Theo bà Đỗ Hồng Xoan, Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam, năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch đến năm 2022, định hướng đến năm 2025, xác định số hóa là vấn đề sống còn của ngành, đặc biệt là của các doanh nghiệp du lịch. Tuy nhiên, theo bà Xoan, chuyển đổi số cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần nhiều hơn nữa những “trợ lực” từ chính sách và các tổ chức bởi có đến 3/4 các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ và họ đang gặp nhiều khó khăn về vốn, nhân lực, nhất là sau một thời gian dài chịu tác động của dịch COVID-19.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, chuyển đổi số là hướng đi tất yếu đối với mọi ngành nghề nếu muốn phát triển trong thời đại công nghiệp 4.0. Vì thế, dù đại dịch COVID-19 đã khiến cả “ngành công nghiệp không khói” trở nên khó khăn nhưng nhìn ở một góc độ khác, đó chính là phép thử, là đòn bẩy cho du lịch thực sự chuyển mình giống như một cuộc "lột xác," để toàn ngành có bước đệm phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn mới. "Để chuyển đổi số thành công, có thể sẽ phải mất vài ba năm nhưng không thể chậm hơn nữa. Dịch COVID-19 tuy gây thiệt hại nhưng cũng tạo ra cơ hội để các doanh nghiệp và ngành du lịch chuyển đổi, bắt kịp xu hướng không thể đảo ngược của thế giới – chuyển đổi số", ông Phòng nhận định.

Nhận thức về chuyển đổi số đang có sự thay đổi rõ nét và tác động mạnh mẽ khiến các doanh nghiệp du lịch, các điểm đến liên tục tìm kiếm các giải pháp thích ứng để tồn tại. Theo TS Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa, Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một trong những điểm du lịch tiên phong áp dụng chuyển đổi số nhằm mang tới những trải nghiệm thuận tiện và an toàn cho du khách. "Việc áp dụng hệ thống vé điện tử, hệ thống thuyết minh tự động, mã QR giới thiệu hiện vật... tại di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám không chỉ nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý cũng như hoạt động đón và phục vụ du khách mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho khách tham quan tìm hiểu về Văn Miếu - Quốc Tử Giám", TS Lê Xuân Kiêu cho biết.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch khẳng định: Chuyển đổi số là một trong những nội dung nhận được sự quan tâm hàng đầu trong ngành du lịch hiện nay. Đây là xu hướng tất yếu đối với ngành du lịch trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những ảnh hưởng sâu sắc của dịch bệnh COVID-19. Chuyển đổi số mang lại cơ hội cho ngành du lịch có thể phát triển bền vững hơn. Theo ông Nguyễn Lê Phúc, triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, thời gian qua, Tổng cục Du lịch đã tập trung xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh tạo “sân chơi chung” cho các địa phương, doanh nghiệp tham gia, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch gồm: Xây dựng hệ thống Cơ sở dữ liệu Du lịch Việt Nam; Thiết lập kết nối liên thông hệ thống thông tin giữa cơ quan quản lý, địa phương và doanh nghiệp; Ứng dụng công nghệ góp phần đảm bảo du lịch an toàn, phát triển các ứng dụng hỗ trợ cơ quan quản lý, doanh nghiệp và khách du lịch như “Ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn”, “Ứng dụng Hướng dẫn Du lịch Việt Nam”, “Hệ thống đăng ký và tự đánh giá an toàn COVID-19”; Hỗ trợ các địa phương, điểm đến chuyển đổi số, năm 2021 bắt đầu triển khai hỗ trợ Hà Giang, Thanh Hóa xây dựng điểm đến thông minh...

"Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành du lịch hiện vẫn theo kiểu mạnh ai người đó làm và chưa có sự thống nhất. Hệ thống dữ liệu đang được xây dựng tại các địa phương, các đơn vị ở trong tình trạng mỗi nơi một kiểu". Đó là khẳng định của ông Nguyễn Quyết Tâm, Ủy ban Phát triển Chính phủ số thuộc Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam Vinasa, Nhà sáng lập TravelMaster và iTourism. Vì vậy, theo ông Tâm, để xây dựng nền tảng phục vụ chuyển đổi số thì trước hết, ngành du lịch nên có hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật chung để các nền tảng có thể liên thông được dữ liệu. Trong bối cảnh đó, ông Tâm cho rằng, iTourism - là giải pháp dành cho cấp Tổng cục Du lịch được thiết kế định hướng thành Trung tâm Dữ liệu IOC về các hoạt động du lịch trên cả nước. Và việc này giúp tăng cường sự tương tác, kết nối chặt chẽ giữa Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch và doanh nghiệp Du lịch trực thuộc, nâng cao chất lượng quản lý, đồng thời dễ dàng tổng hợp, báo cáo để đưa ra đánh giá, chiến lược phát triển ngành dựa trên nền tảng số, dữ liệu số với thời gian thực. Theo ông Tâm, đây là nền tảng quản lý dành cho cấp Tổng cục Du lịch được xây dựng với mục tiêu kết nối Dữ liệu giữa Tổng cục Du lịch với sự hoạt động cấp Sở Du lịch và Doanh nghiệp Du lịch trực thuộc, nâng cao chất lượng quản lý, đồng thời dễ dàng đưa ra đánh giá tổng quan thị trường, dự báo xu hướng và xây dựng chiến lược phát triển ngành...

Ông Nguyễn Đức Thành - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn công nghệ VietSens cho rằng, tập trung phát triển các sản phẩm công nghệ theo mô hình một hệ sinh thái du lịch thông minh, cần gắn kết các chủ thể chính trong ngành du lịch trên môi trường số, gồm có: Cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp du lịch, điểm đến và khách du lịch. "Trong hỗ trợ công tác quản lý Nhà nước, hoạt động chuyển đổi số diễn ra tập trung vào số hóa dữ liệu, phát triển các công cụ tổng hợp, xử lý, phân tích dữ liệu nhằm phục vụ việc ra quyết định và hoạch định chính sách. Các cơ sở dữ liệu số ngành du lịch được hình thành cùng với hệ thống dashboard phân tích dữ liệu. Tuy nhiên, đa số doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nguồn lực hạn chế nên để hỗ trợ các doanh nghiệp, các sản phẩm công nghệ của Tổng cục Du lịch được thiết kế theo hướng hình thành nền tảng số dùng chung, giúp các doanh nghiệp có cơ hội khai thác thông tin, tiếp cận thị trường, nâng cao hiệu quả quản trị kinh doanh.