Các đại biểu tham dự Đại hội đã bầu ra 39 thành viên Ban chấp hành, trong đó có 13 thành viên Ban thường vụ, 5 Phó Chủ tịch, 1 Tổng thư ký. Ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã trúng cử Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam nhiệm kỳ VI với số phiếu tán thành 100%. Ông Trần Văn Mạnh - Tổng thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam khóa V - tái đắc cử chức danh Tổng thư ký khóa VI.

Các Phó chủ tịch gồm có: ông Trần Đức Phấn (Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT), ông Lê Văn Kiểm (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh golf Long Thành), ông Trần Minh Hùng (Phó Tổng giám đốc Đài TNVN), ông Nguyễn Quốc Kỳ (Chủ tịch HĐQT Vietravel) và ông Hoàng Xuân Lương (Chủ tịch Liên đoàn Cử tạ - thể hình Việt Nam).

Thay mặt cho Ban chấp hành khóa VI, Chủ tịch Nguyễn Văn Hùng cũng cho biết, trên tinh thần nhìn lại để tiến xa hơn, Đại hội nghiêm túc nhìn lại để thấy được những gì là thành công, thành tựu của khoá trước cũng như những gì còn tồn tại, cần rút kinh nghiệm để xây dựng, bổ sung các giải pháp, các nhóm nhiệm vụ của khoá mới. Ông Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, xuyên suốt là tinh thần “cùng nhau”, đặt vấn đề thể thao quần chúng trở thành nền tảng, tập trung triển khai sâu rộng thông qua các hoạt động của liên đoàn, hiệp hội, cụ thể hóa cuộc vận động toàn dân rèn luyện theo tấm gương của bác Hồ vĩ đại Đại hội đã giao nhiệm vụ cho các Liên đoàn, hiệp hội phải xây dựng các kế hoạch cụ thể để phối hợp chặt chẽ dưới sự quản lý nhà nước của Tổng cục TDTT, biến các nội dung trong nghị quyết thành phong trào cụ thể trong thực tiến…

Đánh giá tổng kết nhiệm kỳ V, Ủy ban Olympic Việt Nam đã phối hợp cùng với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng cho thể thao Việt Nam, trong đó thành tích lớn nhất chính là việc lần đầu tiên trong lịch sử thể thao Việt Nam giành được HCV Olympic do công của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tại Olympic Rio 2016.

Thành tích của thể thao Việt Nam cũng có nhiều bước tiến vững chắc trong 5 năm qua như: Đoàn thể thao Việt Nam giành được 4 HCV tại ASIAD 2018; luôn đứng trong tốp 3 SEA Games; đội tuyển U23 Việt Nam giành ngôi Á quân U23 châu Á 2018, tuyển bóng đá nam quốc gia giành HCV AFF Cup và lần đầu vào vòng loại thứ 3 World Cup.

Dù vậy, theo báo cáo của nhiệm kỳ V cũng có nhiều hạn chế, bất cập. Ủy ban Olympic Việt Nam hoạt động dựa trên nguồn kinh phí của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC), Hội đồng Olympic châu Á (OCA) và các doanh nghiệp tài trợ. Nguồn kinh phí đó giúp duy trì bộ máy, hỗ trợ các hoạt động thể thao quần chúng, đỉnh cao của Việt Nam phát triển. Suốt 5 năm của nhiệm kỳ V, chỉ thu được tổng cộng 67 tỉ đồng. Trong số đó có 44 tỷ đồng thu từ tiền tài trợ của các doanh nghiệp.

Mục tiêu của Ủy ban Olympic Việt Nam nhiệm kỳ VI là giúp thể thao quần chúng phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đưa thể thao Việt Nam giành thành tích cao ở ASIAD Hàng Châu 2022 và Olympic Paris 2024. TTK Trần Văn Mạnh cho biết, Ủy ban Olympic Việt Nam và Tổng cục TDTT đã xây dựng kế hoạch để chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic trong tương lai một cách dài hạn, có sự liên thông trong việc đào tạo trẻ, từ đó tuyển chọn VĐV tham dự các kỳ Olympic trẻ, Đại hội thể thao trẻ châu Á, tham dự các kỳ SEA Games bởi để chuẩn bị cho việc tham dự Olympic mà đạt kết quả thì theo kinh nghiệm các nước từ 8-10 năm…/.