Paralympic Tokyo diễn ra từ ngày 24/8 đến 05/9 với 22 môn thể thao và 540 nội dung. Đoàn Việt Nam tham dự đại hội với 15 thành viên, trong đó có 7 VĐV thi đấu ở 3 môn là bơi, cử tạ và điền kinh. Lẽ ra, số lượng VĐV Việt Nam có thể cao hơn nhưng do trong suốt 2 năm qua, họ không được ra nước ngoài thi đấu, Ủy ban Paralympic Quốc tế không xác định lại được thương tật của một số VĐV nên chúng ta đành mất suất. Không chỉ các VĐV lỡ hẹn đến Paralympic bị mất cơ hội mà bản thân các VĐV có vé dự cũng gặp nhiều khó khăn. VĐV cử tạ Lê Văn Công chia sẻ: “Hai năm qua không có giải đấu quốc tế nào, chu kỳ tập luyện của đội tuyển có sự thay đổi rất lớn, mình chỉ có giải toàn quốc thì phong độ mình cũng không thể giữ ổn định theo mức cũ. Thứ hai là tâm lý thi đấu, qua quá trình dài tập luyện mà không được thi đấu thì đấy là điều thiệt thòi rất lớn cho các VĐV thể thao người khuyết tật”.
Đây cũng là vấn đề mà ông Nguyễn Hồng Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao, Trưởng đoàn thể thao NKT Việt Nam dự Paralympic Tokyo 2020 đề cập với phóng viên Đài TNVN. “Trong thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên quá trình chuẩn bị của các VĐV gặp nhiều khó khăn. Các em phải tập huấn trong điều kiện hết sức ngặt nghèo. Hầu hết từ đầu năm đến nay thực hiện việc cấm trại. Các em chỉ tập luyện trong các Trung tâm HLTT quốc gia Đà Nẵng và TP.HCM, không có điều kiện thỉnh thoảng về thăm gia đình để có thể tạo sự yên tâm, thoải mái về mặt tâm lý”. Mất suất dự Paralympic, không được tập huấn, thi đấu cọ xát quốc tế dẫn tới thiếu thông tin về đối thủ, phong độ và tâm lý bị ảnh hưởng. Chừng đó những khó khăn do Covid-19 gây ra đã tác động không nhỏ tới cơ hội cạnh tranh của đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam. Ngoài ra, những bất lợi như tuổi tác VĐV đã cao cộng với việc dính chấn thương khiến Đoàn TTNKT Việt Nam tới Paralympic lần này trong tâm thế không đặt nặng vấn đề huy chương. Trưởng đoàn Nguyễn Hồng Minh khẳng định. “Chúng tôi cũng không tạo áp lực về mặt thành tích cho các VĐV. Tuy nhiên, chúng tôi cũng hy vọng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, sự quan tâm của các cấp trong thời gian qua, các em sẽ đạt được thành tích tốt nhất của mình trong điều kiện khó khăn như thế này, vượt qua chính mình, hòa nhập với cộng đồng. Đồng thời trong quá trình ấy, chúng tôi cũng hy vọng chúng ta sẽ làm tốt việc quảng bá, giao lưu với các quốc gia tham dự Đại hội để nâng cao hình ảnh và vị thế Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế”.
Dù đối mặt với nhiều thách thức ở kỳ thế vận hội lần này nhưng các gương mặt tiêu biểu của thể thao người khuyết tật Việt Nam đều đã sẵn sàng thể hiện hết mình. VĐV điền kinh Cao Ngọc Hùng và Nguyễn Thị Hải nêu quyết tâm. “Năm nay mình sẽ cố gắng làm sao nâng cao thành tích của mình ở Paralympic Rio 2016 và cái quan trọng hơn là mình cố gắng bảo vệ được HCĐ mà mình đã giành được. Giải đấu này rất là quan trọng đối với Hải và Hải mong muốn có thể đạt được một tấm huy chương để đời. VĐV Nguyễn Thị Hải nói.
Theo lịch hoạt động, Đoàn Việt Nam sẽ tham dự lễ khai mạc Paralympic Tokyo 2020 vào tối 24/8 với tối đa 2 vận động viên và 1 huấn luyện viên cho mỗi môn thể thao. Sau đó, ngày 25/8, các thành viên đội tuyển bơi sẽ bước vào thi đấu. Các vận động viên môn cử tạ sẽ thi đấu vào ngày 26/8 và cuối cùng là môn điền kinh ngày 27/8.