Năm 1993, ở tuổi 21, tuyển thủ Mai Thanh Ba đã xuất sắc mang về tấm huy chương vàng thế giới đầu tiên cho Đội tuyển Wushu Tán thủ Việt Nam và thành tích đó giúp anh vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng 3. Bất ngờ giải nghệ vào năm 1995, nhà cựu vô địch thế giới sang châu Âu sinh sống và duy trì ngọn lửa đam mê bằng việc mở lớp dạy võ. Trải qua cả chục năm thấu hiểu tinh hoa võ thuật quốc tế, đặc biệt là các sự kiện võ thuật tổng hợp, anh về nước đảm nhiệm vị trí Tổng thư ký Liên đoàn Võ thuật Tổng hợp Việt Nam, dành trọn tâm sức cho mục tiêu phát triển môn MMA một cách bài bản.

“Người đặc biệt” của làng võ Việt

Phóng viên: Vốn là một sinh viên ngành kinh tế, vì sao anh lại rẽ ngang sang hành trình võ thuật và đâu là những cột mốc đáng nhớ trên con đường đó?

Võ sư Mai Thanh Ba: Niềm đam mê võ thuật của tôi bắt đầu từ thời học sinh phổ thông, sau này cấp 3 thì tôi đã tham gia lớp tập võ cổ truyền. Sau đó một thời gian thì bộ môn Wushu Việt Nam được thành lập thì tôi cũng là một trong những người đầu tiên của nước ta tập luyện môn Wushu, cũng như đi thi đấu quốc tế. Năm 1992 thì lần đầu tiên chúng tôi ra nước ngoài tranh tài tại giải Liên hoan Võ thuật Thiếu Lâm Trịnh Châu, Trung Quốc. Đoàn chúng tôi đi cũng giành được một số thành tích nhất định, đó là tiền đề để sau này trở về Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, phát triển môn Wushu, đặc biệt là Wushu Tán thủ. Sau đó năm 1993, đoàn Việt Nam dự giải Wushu Vô địch Thế giới lần thứ 2 tại Malaysia, có 7 VĐV thì chúng tôi có 4 tấm huy chương. Trong đó bạn Thúy Hiền bên biểu diễn đã giành được 1 HCV, 1 HCB, bên Tán thủ thì tôi giành HCV hạng 56 kg, còn anh Vũ Văn Thường giành HCĐ 52 kg. Qua giải đấu đó, đoàn Việt Nam có thành tích quá xuất sắc luôn, được Tổng cục TDTT và Sở VHTT Hà Nội tập trung đầu tư môn Wushu. Đến nay, sau gần 20 năm phát triền thì Hà Nội vẫn là đơn vị phát triển hàng đầu về môn Wushu. Sau đó có một thời gian tôi nghỉ thi đấu, ra nước ngoài sinh sống, có dạy võ ở nước ngoài.

Phóng viên: Chuyến sang châu Âu đó đã giúp anh có cái nhìn như thế nào về võ thuật?

Võ sư Mai Thanh Ba: Tôi thi đấu giải cuối cùng là giải Vô địch Đông Nam Á 1995 tổ chức tại Hà Nội và giành HCV, sang đầu năm 1996 thì tôi quyết định giải nghệ và ra nước ngoài sinh sống cũng vì lý do gia đình. Lúc đó công việc của anh trai đang cần sự giúp đỡ của tôi nên tôi đã ra nước ngoài. Trong thời gian đó tôi tiếp xúc với nhiều bộ môn võ thuật khác, như Karate, Judo, Kick-boxing… Đặc biệt khi đó Kick-boxing và Boxing phát triển mạnh tại các nước châu Âu, lúc đó khán giả rất đam mê xem giải K1 vốn tạo ra nhiều tên tuổi lớn cho làng Kick-boxing thế giới. Lúc đó thực ra MMA cũng đã phát triển rồi nhưng chỉ phát triển tại khu vực Bắc Mỹ là chính, cũng có nhiều khó khăn nên giai đoạn 1993-2000 thì khán giả châu Âu gần như chưa được xem nhiều về giải đấu MMA. Từ năm 2000 trở đi có bộ luật MMA thống nhất, ở châu Âu bắt đầu phát triển giải MMA, thì qua đóa tôi cũng được tham khảo, được xem và rất may mắn được chứng kiến giải K1-MMA. Đó là niềm cảm hứng lớn cho tôi để khi tôi về Việt Nam, tôi muốn phát triển để cho khán giả Việt Nam được xem những trận đấu võ thuật đỉnh cao, gay cấn.

Phóng viên: Khi anh về nước để đặt nền móng cho nền MMA Việt Nam là thời điểm nào?

Võ sư Mai Thanh Ba: Lúc tôi quyết định đưa cả nhà về sinh sống tại Việt Nam là năm 2011, khi đó về Việt Nam xong thì một thời gian ngắn để ổn định cuộc sống thì tôi đã mở phòng tập đầu tiên tại Hà Nội, Dragon MMA tại phố Lạc Trung, ở miền Bắc đó cũng là phòng tập đầu tiên, ở miền Nam có hai CLB mở trước tôi một thời gian là Saigon Sport Club và phòng Liên Phong của anh Johnny Trí Nguyễn, phòng tập của tôi là thứ ba của cả nước.

Phóng viên: Anh vừa nhắc đến Johnny Trí Nguyễn, một ngôi sao điện ảnh, cũng là một gương mặt quen thuộc trong làng võ Việt, tuy nhiên anh Johnny Trí Nguyễn lại gắn liền với một số sự kiện MMA mang đến hình ảnh không mấy tích cực về Võ Tổng hợp trong con mắt của những nhà quản lý cũng như khán giả. Từ vụ việc liên quan đến Johnny Trí Nguyễn, anh rút ra bài học gì để tổ chức các sự kiện MMA?

Võ sư Mai Thanh Ba: Qua bài học của anh Johnny Trí Nguyễn, tôi thấy rằng ở bất cứ đâu, chúng ta làm việc phải tuân thủ theo pháp luật, có văn bản xin phép được chính quyền đồng ý. Chính vì vậy thì trước khi tổ chức giải đấu thì chúng tôi đã xây dựng ban vận động thành lập Liên đoàn, từ Liên đoàn thì chúng tôi xây dựng các bộ luật, các quy tắc thi đấu để làm sao phù hợp với luật pháp Việt Nam. Chúng tôi đã được Bộ Nội vụ cấp phép và Tổng cục TDTT cho phép thành lập Liên đoàn MMA Việt Nam.

Phóng viên: Thuở ban đầu gây dựng Liên đoàn, sợi dây nào đã gắn kết những người gồm nhà tài trợ, nhà chuyên môn như anh và một số nhà quản lý khác nữa đến với nhau ?

Võ sư Mai Thanh Ba: Tôi có mối quan hệ rất là rộng rãi bên Tổng cục TDTT, đa phần các cán bộ lãnh đạo bên Tổng cũ cũng là bạn bè từ ngày xưa, có cả những người từng dạy tôi, thì qua sự kết nối đó, tôi gặp được anh Ngô Đức Quỳnh, một trong những doanh nhân rất là yêu mến bộ môn MMA này và cả hai anh em đều có chung ý tưởng là đưa MMA Việt Nam phát triển, đó là điều may mắn mà hai an hem tôi kết hợp với nhau, đầu tiên là lập ra ban vận động thành lập Liên đoàn, đó là nhân duyên được anh em trên Tổng Cục TDTT đã kết nối.

Phóng viên: Thời điểm ra mắt Liên đoàn là năm 2020, cũng là lúc dịch bệnh Covid-19 cũng bắt đầu gây ảnh hưởng rất là lớn đến toàn xã hội. Hai năm vừa qua thì liên đoàn hầu như cũng rất là trăn trở vì nhiều sự kiện, nhiều kế hoạch khó triển khai. Vậy thì hai năm vừa qua, Liên đoàn đã xử lý công việc thế nào?

Võ sư Mai Thanh Ba: Hai năm qua thì do dịch bệnh kéo dài, gây ra một số cản trở nhất định, tuy vậy những kế hoạch cốt lõi của Liên đoàn định hướng đều được thực hiện tốt. VD như là lớp đào tạo VĐV, đào tạo trọng tài thì chúng tôi đã thực hiện được, đã đào tạo được 400 HLV để phát triền trên toàn quốc, lớp trọng tài được khoảng 40 người, đủ lực lượng để điều hành giải đấu theo Luật MMA của Liên đoàn xây dựng.

Phóng viên: Trên thế giới MMA rất phổ biến rồi, nhưng ở Việt Nam mới phát triền chính thức gần đây thôi, khán giả xem qua các kênh truyền hình, Youtube hay mạng xã hội, không ít người có cảm nhận rằng môn MMA này hơi bạo lực, có những cảnh chấn thương, máu me… Tại Việt Nam, làm thế nào để MMA phù hợp với văn hóa nước ta?

Võ sư Mai Thanh Ba: Đầu tiên chúng ta phải hiểu rằng MMA là một thể thức đánh khác biệt so với các bộ môn thi đấu đối kháng thông thường. Đầu tiên khán giả có thể không hiểu thì có thể hơi ác cảm, nhưng khi đã xem, theo dõi thì có thể hiểu rằng môn này là bộ kỹ năng MMA, trong đó có đòn đánh mang tính chất triệt hạ, trông phản cảm thì Liên đoàn chúng tôi đã soạn thảo bộ luật, dựa trên luật MMA quốc tế, nhưng chúng tôi điều chỉnh, hạn chế những đòn đánh gọi là phản cảm và bạo lực, phù hợp với văn hóa Việt Nam hơn.

Lion Championship – Gương sáng xã hội hóa và chuyên nghiệp hóa

Phóng viên: Thưa anh Mai Thanh ba, có thể hiểu rằng sự kiện Cúp MMA 2021 ở Tp Hồ Chí Minh là cuộc tổng duyệt, và tiếp nối thành công từ SEA Games 31, chúng ta tổ chức giải Lion Championship rất là ấn tượng. Thời điểm này giải đấu đã diễn ra xong vòng loại ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Nhìn lại loạt vòng loại vừa rồi, anh cảm nhận ra sao?

Võ sư Mai Thanh Ba: Sự kiện 2021 dánh dấu màn ra mắt, đánh giả tổng thể. Còn giải năm nay, qua vòng sơ loại này thì tiêu chí của Liên đoàn là tạo cơ hội cho tất cả các võ sỹ, ai có nguyện vọng thi đấu thì sẽ được tham gia, bất kể bạn đó là võ sỹ nghiệp dư hay là chuyên nghiệp, qua đó đánh giá tình hình phát triển phong trào tại các địa phương trên toàn quốc như thế nào. Trình độ võ sỹ có thể chênh lệch, có thể gây ra những sai sót nhưng quan trọng nhất, Liên đoàn có bức tranh toàn cảnh cho MMA Việt Nam. Đến tháng 9 tới đây có vòng Tứ kết thì chắc chắn là tạo ra các trận đấu mang tính kỹ thuật cao hơn, hấp dẫn, nảy lửa cho các khán giải yêu mến môn MMA.

Phóng viên: Tôi cũng đã theo dõi nhiều trận vòng loại và rất ấn tượng, bên cạnh những trận đấu gay cấn trong lồng bát giác, là bầu không khí khán giả rất là tuyệt vời. Anh cảm thấy thế nào khi mà khán giả bước đầu dành những tình cảm rất đáng trân trọng như vậy dành cho MMA?

Võ sư Mai Thanh Ba: Đấy là tín hiệu mà bản thân tôi cũng như toàn bộ các anh em trong ban lãnh đạo Liên đoàn đều cảm thấy rất là vui mừng vì thực sự, qua giải đấu đó, sự kiện đó, mới thấy rằng MMA là bộ môn rất là hấp dẫn. Quan trọng là chúng ta tổ chức ra làm sao.

Phóng viên: Ở vòng loại vừa rồi thì ban tổ chức quyết định không bán vé mà phát giấy mời. Sắp tới đây thì kế hoạch bán vé được triển khai như thế nào?

Võ sư Mai Thanh Ba: Liên đoàn cũng có kế hoạch bán vé rồi. Nhưng tiêu chí của Liên đoàn vẫn là muốn quảng bá bộ môn MMA tới đông đảo khán giả. Tiền bán vé thực ra là phần thu rất là nhỏ so với những chi phí mà Liên đoàn đã bỏ ra để tổ chức giải đấu này. Tiêu chí của Liên đoàn là vẫn muốn phổ cập, lan tỏa MMA đến nhiều người trong xã hội. Sau đó, qua những giải đấu đó, có nhiều các bạn trẻ thanh niên đi tập luyện thể thao, tập luyện MMA.

Phóng viên: Khán giả đã bắt đầu cảm nhận được luồng gió mới từ một sự kiện võ thuật, về phía các võ sỹ thì họ cũng đang bắt đầu cảm nhận được luồng gió mới về sự nghiệp thi đấu. Với thế giới thì nhiều võ sỹ MMA có thu nhập cực cao, qua những sự kiện hoành tráng. Bức tranh thu nhập của võ sỹ MMA Việt Nam, theo anh có triển vọng như thế nào?

Võ sư Mai Thanh Ba: Tôi nghĩ với võ sỹ MMA Việt Nam, qua một hai năm đầu tiên thì sẽ có sự ổn định nhất định, người ta đã trở thành võ sỹ nhà nghề, thi đấu những trận hay, cống hiến, thì chắc chắn phần thưởng dành cho võ sỹ đó rất là lớn, đủ đảm bảo trang trải được cuộc sống. Các bạn cũng biết là MMA xuất phát từ nền tảng tất cả các môn võ khác nhau, MMA như cầu nối để liên kết các bộ môn võ thuật, để cùng nhau phát triển mạnh hơn. Cái tôi mong muốn không chỉ là MMA, mà các bộ môn khác đều phát triền tốt, VD như Võ cổ truyền, Boxing, Kick-boxing… đều có thể phát triển được hết. Quan trọng nhất là những người đang làm võ thuật tại Việt Nam, đang lãnh đạo các tổ chức, các liên đoàn, chúng ta phải đoàn kết để cùng nhau phát triển, không chỉ trong nước mà đưa ra tầm thế giới. Đó là điều tôi mong muốn và Liên đoàn MMA Việt Nam được các anh em, bạn bè ủng hộ, để làm sao phát triển mạnh nhất có thể.

Phóng viên: Cá nhân anh là người thành công trong việc kết nối các đối tác, các bạn bè của mình để mà xã hội hóa môn MMA này, theo anh thì làm thế nào để xã hội hóa thể thao phát triển hơn nữa ở Việt Nam?

Võ sư Mai Thanh Ba: Để mà xã hội hóa được thể thao thì tiêu chí đầu tiên, chúng ta đừng nên gây áp lực thành tích. Bởi vì bệnh thành tích sẽ rất là nguy hiểm, gây cản trở thể thao phát triển. Khi mà bạn đã bi áp lực thành tích rồi thì sẽ xảy ra nhiều chiêu trò trong thể thao, và khi có chiều trò thể thao thì chắc chắn khán giả người ta không thích, không quan tâm nữa, như vậy là các bạn tự bắn vào chân mình rồi. Chính vì vậy theo tôi nghĩ, những trận đấu thể thao nên cống hiến chứ đừng chạy theo thành tích. Đó là tiêu chí mà với tôi là quan trọng nhất.

Phóng viên: Rõ ràng là bệnh thành tích không nên tồn tại trong thể thao. Còn về tương lai, sau tín hiệu tích cực của giải Lion Championship, Liên đoàn có kế hoạch gì để mở rộng giải đấu, kết nối các võ sỹ?

Võ sư Mai Thanh Ba: Qua giải ra mắt cuối năm 2021, qua vòng loại diễn ra tháng 6, tháng 7 vừa qua, tôi đánh giá sự phát triển của các võ sỹ lên rất nhanh. Chỉ trong vòng 6 tháng mà các võ sỹ đã có sự tiến bộ rõ rệt, tôi cũng hy vọng chỉ trong một năm nữa, các võ sỹ Việt Nam được nâng lên rất nhiều, họ tự tìm hiểu, tập luyện để phù hợp với sân chơi MMA.

Phóng viên: Với MMA thế giới, ví dụ điển hình như cặp đấu Mc Gregor với Khabib đã tạo ra sức hút rất lớn với khán giả, hình ảnh về sự kiện có doanh thu khổng lồ mang đến cho anh cảm hứng như thế nào để phát triển các sự kiện MMA tại Việt Nam?

Võ sư Mai Thanh Ba: Thực ra đó là những võ sỹ là những ngôi sao sáng nhất trong làng MMA thế giới, họ cũng đang thi đấu ở giải đấu hàng đầu thế giới là UFC, chiếm đến 80% thị phần MMA toàn cầu. Chúng tôi chỉ mong muốn là học tập theo những thành công của họ, làm sao mà phát triển được. Đầu tiên là muốn võ sỹ Việt Nam phát triển được, và sau đó vươn tầm ra quốc tế.

Phóng viên: Không ít võ sỹ MMA thế giới đang lã những triệu phú dollar, võ sỹ Việt Nam cần làm gì để đi theo con đường đó?

Võ sư Mai Thanh Ba: Đầu tiên, nếu nhìn vào các võ sỹ MMA đã là triệu phú để hướng đến, thì võ sỹ Việt Nam bắt buộc phải hoàn thiện cả về kỹ năng chuyên môn lẫn kỹ năng cuộc sống, như nâng cấp bản thân bằng một khóa học tiếng Anh, khi ra nước ngoài có sự tự tin nhất định, nói chuyện giao lưu với bạn bè quốc tế là mình không thấy ngại.

Phóng viên: Với những võ sỹ ở những môn thể thao khác như là Vật, Muay, Kick-boxing, Jujitsu… mà còn đang băn khoăn rằng có nên thi đấu MMA hay không, thì anh có lời khuyên nào cho họ?

Võ sư Mai Thanh Ba: Theo tôi nghĩ võ sỹ ở bộ môn khác, mình cứ nói là bước khỏi vùng an toàn đi, nghĩa là nhà vô địch ở bộ môn của họ, mà bây giờ họ cứ ở mãi bộ môn đó mà không dám thứ thách bản thân thì không thể nào bứt phá. Nhưng có những nhà vô địch bước sang bộ môn mới, VD như các bạn nhìn thấy Nguyễn Trần Duy Nhất, anh ta vô địch Muay Thái rất là nhiều lần, nhưng anh ta sang MMA thi đấu, đó là vì anh ấy muốn vượt ra khỏi khả năng của anh ấy ở trong bộ môn Muay Thái, anh thứ thách bản thân ở đấu trường mới, khốc liệt hơn, lạ lẫm hơn. Nhưng mà anh vẫn tham gia, vì sao anh bỏ ra rất nhiều thời gian tâp luyện, không chỉ môn sở trường Muay Thái, mà tập cả Jujitsu, phục vụ cho giải MMA… Thì một người võ sỹ đã dám vượt qua chính mình thì tôi cảm thấy rất là trân trọng. Với những võ sỹ hiện tại đang tập luyện ở các môn khác, khi bước chân sang thi đấu MMA thì mình vẫn phải nỗ lực tập luyện, thiếu kỹ năng bộ môn nào thì phải rèn luyện bù vào phần thiếu đó. Các bạn Vật thì tập thêm Boxing, hoặc các bạn Boxing tập thêm Vật. Tự bản thân võ sỹ người ta phải muốn bước ra khỏi cái bóng của người ta.

Phóng viên: Còn với các khán giả, nhất là với những khán giả phần nào vẫn đang có cái nhìn thiếu thiện cảm về MMA thì anh sẽ nói gì với họ?

Võ sư Mai Thanh Ba: Các khán giả yêu thích hay đang chưa thiện cảm thì lời đầu tiên là chúng tôi vẫn luôn luôn cảm ơn. Bởi vì sao? Khán giả có không thích hay thích thì họ đều đã quan tâm đến giải đấu của chúng tôi, đó là mặt trái và mặt phải, là tấm gương phản chiếu để chúng tôi nhìn được . Khán giả chưa hài lòng điều gì có thể nói với chúng tôi, vấn đề A, B, C như này…, để chúng tôi nhìn vào đó, có góc nhìn hoàn thiện hơn nữa cho giải đấu cũng như cho hoạt động của Liên đoàn chúng tôi.

Phóng viên: Cảm ơn võ sư Mai Thanh Ba.