Sự kiện Thể thao lớn nhất khu vực chính thức khai mạc vào tối 12/5, tuy vậy guồng quay hối hả đã bắt đầu từ ngày 06/05 và cả 8 môn khởi tranh sớm đều mang đến bầu không khí vô cùng tuyệt vời.

“Tôi nghĩ người Việt Nam nên tự hào về cách họ đã ủng hộ đội bóng của mình tối nay” - đây là thông điệp của HLV đội tuyển nữ Philippines, ông Alen Stajcic, sau trận thua chủ nhà Việt Nam 1-2 vào tối 11/05 tại bảng A môn bóng đá nữ SEA Games 31. Cũng chứng kiến lễ hội bóng đá trên sân Cẩm Phả, một trong những điểm thi đấu xa nhất tính từ thủ đô Hà Nội, ông Carl Irving Sambrano, Phó trưởng đoàn thể thao Philippines, nhận xét: "Công tác tổ chức được thực hiện rất tốt, chuyên nghiệp. Sân vận động của các bạn rộng rãi, hệ thống ánh sáng tốt, mặt cỏ rất tốt. Đặc biệt, tôi vô cùng bất ngờ trước bầu không khí tuyệt vời mà khán giả Việt Nam đã tạo ra. Cổ động viên rất nhiệt tình, có lẽ vì vậy mà đội tuyển Việt Nam đã giành chiến thắng thuyết phục”.

Nhắc đến độ cuồng nhiệt trên các khán đài thì không thể bỏ qua sân Thiên Trường. Mỗi trận đấu ở bảng B môn bóng đá nam, người hâm mộ Nam Định đều khiến cả Đông Nam Á trầm trồ khi phủ kín sân Thiên Trường có sức chứa khoảng 30.000 người. Phải biết rằng, bảng B không có sự góp mặt của U23 Việt Nam. “Tôi vui mừng khi thấy người hâm mộ bóng đá Việt Nam đến sân với sự nhiệt huyết. Tôi đã ở trong môi trường bóng đá 16 năm rồi và cảm thấy bất ngờ về sự nhiệt huyết này. Tôi thích bầu không khí này, rất thân thiện và cảm ơn sự cổ vũ của người hâm mộ Việt Nam” - Madam Pang, trưởng đoàn U23 Thái Lan bày tỏ.

Đáng mừng hơn, không chỉ môn thể thao vua mới có đông khán giả. Từ Futsal (tỉnh Hà Nam), Kickboxing (tỉnh Bắc Ninh), Kurash (huyện Hoài Đức), Nhảy cầu (Cung thể thao dưới nước Mỹ Đình), hay Pencak Silat (huyện Bắc Từ Liêm), các Nhà thi đấu cũng gần như không còn một chỗ trống. Bóng ném bãi biển trên đảo du lịch Tuần Châu, Quảng Ninh, hay đua thuyền trên sông Giá, Hải Phòng, các cổ động viên tuy ít hơn do thi đấu ngoài trời song mức cuồng nhiệt thì không hề kém cạnh. Thành công một giải đấu, tiêu chí đầu tiên chắc chắn phải là khán giả!

Những tình cảm nồng ấm từ khán đài không chỉ hâm nóng bầu không khí SEA Games, mà còn truyền tải thông điệp đầy ý nghĩa về sự thân thiện, hiếu khách của chủ nhà Việt Nam. Bên cạnh ấn tượng tốt nơi khán đài, chủ nhà Việt Nam còn đang dốc sức kiến tạo tinh thần chơi đẹp. Sau 2 thập kỷ, Việt Nam mới lại đăng cai kỳ đại hội thể thao khu vực. Khác biệt lớn nhất không chỉ là chiến công đáng tự hào là đánh bại đại dịch Covid-19, mà còn nằm ở quyết tâm tổ chức một đấu trường Fair-play, đổi mới, công bằng, khách quan cùng mục tiêu góp phần nâng tầm thể thao khu vực khi đưa vào hơn 500 nội dung của 40 môn thi đấu, chủ yếu là các môn thể thao cơ bản của Olympic và ASIAD. Đó là bước đi tiên phong để thể thao khu vực mạnh mẽ hơn, thay vì câu chuyện “phân chia huy chương” như trước đây.

“Tôi nghĩ đây là chủ trương rất là đúng đắn bởi vì chính các nước khác, khi họ không đăng cai cũng nói rằng là muốn hướng đến SEA Games fair play, nhưng khi mà đăng cai, nhớ lại các kỳ gần đây đều thấy, họ cố gắng tận dụng cái lợi thế đó để bố trí số môn, số nội dung, rồi trọng tài… và nó để lại tiếng xấu. Thể thao Việt Nam thì muốn là tạo một kỳ SEA Games fair play thực sự là ấn tượng trong mắt bè bạn quốc tế, cũng giúp các nước Đông Nam Á có sự chuẩn bị tốt cho Asiad và Olympic” - nhà báo Hữu Bình, Trưởng ban biên tập Tạp chí Thể thao nhấn mạnh.

Trong chiến lược phát triển thể thao, phải phấn đấu luôn luôn ở top 3 SEA Games. Nhưng top 3 đó, không vượt qua trong các bộ môn Olympic thì không thể nào có VĐV vươn lên tới cấp cao tầm châu lục. “Không nên phụ thuộc chỉ tiêu vào top 3, nhưng những môn trong chương trình Olympic cần lọt vào top cao và dẫn đầu. Bản thân trưởng đoàn thể thao Thái Lan đã nói trước khi tới Việt Nam không có ý định tranh giành vị trí thứ nhất toàn đoàn. Nhưng họ sẽ tìm chiến thắng tại các bộ môn Olympic. Vì thế, tôi ưu tiên quan tâm tới thành tích tại các môn Olympic. Ta nhắm tới đấu trường Châu lục thì phải tiến tới mục tiêu cao hơn, thay vì vị trí toàn đoàn. Ở Việt Nam có 1 trạng thái tâm lý, nếu 2 đội tuyển bóng đá giành HCV thì niềm vui sẽ rất lớn. Tổng số huy chương toàn đoàn đứng nhất thì tuyệt vời, nhưng nếu không xếp đầu mà có các gương mặt tốt ở bộ môn Olympic thì cũng là điều vô cùng đáng khen ngợi” – chuyên gia Nguyễn Hồng Minh phân tích.

Nhưng, SEA Games còn có tầm vóc lớn hơn một sụ kiện thể thao, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu tin tưởng rằng, SEA Games 31 được tổ chức thành công tại Việt Nam lần này sẽ là một cú hích cho sự phục hồi, phát triển của du lịch, kinh tế Việt Nam và ASEAN. Qua sự kiện này, bạn bè quốc tế sẽ có điều kiện tận mắt chứng kiến, trực tiếp trải nghiệm điểm đến, sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn của Việt Nam. Thực tế cho thấy, sau mỗi lần một sự kiện quốc tế lớn được tổ chức thành công sẽ mang lại tác động tích cực, thúc đẩy phát triển quan hệ gắn bó chặt chẽ giữa các nước ASEAN, tăng cường phát triển kinh tế nói chung và phát triển du lịch trong khu vực nói riêng.

Để phục vụ SEA Games 31, Việt Nam đã đầu tư khoảng hơn 1.000 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng và tổ chức. Hơn 3.000 tình nguyện viên, chủ yếu là sinh viên các trường đại học được huy động để đón tiếp, hướng dẫn và phục vụ các đoàn, cổ động viên các nước trong thời gian diễn ra Đại hội. Việt Nam cũng huy động lực lượng lớn bảo vệ an ninh Đại hội và công tác y tế, phòng chống dịch bệnh.

Cả núi khó khăn bủa vây nhưng tất cả đang nỗ lực từng ngày, từng giờ, để quyết tâm, để tin tưởng hướng đến những đỉnh cao tại SEA Games 31. Ngọn đuốc hừng hực đó chắc chắn cũng đang lan tỏa đến toàn bộ thành viên của đoàn Thể thao nước ta khi bước vào kỳ Đại hội vô cùng đặc biệt trên sân nhà.

“Chúng tôi mong anh chị em và các cháu cố gắng ở mức cao nhất có thể, khắc phục những khó khăn, những bất cập mà chúng ta đang gặp phải, để có thái độ tập luyện, rèn luyện cả tinh thần thể chất và chuyên môn một cách nghiêm túc và cố gắng hết mình. Thế nhưng mà không vì thành tích mà tạo ra áp lực cho chính mình. Chúng ta cứ có thái độ tập luyện hết mình, thi đấu hết mình, còn thành tích được đến đâu, mà mình đã cố gắng hết mình, thi đấy là thành tích rồi” - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ.