng tỉ người hâm mộ trên toàn cầu và chúng tôi có 99 chiếc cúp vô địch châu Âu. Chúng tôi sẽ đồng hành cùng nhau trong thời điểm quan trọng này, tạo điều kiện cho sự cạnh tranh ở châu Âu thay đổi, đưa trò chơi mà chúng tôi yêu thích lên một nền tảng bền vững và lâu dài, tăng cường tính đoàn kết, mang đến cho CĐV và những cầu thủ nghiệp dư một “dòng chảy xuyên suốt” để họ nuôi dưỡng niềm đam mê bóng đá, đồng thời cung cấp cho họ một hình mẫu hấp dẫn”.

Chủ sở hữu MU và là Phó chủ tịch Super League, Joel Glazer lên tiếng, “Bằng cách tập hợp các CLB và cầu thủ vĩ đại nhất thế giới chơi cùng nhau trong suốt mùa giải, Super League sẽ mở ra một chương mới cho bóng đá châu Âu, đảm bảo cơ sở vật chất và sự cạnh tranh ở đẳng cấp thế giới, đồng thời tăng cường hỗ trợ tài chính cho mô hình kim tự tháp bóng đá”.

Thông báo về sự ra đời của ESL được đưa ra chưa đầy một ngày sau khi Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) công bố thể thức mới của Champions League kể từ mùa giải 2021/22. Theo những tiết lộ trước đó, số lượng CLB dự giải đấu này theo thể thức mới sẽ tăng từ 24 lên 36 đội. Các câu lạc bộ phải thi đấu 10 trận ở vòng bảng thay vì 6 trận như hiện tại và đương nhiên tỉ lệ chia doanh thu của các câu lạc bộ lớn bị giảm sút. Đó là lý do khiến các câu lạc bộ này nhen nhóm ý định thành lập ESL để không phải chia miếng bánh lợi nhuận cho UEFA.

Thật ra ý tưởng về Super League không phải mới. Từ năm 1998, nhóm những đội bóng hàng đầu châu Âu tự xưng là G14 đã lên kế hoạch cho một siêu giải đấu. Họ chỉ từ bỏ khi UEFA thay đổi cơ cấu lại Champions League, với thể thức và cách phân chia lợi nhuận như hiện tại.

Nhưng hơn hai thập niên qua, những gã nhà giàu của châu Âu luôn nghĩ về giải đấu dành cho riêng họ. “Chỉ Super League mới bảo đảm rằng các CLB lớn nhất sẽ luôn chơi ở đấu trường danh giá nhất, điều mà Champions League không thể đáp ứng”, Chủ tịch Real, Florentino Perez tuyên bố vào năm 2009, thời điểm Los Blancos bị loại khỏi Champions Leagueở vòng 1/8 lần thứ 5 liên tiếp.

Sau này, khi Real đã khôi phục quyền lực ở châu Âu với bốn chức vô địch trong vòng năm năm, Perez vẫn không ngừng mơ tưởng đến Super League. Lần này, lý do là về tiền bạc. Như đã thấy, dù liên tục nằm trong tốp đầu thế giới về khả năng kiếm tiền, nhưng Real vẫn không thể sánh nổi PSG hay Man City, các đội được hậu thuẫn bởi túi tiền không đáy của giới chủ siêu giàu.

Cuộc khủng hoảng tài chính vì đại dịch Covid-19 càng làm rõ điều này. Mùa hè 2020, cả Real lẫn Barca đều không xoay được tiền cho chuyển nhượng, nhưng Chelsea và Man City vẫn chi ra hàng trăm triệu euro. Super League ra đời sẽ giải quyết vấn đề này, với dòng tiền cố định không ít hơn 300 triệu euro đổ về mỗi năm.

Super League được thành lập với tham vọng lật đổ Champions League. JP Morgan - một công ty ngân hàng ở Mỹ cam kết tài trợ 6 tỷ USD. Một đơn vị truyền hình sẵn sàng chi 3,5 tỷ USD để giữ quyền phát sóng. Trên cơ sở này, các đội tham dự Super League hứa hẹn nhận quyền lợi gấp nhiều lần Champions League.

Tuy nhiên, bóng đá không chỉ là 12 đội bóng kia. Sự xuất hiện của Super League khiến cả hệ thống bóng đá đảo lộn, từ các giải đấu châu Âu đến liên đoàn cơ sở, đồng thời phá vỡ truyền thống đã định hình bóng đá cả thế kỷ qua.

Ngay sau khi thông báo về European Super League được công bố, UEFA lập tức đăng tải thông cáo về việc sẽ đưa ra các biện pháp trừng phạt thích đáng. Người phát ngôn cơ quan này cho hay:

"Liên đoàn bóng đá Anh, Tây Ban Nha, Italy đã biết một số CLB có tham vọng gia nhập giải đấu mới mang tên European Super League. UEFA muốn nhắc lại rằng các thành viên trong liên đoàn sẽ đoàn kết để ngăn chặn dự án này. Đây là giải đấu được vẽ ra dựa trên lợi ích của một số CLB. Chúng tôi sẽ làm mọi cách để ngăn chặn European Super League. Như FIFA thông báo trước đó, các CLB tham dự giải đấu mới sẽ bị cấm ở đấu trường quốc nội, châu Âu và trên thế giới. Những cầu thủ đầu quân cho CLB tham gia European Super League bị cấm khoác áo đội tuyển. Chúng tôi cảm ơn các CLB, đặc biệt là những đội bóng ở Pháp và Đức đã từ chối tham gia giải đấu này".

