Ngày 15/03, Việt Nam khôi phục lại hoạt động đón khách quốc tế nhập cảnh như giai đoạn chưa xảy ra dịch Covid-19. Đây cũng là tín hiệu vô cùng tích cực cho SEA Games 31, với kịch bản đón gần 22.000 người từ 10 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Liên quan đến khâu tổ chức, đồng hồ đếm ngược đến ngày khởi tranh cũng chi còn hơn 50 ngày và đây chính là giai đoạn nước rút để nước chủ nhà tập trung hoàn thiện mọi mặt.

“Thành phố Hải Phòng đã cơ bản chuẩn bị rất đúng tiến độ, chúng tôi làm mới hoàn toàn đường dẫn vào khu đua thuyền, lòng sông được nạo vét theo đúng quy chuẩn. Và đặc biệt hơn nữa là khu nhà ở cho các VĐV đã được sửa chữa và cải tạo” - bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hải Phòng cho biết.

Trung tâm đua thuyền Thủy Nguyên, Hải Phòng là nơi tranh tài môn đua thuyền SEA Games 31, trong đó có 3 phân môn là rowing, kayak và canoeing với tổng cộng 35 nội dung. Theo HLV Trần Thị Kim Loan của đội rowing, khó khăn hiện tại là vẫn thiếu thuyền chèo, chưa đảm bảo đủ cho 28 tuyển thủ cùng tập luyện một lúc. Tương tự, HLV Cấn Anh Tuấn của đội kayak cũng chia sẻ về hiện trạng thiếu mái chèo và thiếu máy chèo chuyên dụng để tập bổ trợ. Thực tế, trong tổng số 40 môn của Đại hội, vẫn còn vài môn như: Đua thuyền, Bắn súng, Bắn cung, Xe đạp, Đấu kiếm, Cử tạ… đang vướng mắc về thủ tục nhập khẩu trang thiết bị. Dự kiến, vào cuối tháng 3 này, dụng cụ tập luyện, thi đấu sẽ được lắp ráp đưa vào vận hành thử.

Nhìn sang tỉnh Bắc Ninh, nơi đăng cai 4 môn gồm: Boxing, Kickboxing, bóng ném, quần vợt, các công trình hạ tầng và trang thiết bị tập luyện, thi đấu hiện đã cơ bản hoàn thiện. Điểm nhấn SEA Games tại quê hương quan họ chính là Cụm sân quần vợt tại khu đô thị - dịch vụ công nghiệp Hanaka, thành phố Từ Sơn, rộng 10ha, gồm 6 sân ngoài trời, 1 sân trong nhà 3.000 chỗ ngồi.

“Đặc biệt là sân trong nhà với hệ thống mái thông minh, hệ thống mắt diều hâu, hệ thống bảng điểm và tất cả những thiết bị công nghệ, rồi ghế ngồi nhập ngoại toàn bộ, nhất là ghế trọng tài cũng là tự động. Hiện nay trong khu vực Đông Nam Á chưa có sân tennis trong nhà nào được như vậy. Đây phải nói là một trong những cụm sân quần vợt mang đẳng cấp quốc tế mà có thể tổ chức những giải đấu lớn, ngoài SEA Games có thể tổ chức những giải Masters 500, Masters 1000” - ông Mẫn Ngọc Anh, Chủ tịch Tập đoàn Hanaka, chia sẻ.

Cụm sân quần vợt có mức đầu tư gần 120 tỷ đồng này cũng sẽ là điểm đến trong chuyến thị sát quốc tế diễn ra vào ngày 19/03 tới đây, khi các trưởng đoàn thể thao “mục sở thị” công tác chuẩn bị tại Bắc Ninh, Quảng Ninh và Hà Nội… Tại thủ đô, không chỉ đảm bảo tiến độ, chất lượng tại 15 địa điểm tổ chức 18 môn thi đấu, UBND Thành phố Hà Nội cũng đặc biệt chú trọng xây dựng kịch bản lễ khai mạc, bế mạc, với 3 phương án phòng, chống dịch Covid-19, tương ứng với các trạng thái bình thường, 50% số ghế, hoặc " bong bóng khép kín".

“Về tiến độ thực hiện lễ Khai mạc và Bế mạc SEA Games 31 mà trọng trách được giao cho thành phố Hà Nội, kịch bản chi tiết, cả về ý tưởng lẫn nội dung thì chúng tôi đã thiết kế cơ bản. Điểm nhấn là thể hiện nét đẹp truyền thống lịch sử văn hóa, đặc biệt là gắn với thể thao của Việt Nam cũng như của Hà Nội, đấy là những điều mà chúng tôi mong muốn truyền tải” - ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, nói về lễ khai mạc dự kiến kéo dài 2 tiếng.

Khối lượng sự kiện diễn ra trước, trong và sau Đại hội rất lớn, nên lực lượng tình nguyện viên không chỉ đông đảo, mà cần có trình độ chuyên môn tốt. Ban tổ chức mới đây đã hoàn thành khâu tuyển chọn 3.000 tình nguyện viên, trong đó có 2.000 sinh viên tại Hà Nội. Từ nay đến giữa tháng 4, Ban tổ chức tiến hành đào tạo đội ngũ tình nguyện viên về nhiệm vụ, cũng như phương pháp xử lý tình huống.

“Tình nguyện viên được coi như những sứ giả chủ nhà đối với các đoàn khách quốc tế khi họ đến tham dự sự kiện. Số tình nguyện viên này thì trọng tâm chúng tôi tuyển ở trường Đại học Hà Nội, tức là Đại học Ngoại ngữ hồi trước, và lực lượng thứ hai tuyển từ Đại học Mở, có đặc thù các em từ khoa Du lịch và khoa Công nghệ thông tin” - Phó Trưởng Tiểu ban lễ tân - khánh tiết Nguyễn Hải Đường cho biết.

Ngày 15/3 đánh dấu thời điểm ban tổ chức chính thức mở đăng ký online đối với các phóng viên trong nước và quốc tế. Hội nghị Truyền thông Quốc tế lần thứ hai sẽ diễn ra vào vào cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5, đúng dịp khai trương Trung tâm Báo chí SEA Games 31 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Ông Lý Đức Thùy, Tổng biên tập Tạp chí Thể thao, Phó trưởng Tiểu ban Thông tin Truyền thông, khẳng định ban tổ chức tạo điều kiện tốt nhất cho các phóng viên đến tác nghiệp tại Việt Nam, không chỉ đưa tin về Đại hội mà đây còn là dịp để giới thiệu về đất nước, hình ảnh con người Việt Nam, bên cạnh đó thì tăng cường quảng bá du lịch.

Vượt bao khó khăn, nước chủ nhà SEA Games 31 đã có thể tự tin giang tay chào đón bạn bè quốc tế, đầu tiên là trưởng đoàn thể thao các quốc gia Đông Nam Á, với chuyến thị sát cơ sở vật chất tại Hà Nội, Quảng Ninh và Bắc Ninh. Để hơn 50 ngày sau đó, ngày hội thể thao lớn nhất khu vực chính thức khai màn, chu đáo, an toàn và fair-play, vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn.