Góp mặt ở mọi kỳ Olympic từ năm 1988 đến nay song bơi Việt Nam chưa từng vượt qua giai đoạn Heat, tức là vòng thi đấu tiên. Và đến chiến dịch Tokyo lần này, Huy Hoàng rất có thể là “chìa khóa” để mở toang cánh cửa vốn đang đóng chặt đó.

“Huy Hoàng là VĐV có rất nhiều thành tích ở các Đại hội và giải thể thao lớn. Tại Asiad thì Huy Hoàng có HCB, tại Đại hội thể thao Olympic trẻ thì Hoàng có HCV, và ở đấu trường Olympic lần này cũng sẽ có rất nhiều người biết đến tên Huy Hoàng của Việt Nam” - Trưởng đoàn Trần Đức Phấn bày tỏ tin tưởng vào tay bơi 21 tuổi.

Tại Olympic Tokyo 2020, kình ngư người Quảng Bình đạt hai chuẩn B 200m và 400m tự do, cùng hai chuẩn A 800m và 1.500m tự do. Kình ngư có biệt danh "Rái cá sông Gianh" đăng ký cả bốn nội dung, trở thành VĐV Việt Nam dự nhiều nội dung nhất lịch sử một kỳ Olympic. Hy vọng lớn nhất đương nhiên đặt vào “nội dung tủ” 1.500m.

Nhận định Huy Hoàng có cơ hội vào top 5 nội dung 1.500m tự do, ông Đinh Việt Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Thể thao dưới nước Việt Nam lý giải rằng, thứ nhất, Huy Hoàng từng giành tấm HCB Asiad 2018 mang tính lịch sử với thông số 15 phút 01 giây 63, thứ hai, Huy Hoàng có nhiều cơ hội bứt phá ở tuổi 21 tuổi, trong khi hầu hết đối thủ đã 26 tuổi, và thứ ba, đối thủ người Trung Quốc Sun Yang bị cấm thi đấu cũng là lợi thế không nhỏ… Về phần mình, Huy Hoàng chia sẻ, hơn một năm không thi đấu quốc tế cũng mang lại nhiều thời gian rèn luyện chuyên biệt tại Cần Thơ, đặc biệt, khối lượng bài tập khoảng 20 km mỗi ngày giúp cải thiện đáng kể về sức bền.

“Có nhiều thời gian hơn thì em có thêm cơ hội tăng sức mạnh, cải thiện kỹ thuật. Các đối thủ của em thì càng lớn tuổi, còn độ tuổi xủa em thì đang chín muồi, đạt phong độ cao thì dễ hơn. Hai cự ly chính của em là 1.500m và 800m, nhưng em chú tâm vào cự ly 1.500m, bởi từ xưa đến nay em rất là thành thạo cự ly này” - Huy Hoàng tự tin cho biết.

Huy Hoàng có sự tự tin riêng của mình, tay bơi Quảng Bình cũng khẳng định đang có một cái đầu thoáng và không tự tạo áp lực. Huy Hoàng ra quân ở vòng Heat nội dung 400m tự do ngày 24/7, sau đó một ngày là 200m tự do. Đến ngày 27/7, Huy Hoàng bơi Heat 800m, còn ngày 30/7 anh dự nội dung cuối 1.500m. Tám kình ngư đứng đầu heat sẽ vào chung kết. Riêng nội dung 200m tự do, 16 kình ngư đứng đầu Heat sẽ vào bán kết.

Trong khi đó đàn chị của Huy Hoàng là Nguyễn Thị Ánh Viên sẽ thi vòng loại 200m tự do vào ngày 27/7, ba ngày sau dự vòng loại 800m tự do. Có lẽ chưa bao giờ Ánh Viên bước vào một sân chơi lớn mà ít được nhắc tới như Olympic Tokyo, nơi Huy Hoàng được kỳ vọng hơn. Kể từ SEA Games 2011, đã tròn 10 năm Ánh Viên đại diện cho Việt Nam dự một sự kiện thể thao lớn, cô đã đứng trên bục huy chương ở SEA Games, giải châu Á, Asiad và FINA World Cup. Chỉ hai cấp độ cao nhất mà Ánh Viên chưa có huy chương, đó là giải thế giới và Olympic. Để làm được “điều gì đó” ở Tokyo, “Tiểu tiên cá” cần phá kỷ lục cá nhân, thế nhưng suốt 4 năm qua cô chưa từng vượt qua giới hạn của bản thân.

“Olympic là đấu trường danh giá cuối cùng của thể thao rồi, khi mà mình đạt được chuẩn để mà đến đây thi đấu, tự hào lắm rồi. Càng tự hào hơn khi mình được thi đấu chung với những người bơi nhanh nhất thế giới, em cảm thấy đó là hạnh phúc đối với em lắm luôn. Em yêu thích bơi tại vì bơi cho em nhiều thứ lắm. Và khi mà mình yêu mến điều gì thì đơn giản mình chỉ cố gắng biết việc mình làm, đạt được kết quả cuối cùng trong đầu mình định hướng, thì cảm thấy tất cả không có gì gọi là áp lực” - Cô gái 25 tuổi bày tỏ.