Việt Nam được coi là quốc gia có nhiều kết quả tích cực về thu hẹp khoảng cách giới, nhất là trong các lĩnh vực lao động, việc làm, chăm sóc sức khỏe, giáo dục... Những nỗ lực của Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá là một trong 10 quốc gia thực hiện tốt nhất mục tiêu số 5 về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Mặc dù vậy, tình trạng bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em vẫn diễn ra nghiêm trọng được xem là những trở ngại lớn trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và xây dựng xã hội tiến bộ, văn minh ở Việt Nam.

Nhất là trong thời gian đại dịch Covid-19 diễn ra nghiêm trọng (2020-2021), bạo lực đối với với phụ nữ và trẻ em càng gia tăng đáng kể. Đặc biệt trong thời gian giãn cách xã hội, số lượng cuộc gọi của phụ nữ bị bạo lực đến đường dây nóng của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam được ghi nhận tăng 50%. Số lượng người bị bạo lực được hỗ trợ giải cứu và tiếp nhận vào Ngôi nhà Bình yên tăng 80% so cùng kỳ năm trước. Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 cũng nhận được nhiều hơn những cuộc gọi tư vấn hoặc đề nghị can thiệp có liên quan đến bạo lực trẻ em và phụ nữ.

Theo Kết quả điều tra quốc gia công bố năm 2020, có gần 63% phụ nữ Việt Nam từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong đời, trong đó, cứ 3 phụ nữ thì có gần 1 người bị chồng bạo lực thể xác hoặc tình dục. Tuy nhiên, hơn 90% phụ nữ bị chồng bạo lực không tìm kiếm sự giúp đỡ. Bên cạnh đó, cũng theo kết quả điều tra năm 2020, trên cả nước có trên 21% số trẻ bị xâm hại tình dục bởi chính người thân trong gia đình.

Bà Nguyễn Thị Minh Hương, phó Chủ tịch Hội LHPNVN cho rằng: Khi nói đến gia đình, người ta thường nghĩ ngay đến nơi an toàn, tràn ngập yêu thương, nhưng trong nhiều trường hợp, chính “chốn an toàn” lại là nơi có nhiều sóng gió, nhiều nỗi sợ hãi và nguy hiểm nhất, khi các thành viên luôn bất an trước các hình thức bạo lực mà chính những người thân yêu dành cho mình. Họ phải chịu cả nỗi đau về thể xác và tinh thần. Nhiều vết thương lành theo năm tháng nhưng cũng có những vết thương họ ám ảnh và mang theo cả một đời. Nhiều người đã phải chạy trốn khỏi “chốn an toàn” để tìm “nơi bình yên”, nơi họ có thể nhận được những hỗ trợ từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân, giúp họ có thêm sức mạnh, nghị lực trong cuộc sống. Điều đó cũng cho thấy, chúng ta cần chung tay phối hợp chặt chẽ hơn và có những giải pháp hành động quyết liệt hơn, cam kết mạnh mẽ hơn nhằm ngăn chặn tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, đảm bảo tôn trọng và bảo vệ phụ nữ và trẻ em.

Trong khuôn khổ của sự kiện cũng diễn ra Triển lãm Chạy trốn “chốn an toàn” gồm ba chủ đề: Trong chốn an toàn; Cùng suy ngẫm; Điểm tựa bình yên với những hình ảnh, hiện vật được sưu tập công phu, phản ánh chân thực thực trạng bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới hiện nay và những nỗ lực, giải pháp của Chính phủ, các cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong đó có Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong các hoạt động phòng, chống, ứng phó với bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới.