Sau một năm 2022 ảm đạm, phim Việt đang ghi nhận những tín hiệu tươi sáng từ doanh thu nội địa. Ra mắt từ dịp Tết, “Nhà bà Nữ” của Trấn Thành đang trên đường trở thành phim Việt đạt doanh thu cao nhất lịch sử. Sau 28 ngày ra mắt (tính đến 22/02), phim có doanh thu hơn 460 tỷ đồng, đang trên đường cán mốc 500 tỷ đồng. Cũng ra mắt trong dịp Tết, dù số suất chiếu ít hơn “Nhà bà Nữ”, phim "Chị chị em em 2" của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng cũng có thời gian trụ rạp khá dài, hiện đạt 117 tỷ và lọt Top 10 phim Việt có doanh thu cao nhất mọi thời đại. Như vậy, tổng 2 phim Việt ra mắt dịp Tết đã là 577 tỷ đồng.

Thành tích đột biến của 2 phim đó giúp các nhà làm phim khôi phục niềm tin rằng, khán giả trong nước vẫn ủng hộ những sản phẩm điện ảnh nội địa nếu nó được làm tốt, chỉn chu và biết lắng nghe thị hiếu công chúng, và ngày mà một bộ phim Việt đặt mục tiêu doanh thu “nghìn tỷ” không phải không thể thành hiện thực trong tương lai gần.

ngoc_nu_s_family.jpg

Sức mua của thị trường trăm triệu dân

Trước hết, hãy xét điều kiện cần: Sức mua của thị trường điện ảnh Việt Nam dựa trên quy mô dân số. Dân số nước ta hiện gần chạm ngưỡng 100 triệu, trong đó một nửa ở độ tuổi từ 10 trở lên, là đối tượng có thể ra rạp xem phim. Nếu mỗi khán giả mua 1 vé, như vậy một bộ phim có thể bán tối đa 50 triệu vé. “Nhà bà Nữ” mới bán 5 triệu vé, bằng 1/10 sức mua tối đa đã có doanh thu gần 500 tỷ, nghĩa là chỉ cần gấp đôi số vé bán ra là chạm ngưỡng 1000 tỷ.

Làm tiếp một bài toán khác: Hiện nay, các phim Việt chỉ đạt tỷ lệ 10% người mua vé trên tổng dân số. Ở những thị trường châu Á có quy mô dân số và độ tuổi tương tự nước ta như Thái Lan, Indonesia... tỷ lệ này ở ngưỡng khoảng 20-30%. Nghĩa là, sức mua thực tế của thị trường điện ảnh trong nước có thể gấp 3 lần số vé hiện tại của “Nhà bà Nữ” chứ không chỉ là gấp đôi. Đạo diễn Võ Thanh Hòa – người từng có một phim doanh thu “trăm tỷ” là “Chị mười ba” cùng nhiều phim ăn khách khác như “Ông ngoại tuổi 30”, “Bệnh viện ma” lạc quan cho biết, những tín hiệu đó cho thấy tiềm năng doanh thu phòng vé trong nước vẫn còn rất lớn.

“Sức mua đó thể hiện người Việt vẫn quan tâm tới phim Việt", đạo diễn Võ Thanh Hòa nói. "Mặc dù tỉ lệ này vẫn rất thấp nếu đem so sánh với một số thị trường quanh đây. Ví dụ so với Đài Loan, mình không nhớ chính xác là bao nhiêu nhưng phim bán nhiều vé nhất của họ là 8 triệu vé, mặc dù nước họ nhỏ chỉ bằng một tỉnh của mình. Hay như Indonesia, phim bán nhiều nhất là 22 triệu vé. Việt Nam phim tốt nhất chỉ đạt mốc 5 triệu vé, nghĩa là số vé bán ra bây giờ vẫn chưa tương xứng giữa dân số và số vé bán ra. Nếu có phim nào đạt mốc 20% dân số, nghĩa là 20 triệu vé bán ra thì chúng ta sẽ tạo ra cột mốc phim ngàn tỷ”.

Một điều đáng mừng nữa là, thành công đột phá của “Nhà bà Nữ” cũng như “Chị chị em em 2” đến ở giai đoạn thị trường điện ảnh trong nước mới chỉ đang trong giai đoạn phục hồi chứ chưa phải ở đỉnh cao. Từ góc độ đơn vị phát hành, ông Nguyễn Hoàng Hải – Giám đốc nội dung CJ CGV Việt Nam cho biết: “Sau 2 năm dài ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thị trường điện ảnh chỉ đang trong giai đoạn phục hồi. Số lượng khán giả ra rạp ủng hộ phim Việt đông đảo là tín hiệu khả quan cho thấy khán giả vẫn dành sự ủng hộ cho rạp phim, đặc biệt là các tác phẩm phim Việt có chất lượng tốt. Các doanh nghiệp ngành điện ảnh đều mong muốn duy trì hoạt động kinh doanh tích cực trong giai đoạn tới, đưa thị trường phục hồi trở lại cũng như bù đắp cho những khoản lỗ rạp phải gồng gánh trong suốt thời gian dịch bệnh”.

Hiện tượng cá biệt hay con đường bền vững?

Lý giải nguyên nhân thành công của “Nhà bà Nữ”, đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn cho rằng: “Chúng ta có thể thấy, "Bố Già" và "Nhà bà Nữ" đều bỏ xa các bộ phim thành công khác ít nhất là 100 tỷ. Vậy thì cái khoảng cách này ở đâu ra? Nhìn vào độ tuổi và phân vùng địa lý khán giả của các bộ phim thì ta thấy có 2 điểm khác rất rõ giữa phim của Trấn Thành và phần còn lại. Với các bộ phim thành công khác, đối tượng khán giả hầu hết vẫn là khán giả trẻ có thói quen đi xem phim, doanh thu chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn.

"Đối với Trấn Thành, ngoài việc kéo được những khán giả trên, anh còn thu hút cả những khán giả không có thói quen đi xem phim, những người thu nhập thấp, những người lớn tuổi. Và đặc biệt, nhà làm phim này tạo ra được khối doanh thu đáng kể từ thị trường các tỉnh, các thành phố nhỏ. Đây chính là điểm khác biệt và có thể nói Trấn Thành thực sự xuất chúng, cộng với sự giúp sức của Tết Nguyên đán, để có thể "nạo vét" một lượng khán giả lớn đến mức dị biệt như vậy, thậm chí cả những người trước đây chưa từng ra rạp xem phim”.

Bình luận về con số 5 triệu vé bán ra của “Nhà bà Nữ” và hơn 1 triệu vé bán ra của “Chị chị em em 2”, nhà phê bình Lê Hồng Lâm - người có hơn 20 năm quan sát thị trường điện ảnh - phân tích, điện ảnh Việt Nam hiện tại có đồ thị phát triển khá giống với điện ảnh Hàn Quốc. Nếu cứ giữ vững đà phát triển như hiện nay thì trong khoảng 5-10 năm nữa “phim Việt có thể cán mốc 10 triệu vé/ phim. “Việt Nam khá giống Hàn Quốc ở mốc 20 năm trước. Thời điểm đầu những năm 2000 khi điện ảnh Hàn Quốc bắt đầu phát triển, dân số họ khoảng 40 triệu dân (hiện tại là 50 triệu dân), đã có rất nhiều phim đạt mốc 10 triệu vé", anh Lê Hồng Lâm cho biết.

"Câu lạc bộ 10 triệu vé ở Hàn Quốc hiện đã lên đến mấy chục phim. Với thị trường Việt Nam, mục tiêu kỳ vọng cũng nên là 10 triệu lượt vé. "Bố Già" và "Nhà bà Nữ" mới chạm một nửa, trong khi tiềm năng phát triển của thị trường vẫn còn lớn. Với tốc độ tăng trưởng, các rạp chiếu mới vẫn được mở ra thì hoàn toàn có thể mơ đến con số đó cho thị trường Việt Nam. Có thể trong 5-10 năm nữa sẽ đạt được con số này”.

Tuy nhiên theo nhà phê bình Lê Hồng Lâm, để làm được điều đó, thị trường cần sự tiến bộ ở nhiều mặt: Chất lượng phim tăng, tác phẩm có tính thuyết phục cao hơn, tính đa dạng lớn, niềm tin của khán giả với điện ảnh nước nhà, trình độ của người làm phim được cải thiện.

