Đầu tháng 3, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã có chuyến thị sát một số cơ sở hạ tầng phục vụ SEA Games 31 và ASEAN PARA Games 11. Trong danh sách 8 công trình thể thao mà thủ đô được giao chủ trì xây dựng, nâng cấp, đến nay toàn bộ các dự án đã thực hiện xong quy trình chuẩn bị đầu tư và theo tiến độ dự kiến thì dự án bàn giao sớm nhất trong tháng 6, 4 dự án được bàn giao vào tháng 8, còn lại 3 dự án được bàn giao trong tháng 9… Hà Nội tổ chức thi đấu 25 trên tổng số 40 môn thể thao của SEA Games 31, 15 môn còn lại diễn ra tại 11 tỉnh, thành lân cận gồm: Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Phú Thọ, Bắc Ninh.

Cuối tháng 2 vừa qua tại tỉnh Bắc Ninh, Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã dẫn đầu đoàn kiểm tra tiến độ thực hiện Dự án xây dựng tổ hợp sân thi đấu môn Quần vợt tiêu chuẩn quốc tế phục vụ SEA Games 31. Dự án quần vợt này bao gồm 6 sân thi đấu ngoài trời, 1 sân thi đấu trong nhà có sức chứa gần 3.000 chỗ ngồi cùng các hạng mục phụ trợ, với tổng mức đầu tư hơn 70 tỷ đồng. Hiện Dự án đã hoàn thành khoảng 60% khối lượng công việc, phấn đấu cơ bản hoàn thành trước ngày 31/05.

Về hoạt động của nhiều tiểu ban chuyên môn, ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT chia sẻ rằng, phải xin tạm ứng để kế hoạch tổ chức SEA Games 31 diễn ra đồng bộ ở các địa phương và từng tiểu ban, nếu không có kinh phí, việc triển khai các nhiệm vụ tiếp theo sau khi xây dựng kế hoạch sẽ bị ngừng trệ, mà khối lượng công việc hiện nay tồn đọng rất lớn.

Ban tổ chức SEA Games 31 cũng đã lên 3 kịch bản. Một là, thế giới có thể kiểm soát được dịch bệnh và Đại hội được tổ chức thuận lợi. Hai là, dịch bệnh chưa được ngăn chặn hiệu quả và Công tác tổ chức đại hội sẽ gặp nhiều khó khăn vì vừa tổ chức thi đấu vừa phòng dịch. Và ba là, dịch bệnh bùng phát, một số đoàn thể thao Đông Nam Á không thể tham dự, dẫn tới nguy cơ hoãn hoặc thậm chí hủy tổ chức Đại hội.