Hơn một tháng trước, người hâm mộ châu Âu tưng bừng đón VCK EURO 2020. Nhưng vào lúc này, ban tổ chức, người dân Tokyo cũng như các vận đoàn thể thao tham dự thế vận hội mùa hè lại đang căng thẳng đếm ngược "trước giờ G" cho kỳ Olympic đầy tranh cãi.

Trong một cuộc khảo sát quy mô do nhật báo Asahi Shimbun đưa ra hồi tháng 5, chỉ có 14% người dân Nhật đồng ý việc tổ chức đại hội theo đúng dự định. Và một chiến dịch mang tên Stop Tokyo Olympic (chấm dứt việc tổ chức Olympic Tokyo) được dấy lên đã thu thập gần nửa triệu chữ ký của người dân Nhật. Japan Doctors Union - một trong những hiệp hội y học có quyền lực ở Nhật Bản - khẳng định, rủi ro từ Olympic là không chấp nhận được. Thậm chí, giáo sư Hiroshi Oshitani của Đại học Tohoku cũng cảnh báo "Chính phủ Nhật Bản và ban tổ chức, bao gồm cả Ủy ban Olympic quốc tế (IOC), liên tục nói rằng, họ đang tổ chức một kỳ Thế vận hội an toàn nhưng mọi người đều biết sẽ có rủi ro. Không thể chắc chắn 100% Thế vận hội diễn ra mà không có nguy cơ lây nhiễm ở Nhật Bản và các nước khác sau khi kết thúc. Có một số quốc gia không có nhiều ca nhiễm và một số không có bất kỳ biến thể nào. Chúng ta không nên để Thế vận hội là dịp để lây lan virus sang các quốc gia này."

Thế vận hội Tokyo đã bị hoãn lại vào năm 2020 vì đại dịch COVID-19. Do đó, một phiên bản thu nhỏ không có khán giả nước ngoài của sự kiện này dự kiến ​​được bắt đầu vào ngày 23/7/2021, bất chấp lo ngại của công chúng rằng sự kiện này có thể lây lan virus và tiêu hao nguồn lực y tế. Thâm chí, để đề phòng những diễn biến phức tạp của Covid-19, BTC Olympic Tokyo đã đưa ra những quy định rất ngặt nghèo như các VĐV buộc phải xét nghiệm Covid-19 hàng ngày, hay cấm khán giả đến các địa điểm ở Tokyo và 3 khu vực xung quanh, nơi chiếm phần lớn việc tổ chức các sự kiện Olympic. Thống đốc Tokyo Yuriko Koike từng chia sẻ "Tôi cảm thấy đau lòng về quyết định này. Nhưng xin vui lòng xem Olympic ở nhà với gia đình của bạn một cách an toàn và chắc chắn. Tôi rất xin lỗi khi khiến nhiều người thất vọng nhưng để ngăn chặn sự lây lan của virus, đây là sự lựa chọn duy nhất có sẵn để chúng tôi thực hiện."

Thế nhưng, bất chấp những quy định có phần khắt khe đó, Covid-19 vẫn len lỏi và có nguy cơ bùng phát ngay trong làng vận động viên - nơi được coi là an toàn nhất. Đã có 4 vận động viên ở trong đó có kết quả dương tính Covid-19: 2 cầu thủ bóng đá từ Nam Phi, một cầu thủ bóng chuyền bãi biển từ Cộng hòa Séc - Ondrej Perusic đã được xác nhận và cách ly cùng 1 VĐV thể dục người Mỹ chưa xác định danh tính. Trưởng đoàn thể thao Nam Phi Mxolisi Sibam nói. "Chúng tôi có 3 ca dương tính Covid-19 tại đây, gồm hai cầu thủ và một viên chức. Masha và Monyane báo cáo là có thân nhiệt cao và xét nghiệm nước bọt cho kết quả dương tính. Sau đó họ đã được đưa đi làm xét nghiệm qua đường hậu môn. Đó là những gì tất cả chúng tôi đều trải qua lúc ban đầu, và họ thật không may là đã có kết quả xét nghiệm dương tính Covid-19 sau khi thực hiện xét nghiệm này. Mahlatsi là cầu thủ cuối cùng được xét nghiệm theo tiến trình tương tự."

Và đó là chưa kể hàng chục VĐV, HLV đã sớm phải cách ly sau khi nhập cảnh tại vào Nhật Bản khi có kết quả dương tính tại sân bay. Báo chí quốc tế còn thông tin, tính đến nay đã có tổng cộng 71 ca lây nhiễm COVID-19 ngay trong làng VĐV. Điều này đặt ra báo động về khả năng bùng phát thảm họa tại Làng Olympic, nơi có khoảng 11.000 VĐV. Khả năng bùng phát khiến các nhà tổ chức kinh hoàng. Các VĐV có kết quả xét nghiệm dương tính, và những người tiếp xúc gần gũi với họ, sẽ phải tự cô lập mình mà không thể tham gia các cuộc thi. Kenji Shibuya, cựu Giám đốc của Viện Sức khỏe Dân số tại trường Đại học Hoàng đế London, cho biết "Rõ ràng, cơ chế ngăn lây lan COVID-19 đã bị phá vỡ. Mối quan tâm lớn nhất của tôi là sẽ có một ổ dịch trong Làng vận động viên Olympic hoặc ở một số toà nhà và nơi có sự tương tác với người dân địa phương. Việc xét nghiệm không đầy đủ ở sân bay và không thể kiểm soát việc đi lại của mọi người có thể làm trầm trọng thêm sự lây lan của biến thể Delta trong thời gian diễn ra Thế vận hội."

Naoto Ueyama, người đứng đầu Hiệp hội Bác sĩ Nhật Bản cảnh báo, việc vận động viên từ hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ tới tham dự thế vận hội sẽ gây nguy hiểm và nguy cơ tạo ra "biến chủng Olympic". Bác sĩ Naoto nhận định "Tất cả chủng virus đột biến ở những nơi khác nhau sẽ tập trung tại Tokyo. Chúng ta không thể phủ nhận khả năng một chủng virus mới xuất hiện. Nếu tình huống đó xảy ra, virus mới có thể được đặt tên là “biến chủng Olympic Tokyo” và sẽ trở thành mục tiêu công kích, thậm chí trong 100 năm tới."

Ngay cả chủ tịch UB Olympic quốc tế Thomas Bach cũng phải thừa nhận "Nguy cơ bùng phát Covid- 19 đang hiện hữu, song đến thời điểm này, tất cả đều đã ở “trên lưng cọp rồi” dù “con cọp” có hung hăng đến chừng nào cũng phải thuần dưỡng nó, nhưng tôi vẫn mất ăn mất ngủ."

Tính đến ngày 19/7, Nhật Bản đã ghi nhận trên 841.500 ca mắc Covid-19 và vượt ngưỡng 15 nghìn trường hợp tử vong. Số ca mắc mới ở Tokyo đã đạt đỉnh 1.410 ca vào hôm 17/7, mức cao nhất trong gần 6 tháng qua, trong khi Thế vận hội chỉ còn 3 ngày nữa sẽ diễn ra. Chắc chắn đây sẽ là một thử thách không hề nhỏ với, các nhà tổ chức cũng như các VĐV tham dự để đảm bảo thành công cho sự kiện thể thao này.