Đạo diễn Võ Thanh Hòa lại cho rằng, 2019 được xem là năm đỉnh cao của thị trường điện ảnh Việt Nam với tổng cộng 44 phim ra rạp, đem lại doanh thu khoảng 1.600 tỷ đồng. Nếu xem điện ảnh như một ngành sản xuất kinh doanh thì doanh thu đó vẫn chưa “bõ bèn” gì: “Nói đi cũng phải nói lại, phim Việt còn rất non trẻ, điện ảnh của mình chưa thể gọi là một ngành công nghiệp đâu. Năm 2019 là năm doanh thu cao nhất của toàn bộ phim Việt cũng chỉ đạt tầm 1.600 tỷ, chỉ ngang ngửa với doanh thu một năm của một công ty xuất bánh tráng đi Mỹ. Nghĩa là điện ảnh của mình vẫn chưa là một nền công nghiệp đâu, cần rất nhiều nguồn lực hỗ trợ”.

Cần đa dạng hóa để mở rộng thị trường

Để dọn đường cho một bộ phim “nghìn tỷ”, nền điện ảnh Việt cần cải thiện nhiều mặt, hướng tới là đa dạng hóa về thể loại, đối tượng… và trở thành một thị trường bền vững. Hiện nay, phim điện ảnh Việt chủ yếu thành công ở các thể loại hài, tình cảm, tâm lý gia đình. Bên cạnh đó, chất liệu lịch sử, văn hóa, dân gian Việt Nam đều được công chúng quan tâm không kém. Thế nhưng nhiều nhà làm phim Việt đã thử sức ở những đề tài này và chưa thành công, thậm chí thất bại thảm hại vì vừa thất thu, vừa bị chê bai. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Lê Hồng Lâm, khó mấy vẫn phải làm bởi không thể để lãng phí chất liệu đề tài và nguồn tài nguyên dồi dào về văn hóa truyền thống Việt Nam.

Anh Lê Hồng Lâm cũng cho rằng, điện ảnh Việt đang ở thời kỳ “quá độ” cần để thị trường sàng lọc, thải loại những phim dở, để những người làm phim yếu kém biết mình đang ở đâu. 2022 được xem là một năm thê thảm của điện ảnh Việt, nhưng ở góc độ tích cực nó giúp loại bỏ những nhà làm phim yếu kém khỏi cuộc chơi. Cuối cùng chỉ còn những nhà làm phim thật sự giỏi và lăn lộn với nghề, có tầm nhìn mới đủ sức trụ lại trên thị trường. “Những cuộc thanh trừng như năm vừa rồi, một mặt khiến thị trường ảm đạm, nhưng mặt khác nó cũng khiến cho những nhà làm phim non kém về tài năng, tư duy, đạo đức... những người không đủ tư cách là film maker, tự loại trừ bản thân. Nếu họ cứ tiếp tục làm phim họ sẽ lại ném tiền qua cửa số, đốt tiền vì những mục đích vô nghĩa”, nhà phê bình Lê Hồng Lâm thẳng thắn nêu ý kiến.

Ở góc nhìn lạc quan hơn, nhà báo Đào Anh Vũ - Tạp chí Thế giới Điện ảnh nêu quan điểm, các bên cần chung tay tạo dựng văn hóa thưởng thức phim chiếu rạp cho công chúng. “Hãy hình dung ngành điện ảnh cũng như bán hàng. Muốn bán càng nhiều vé – nghĩa là bán hàng càng nhiều không chỉ cần sản phẩm chất lượng mà các đơn vị phát hành cùng cần thay đổi hành vi người tiêu dùng, hình thành thói quen và nhu cầu xem phim".

52019a26i0127.jpg

"Tôi cho rằng, những đối tượng thường xuyên nhất đến rạp nằm ở độ tuổi từ 15 trở lên, đặc biệt là thế hệ 9x và Gen Z. Họ có nhu cầu đến các trung tâm thương mại, nơi có rạp phim vào mỗi cuối tuần. Sau này khi thành cha mẹ, họ lại đưa con mình đến rạp. Cứ thế hình thành các thế hệ xem rạp phim là một phần thiết yếu của cuộc sống, thì trong khoảng độ 5-10 năm nữa chúng ta có thể đạt đến mốc 1 triệu vé bán ra cho mỗi bộ phim, bất kể là phim Việt hay phim nước ngoài”.

Mục tiêu phát triển lớn song không phải không thực hiện được. Giới chuyên môn đồng tình rằng với sự nỗ lực từ cả phía nhà nước lẫn chính các nhà làm phim, các nhà đầu tư, nhà sản xuất thì vươn tới mốc doanh thu ngàn tỷ đồng là hoàn toàn khả thi.