Vận động viên chuyên nghiệp là nghề có tỷ lệ chấn thương cao, nếu chẳng may bị thương, việc chữa trị tốn kém, thậm chí phải tới cơ sở y tế chất lượng cao, có điều kiện chữa trị tốt mới mong sức khỏe bình phục. Thế nhưng hiện nay, các vận động viên khi gặp chấn thương đều loay hoay tìm nguồn kinh phí để chữa trị vì chưa mấy người tham gia bảo hiểm thân thể.

Ngày 19/12, Liên đoàn Thể dục Việt Nam đã thông báo kêu gọi ủng hộ dành cho vận động viên Nguyễn Minh Triết (17 tuổi) gặp chấn thương. Ở một buổi tập hồi tháng 11/2023, Nguyễn Minh Triết không may gặp chấn thương nặng khi thực hiện một động tác tiếp đất của bài tập chuyên môn. Theo các bác sĩ cho biết, Minh Triết bị liệt tủy, viêm phổi xẹp, khả năng hồi phục là rất thấp.

Năm 2014, cua rơ Nguyễn Thị Thà (An Giang) gặp chấn thương nguy hiểm khi thi đấu môn xe đạp tại Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc. Cô sập ổ gà, mất lái và ngã xe, bị gãy xương sườn, dập một quả thận, tràn dịch màng phổi, tổn thương gan. Sau đó, Nguyễn Thị Thà phải cắt bỏ một 1 quả thận và phải giải nghệ.

Trước đó, năm 2003, nữ tuyển thủ Lê Thị Huệ (vật) gặp chấn thương kinh hoàng trong giai đoạn chuẩn bị cho SEA Games 2003, bị gãy 3 đốt sống cổ, dập tuỷ sống, mất 81% sức khoẻ và giải nghệ sau đó. Cũng trong năm 2003, tuyển thủ judo Trần Thanh Ngời qua đời ở tuổi 21 vì chấn thương gãy đốt sống cổ, trong thời gian chuẩn bị SEA Games....

Ông Nguyễn Hồng Minh, chuyên gia thể thao nhìn nhận: Đặc điểm của thể thao đỉnh cao và chuyện nghiệp là tập luyện với cường độ cao trong thời gian 10-15 năm thậm chí nhiều hơn nữa, trong quá trình đó, họ phải trải qua các giai đoạn tập luyện để nâng cao trình độ thể thao của mình để thi đấu giành thành tích. Với thể thao thành tích cao, vận động viên phải tập luyện ở cường độ lớn, nặng mới vượt lên khả năng có thể chịu đựng được, từ đó dẫn đến mệt mỏi, chấn thương, tai nạn, rủi ro và các vấn đề về tâm lý khác. Có những môn thể thao liên quan đến yếu tố nguy hiểm như thể dục dụng cụ, nhào lộn, trượt tuyết, leo núi, đua mô tô, võ.... chấn thương trong thể thao là bạn đồng hành. Thế nhưng mỗi lần bị thương, họ đã gặp khó khăn về kinh tế rất nhiều khi chữa trị. Lý do là hiện nay, đa phần các vận động viên chỉ được mua một số loại bảo hiểm bắt buộc là bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... Hoặc, một số giải đấu quốc gia mua bảo hiểm cho vận động viên trong thời điểm tham dự giải đấu. Không nhiều vận động viên chủ động mua thêm những loại bảo hiểm khác như bảo hiểm thân thể, bảo hiểm nhân thọ nhằm phòng ngừa những rủi ro không đáng có.

Hiện nay có một số công ty bảo hiểm đã thực hiện gói bảo hiểm thân thể đối với vận động viên, trong đó có công ty công nghệ bảo hiểm Igloo Việt Nam. Tuy nhiên, gói sản phẩm này chỉ thiết kế cho một số bộ môn thể thao nhất định. Ông Nguyễn Hữu Tự Trí, Giám đốc Igloo cho biết: Vì sự hiểu biết của mọi người về bảo hiểm chưa được tốt và thị trường chưa có những sản phẩm phù hợp nhất cho các VĐV để bảo vệ cho sức khỏe, thân thể của bản thân. Nhìn một cách tổng quan, sức khỏe và thân thể của các VĐV là cái có thể kiếm ra tiền nhưng hiện gói chỉ thực hiện khi tham gia giải hoặc chuyên nghiệp, ngoài ra chưa có gói nào trọn vẹn khác.

Trao đổi của phóng viên VOV2 với ông Nguyễn Hữu Tự Trí - Giám đốc Công ty công nghệ bảo hiểm Igloo Việt Nam:

Một số công ty bảo hiểm tại Việt Nam cũng đã ra mắt một số gói bảo hiểm dành cho thể thao, vận động viên nhưng rất ít đội tuyển thể thao quốc gia mua các gói này. Theo ông Nguyễn Hồng Minh, việc ít VĐV tham giao bảo hiểm không chỉ do kinh phí mà chủ yếu do nhận thức người cần tham gia bảo hiểm và người cung cấp gói bảo hiểm. "Các vận động viên, lãnh đạo đội tuyển, Liên đoàn thể thao cho tới lãnh đạo ở tầm cao hơn nữa cần quan tâm hơn nữa đến sinh mạng và sức khỏe của các vận động viên, các cơ quan chức năng cần phải tính đến xây dựng chính sách để huy động nguồn lực xã hội để đóng góp cho vấn đề này...." - ông Minh nhấn mạnh.

Mời quý vị và các bạn nghe trao đổi của phóng viên chương trình với chuyên gia thể thao Nguyễn Hồng Minh tại đây: