Ngọn đuốc Paralympic với ý nghĩa xây dựng xã hội sẻ chia được thắp sáng tại 880 địa điểm trên toàn Nhật Bản. Để đảm bảo tính đặc sắc, Ban tổ chức đã ủy quyền cho các địa phương quyết định hình thức và phương pháp thắp đuốc. Tỉnh Nagano đã tổ chức cho những trẻ em khuyết tật thắp sáng ngọn đuốc bằng ánh sáng Mặt Trời, trong khi tại tỉnh Kagoshima, Hiệp hội bảo tồn đá lửa đảo Tanega đã sử dụng chính những viên đá lửa cổ xưa để thắp sáng ngọn đuốc cổ vũ tinh thần Paralympic…

Tại thủ đô Tokyo, theo kế hoạch ban đầu có Cuộc chạy tiếp sức rước đuốc Paralympic diễn ra trong các ngày từ 20-24/8, với khoảng 700 vận động viên và các cá nhân tiêu biểu trên quãng đường dài khoảng 35km, tuy vậy do dịch bệnh, hoạt động này chỉ được tổ chức tập trung tại một địa điểm theo nghi thức truyền lửa.

Theo lịch trình của Ban tổ chức, ngọn đuốc được thắp sáng tại nơi khởi nguồn Thế vận hội dành cho người khuyết tật là Vương quốc Anh, cùng với các ngọn đuốc Paralympic trên toàn Nhật Bản, được tập hợp tại thủ đô Tokyo, trước khi chính thức thắp sáng tại buổi Lễ khai mạc vào tối 24/8.

Paralympic Tokyo 2020 sẽ diễn ra đến ngày 5/9, quy tụ 4.400 VĐV đến từ 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên trên thế giới. Đoàn thể thao Người khuyết tật Việt Nam có 15 thành viên, trong đó 7 VĐV gồm: Trịnh Thị Bích Như, Võ Thành Tùng, Đỗ Thanh Hải (môn bơi), Lê Văn Công, Châu Hoàng Tuyết Loan (môn cử tạ), Cao Ngọc Hùng, Nguyễn Thị Hải (môn điền kinh), trưởng đoàn là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao Nguyễn Hồng Minh.

Tại làng VĐV Paralympic, đoàn Việt Nam được bố trí ở tầng 4 lốc 7 và nhận được nhiều sự giúp đỡ từ phía Ban tổ chức nước chủ nhà. Đặc biệt, các tình nguyện viên đã rất nhiệt tình hỗ trợ đoàn trong việc làm thủ tục tại sân bay, nhập làng và hướng dẫn cụ thể cách thức di chuyển cũng như những nguyên tắc trong sinh hoạt chung.

Đoàn Việt Nam dự Lễ khai mạc vào 20 giờ ngày 24/8 (tối đa 2 VĐV và 1 HLV mỗi môn thể thao) và sẽ bước vào các cuộc tranh tài từ ngày 25/8 - 2/9.