Trưa 11/9, tại nhà riêng ở Hà Nội, ông Hoàng Vĩnh Giang qua đời vì cơn bệnh nhồi máu cơ tim, để lại cho những nhà quản lý thể thao, các VĐV, các nhà báo thể thao niềm tiếc thương về một tấm gương lao động và cống hiến không mệt mỏi, từ khi còn là VĐV cho đến lúc nhắm mắt ở tuổi 75.

Trên trang cá nhân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Lê Thị Hoàng Yến viết: “Vĩnh biệt chú Hoàng Vĩnh Giang - Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới, Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở TDTT Hà Nội, cựu kỷ lục gia nhảy cao, Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam đã tạ thế trưa ngày 11/9/2021. Đây là tổn thất lớn của ngành Thể dục thể thao Việt Nam. Xin chia buồn cùng gia quyến”.

Bày tỏ rằng “Tôi và nhiều cán bộ của ngành thể thao đã rất sốc khi nghe tin ông Hoàng Vĩnh Giang qua đời” - Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Thể dục thể thao Trần Đức Phấn còn chia sẻ: ông Hoàng Vĩnh Giang là một cây đại thụ của thể thao Việt Nam và “ngoài năng lực về mặt chuyên môn, thì ông còn là nhà ngoại giao về thể thao, mà theo cá nhân tôi, là ngoại giao thể thao số một của Việt Nam. Không chỉ tài ngoại giao, tài đánh giá về môn thể thao, ông còn khả năng mà tôi rất khấm phục, đó là ngoại ngữ, ông Hoàng Vĩnh Giang nói thông viết thạo ba ngoại ngữ gồm Anh, Trung và Nga”.

Cây đại thụ của thể thao Việt Nam sinh năm 1946, là con trai của cố Giáo sư Hoàng Minh Giám, một trí thức tiêu biểu từng giữ nhiều trọng trách trong bộ máy lãnh đạo của Nhà nước ngay từ ngày Cách mạng Tháng Tám thành công. Ông Hoàng Vĩnh Giang cũng là cháu ngoại của quan đại thần triều Nguyễn Cao Xuân Dục, gia tộc có truyền thống nhiều đời đỗ khoa bảng.

Đến với thể thao từ môn nhảy cao, ông Hoàng Vĩnh Giang tham gia đội điền kinh nghiệp dư Hà Nội đoạt chức vô địch nhảy cao thanh thiếu niên miền Bắc, trong đó lập kỷ lục 1m96 vào năm 1964 và kỷ lục này tồn tại suốt 32 năm. Trong quá trình công tác quản lý, ông từng đảm nhiệm vị trí quan trọng như Chủ tịch Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam nhiệm kỳ 2018-2023, Phó chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam, Phó chủ tịch Ủy ban Olympic châu Á, Giám đốc Sở TDTT Hà Nội… Dưới sự quản lý của ông Hoàng Vĩnh Giang, thể thao Hà Nội nói riêng, thể thao Việt Nam nói chung có một giai đoạn phát triển vượt bậc, qua đó hội nhập trở lại với thể thao khu vực, với dấu ấn ở SEA Games 2003 được tổ chức trên sân nhà, bên cạnh đó là các kỳ Asiad, Olympic…

Sinh thời, ông Hoàng Vĩnh Giang nổi tiếng với chiến lược “đi tắt đón đầu”, giúp thể thao Việt Nam có được một vị thế vững chãi như hiện tại. Với những đóng góp đặc biệt đó, năm 2006, ông Hoàng Vĩnh Giang trở thành người đầu tiên trong ngành TDTT Việt Nam được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.

Nhà báo Nguyễn Lưu, người từng đồng hành với ông Hoàng Vĩnh Giang tham gia đoàn thể thao Việt Nam sang Trung Quốc tập huấn và thi đấu vào năm 1967, nhớ lại: “Những ngày ấy thật đáng nhớ, trong đó có kỷ niệm vui khi anh và tôi cùng tham gia nhiều tiết mục văn nghệ được bè bạn hoan nghênh, đặc biệt là màn trình diễn của tốp ca nam với bài hát “Lướt sóng ra khơi”, biểu diễn ngay trên boong của chiến hạm Thái Bình to nhất Trung Quốc, với lời giới thiệu về hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng… Chúng tôi đã cùng anh tham dự những sân chơi như SEA Games, Asiad và Olympic, đã nếm đủ vị ngọt ngào cay đắng của cuộc đời thể thao giàu tính thượng võ và cả chất thơ”.

Bày tỏ niềm thương tiếc trước sự ra đi mãi mãi của ông Hoàng Vĩnh Giang, Nhà báo Nguyễn Lưu cho biết: “Có thể nói rằng trong những giai đoạn thể thao Việt Nam chúng ta tái hội nhập thì anh Hoàng Vĩnh Giang là người đi đầu và có công lớn trong việc giới thiệu, tạo điều kiện mang về cho thể thao Việt Nam chúng ta một số môn thể thao khu vực, để chúng ta có điều kiện tiếp cận trở lại ngôi nhà Đông Nam Á, từ đó ta giành được tình cảm tốt đẹp của bè bạn”.

Theo nhà báo Nguyễn Lưu, người xưa nói “voi đi để lại dấu”, những người làm thể thao Việt Nam và bạn bè xa gần sẽ luôn nhắc đến Hoàng Vĩnh Giang, ngành TDTT sẽ tiếp bước và cố gắng ghi những dấu ấn mới trong ngôi nhà lớn mà ông đã để lại.