Thất bại của tuyển Việt Nam trước Thái Lan tại bán kết AFF Cup khép lại 1 năm nhiều biến động của bóng đá nước nhà nói riêng cũng như của cả ngành thể thao nói chung. Việc giải VĐQG lần đầu tiên phải hủy vì ảnh hưởng nghiêm trọng của đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ tư trên cả nước khiến các cầu thủ không được thi đấu đỉnh cao trong thời gian dài. Không tìm được những gương mặt mới, nhiều cầu thủ trụ cột chấn thương hoặc xuống phong độ, khiến đội tuyển không thể bảo vệ được chức vô địch ở giải đấu được coi là quan trọng nhất của bóng đá Việt Nam trong năm 2021, còn trước đó, thầy trò HLV Park Hang Seo cũng phải nhận chuỗi 7 trận thất bại liên tiếp tại vòng loại World Cup 2022. Tuy nhiên, cần ghi nhận nỗ lực của các tuyển thủ, bởi đây cũng là lần đầu tiên chúng ta vào tới vòng loại thứ ba của một kỳ World Cup và ngay trong năm tới, ĐTVN sẽ có cơ hội trở lại ngôi vị số 1 Đông Nam Á, như phát biểu của trung vệ đội trưởng Quế Ngọc Hải, sau giải đấu tại Singapore "Hi vọng mọi người sẽ luôn tiếp tục đồng hành cổ vũ cho đội tuyển dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Chúng tôi sẽ cố gắng nhiều hơn nữa để trở lại trong năm tới…".
Những gì mà các tuyển thủ bóng đá phải đối mặt cũng chính là khó khăn chung mà VĐV các môn thể thao khác gặp phải. Không thi đấu, không tập huấn nước ngoài và phải tập chay trong thời gian dài, thậm chí là tập online, ảnh hưởng tâm lý bởi các đợt “cấm trại” kéo dài… Đoàn TTVN tham dự Thế vận hội Tokyo chỉ với 18 VĐV của 11 môn thể thao, ít hơn so với chỉ tiêu giành vé tham dự Đại hội và chúng ta cũng đã rời Nhật Bản mà không giành được tấm huy chương nào – một bước lùi đáng kể sau đỉnh cao 1 HCV, 1 HCB tại Olympic Rio 2016.
Sau kỳ Thế vận hội này, ngành thể thao quyết định sẽ có sự chuyển hướng đầu tư, tập trung vào những VĐV xuất sắc ở các môn thế mạnh, nhằm đua tranh huy chương Olympic, thay vì mục tiêu cạnh tranh tại đấu trường SEA Games như giai đoạn vừa qua. Ông Trần Đức Phấn – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT cho biết, khi kết thúc Olympic, ngành đã xây dựng một báo cáo mấy chục trang để nói lên thực trạng của mình trong quá trình chúng ta chuẩn bị lực lượng để tham dự các đại hội, vì chúng ta chỉ có 3 Đại hội lớn là SEA Games, ASIAD và Olympic, ngoài ra còn có các Đại hội khác thì chúng ta có thể tham dự hoặc ít hoặc nhiều, chỉ một số môn tham dự… Nhưng 3 Đại hội chính này thể hiện màu cờ sắc áo, thể hiện tinh thần Việt Nam và thành tích của thể thao Việt Nam. Ngay sau khi kết thúc Olympic thì chúng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề còn hạn chế thiếu sót của công tác chuẩn bị lực lượng của mình ở các môn thể thao, chúng ta giải quyết bài toán ở cao nhất trước, tức là Olympic, ASIAD và SEA Games. Về logic vấn đề thì VĐV đã đến Olympic thi đấu được và những VĐV đến Olympic để lấy huy chương thì người ta có khả năng lấy huy chương ở ASIAD của môn thể thao đó. Từ chỗ đó thì việc giải quyết bài toán giành HCV ở SEA Games có cơ sở đến 90 hay hơn 90%...
Thay đổi định hướng đầu tư trọng điểm là một quyết định quan trọng đối với thể thao Việt Nam. Việc đào tạo được lực lượng VĐV cạnh tranh huy chương sòng phẳng tại đấu trường Olympic đòi hỏi thời gian, với sự đầu tư chính xác cho những VĐV trọng điểm ở 1 số nội dung của một số môn trọng điểm, theo khẳng định của ông Trần Văn Mạnh – Tổng thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam. Ủy ban Olympic Việt Nam và Tổng cục TDTT đã xây dựng kế hoạch để chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic trong tương lai một cách dài hạn, có sự liên thông trong việc đào tạo trẻ, từ đó tuyển chọn VĐV tham dự các kỳ Olympic trẻ, Đại hội thể thao trẻ châu Á, tham dự các kỳ SEA Games bởi để chuẩn bị cho việc tham dự Olympic mà đạt kết quả thì theo kinh nghiệm các nước từ 8-10 năm, ông Trần Văn Mạnh chia sẻ.
Tất nhiên trong bức tranh chung của thể thao Việt Nam trong năm 2021 cũng có những gam màu sáng. Cuối tháng 10, làng thể thao Việt Nam đã đón nhận cột mốc lịch sử khi Nguyễn Thị Thu Nhi đoạt chiếc đai quyền Anh chuyên nghiệp WBO hạng nhẹ thế giới. Sau 12 hiệp đấu căng thẳng trước tay đấm người Nhật Bản Etsuko Tada, Thu Nhi đã thuyết phục hoàn toàn các trọng tài, thắng điểm sít sao 96-94 để trở thành tân vương WBO hạng nhẹ thế giới. Cũng trong năm qua, tại Paralympic 2021, lực sĩ khuyết tật số 1 Việt Nam Lê Văn Công xuất sắc mang về tấm HCB hạng cân 49kg nam với thành tích 173kg. Đến tháng 11, lực sĩ quê Hà Tĩnh tiếp tục mang tin vui cho thể thao nước nhà khi mang về tấm HCB tại giải vô địch cử tạ người khuyết tật thế giới tổ chức ở Gru-di-a.
Ở các giải thuộc hệ thống quốc gia, khi dịch bệnh phần nào được kiểm soát vào cuối năm, hàng loạt giải đấu VĐQG được tổ chức tại nhiều địa phương trong cả nước với những yêu cầu ngặt nghèo nhằm đảm bảo an toàn phòng dịch. Kết quả chung ở các giải đấu được đánh giá là khả quan, đặc biệt ở những môn trọng điểm như điền kinh, bơi, bóng bàn… khi các VĐV thuộc ĐTQG vẫn duy trì được phong độ đỉnh cao và bảo vệ thành công ngôi vô địch ở những nội dung sở trường. Đây là những cơ sở để thể thao Việt Nam tự tin hướng tới năm 2022, dày đặc các giải cả trong và ngoài nước. Trọng tâm của ngành là tổ chức thành công SEA Games 31 vào tháng 5 và sau đó lựa chọn những VĐV xuất sắc nhất tham dự ASIAD 19 tại Hàng Châu, Trung Quốc. Ở môn thể thao vua, các cầu thủ sẽ tranh tài hàng loạt giải đấu như vòng chung kết U23 châu Á, các trận đấu vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á cũng như giải Vô địch Đông Nam Á – AFF Cup 2022 với mục tiêu giành lại ngôi vương…/.