Trên trang web của mình, Liên đoàn bóng đá Anh nhận định: "European Super League sẽ làm giảm độ hấp dẫn trong các trận đấu, gây ảnh hưởng nặng nề cho kế hoạch hiện tại và tương lai của Premier League. Chúng tôi sẽ làm việc với các bên liên quan để bảo vệ sự phát triển của bóng đá Anh".

Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng: “Các kế hoạch cho European Super League sẽ gây tổn hại rất lớn cho bóng đá và chúng tôi ủng hộ các cơ quan quản lý bóng đá hành động. Họ sẽ làm ảnh hưởng đến các trận đấu trong nước và sẽ gây lo ngại cho người hâm mộ. Các câu lạc bộ liên quan phải trả lời người hâm mộ của họ và cộng đồng bóng đá trước khi thực hiện bất kỳ bước nào tiếp theo".

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo kế hoạch thành lập ESL có nguy cơ "đe dọa nguyên tắc đoàn kết và tinh thần thể thao".

Huyền thoại Sir Alex Ferguson của Manchester Unuted cũng phản đối việc thành lập giải đấu. Ông khẳng định lịch sử 70 năm của bóng đá châu Âu sẽ thụt lùi nếu giải Super League hình thành. “Giải Super League là bước đi thụt lùi trong lịch sử hơn 70 năm của các CLB bóng đá châu Âu. Cả khi tôi còn là cầu thủ thuộc CLB tỉnh lẻ Dunfermline vào những năm 60 hay là HLV của Aberdeen giành chức vô địch UEFA Winners Cup cho CLB tỉnh lẻ ở Scotland, điều đó giống như đang leo lên đỉnh Everest. Everton đang chi 500 triệu bảng Anh xây dựng sân vận động mới phục vụ cho tham vọng có thể chơi ở Champions League. Người hâm mộ trên toàn thế giới yêu thích những giải đấu hiện có.Trong thời gian tôi ở Manchester United, chúng tôi đã chơi 4 trận chung kết Champions League và chúng luôn là những đêm đặc biệt nhất. Tôi không chắc Manchester United có gia nhập vào dự án này hay không vì tôi không tham gia vào quá trình đưa ra quyết định của CLB”.

Cùng với Sir Alex, cựu trung vệ Gary Neville cũng lên tiếng phản đối: "Tôi không phản đối chuyện hiện đại hóa bóng đá, nhưng việc đề xuất thành lập giải đấu này trong tình hình dịch bệnh là bê bối. Mọi thứ thật nhảm nhí. Tôi là fan của MU suốt 40 năm nhưng cảm thấy thật kinh tởm. Tôi kinh tởm nhất với chính MU và Liverpool. Liverpool, họ luôn tự hào với khẩu hiệu "Bạn sẽ không bao giờ phải đi một mình", đó là đội bóng quốc dân, đội bóng của fan mà. MU là đội bóng có lịch sử 100 năm từ những người công nhân, vậy mà họ đang định bỏ tất cả để đến với một giải đấu chẳng có thể thống gì cả, nơi họ không bị xuống hạng ư? Đó là một sự sỉ nhục và chúng ta phải giành lại quyền lực từ những CLB hàng đầu của đất nước này, bao gồm cả đội bóng của tôi. Đây thuần túy là sự tham lam, họ (những ông chủ) là những kẻ mạo danh CLB. MU thậm chí còn đang không dự Champions League. Arsenal và Tottenham cũng vậy. Thế mà họ muốn có được đặc quyền để tham gia những giải đấu hàng đầu sao? Một sự châm biếm thảm hại. Quá đủ rồi, sự tham lam này cần chấm dứt”

Trong một diễn biến khác, các quan chức tại UEFA cũng đang tổ chức một cuộc họp khẩn cấp để đưa ra phương án giải quyết có liên quan.

Thông tin từ tờ La Gazzetta dello Sport (Italia) cũng tiết lộ, UEFA đã bắt đầu tính đến việc kiện những đội bóng nói trên với số tiền lên đến 50 tỉ Euro.

Bóng đá châu Âu bước vào một thời kỳ mới, hoàn toàn xa lạ và thiếu cạnh tranh. Đúng là sẽ rất phấn khích khi chứng kiến các cuộc đối đầu thượng thặng giữa Real-Barca-Juventus-MU- Milan-Liverpool, nhưng sẽ thật nhàm chán nếu nó xảy ra liên tục bởi các đội sáng lập nghiễm nhiên có suất tham dự.

Đó là lúc đặt câu hỏi, liệu Super League có thực sự là giải đấu tinh hoa, khi Tottenham và Arsenal đang đứng thứ 7 và 9 ở Premier League, hay Milan, Inter đã không vô địch Serie A trong hơn thập kỷ qua.

Trong khi đó, Champions League mà người ta từng biết sẽ là nơi tranh tài của Celtic, Rangers, Everton, Atalanta hay Sevilla, thay vì những đội làm nên lịch sử giải đấu. Cũng vì tham gia Super League, 12 siêu CLB có nguy cơ bị loại khỏi các giải đấu quốc gia. Có nghĩa là Wolves, West Ham có cơ hội vô địch Premier League, còn trận siêu kinh điển của Tây Ban Nha có thể là cuộc đối đầu giữa Real Sociedad và Villarreal.

Bóng đá đang đứng giữa ngã ba đường và thật khó hình dung điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.