Địa điểm lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại gia đình cụ Nguyễn Thị An có địa chỉ ở số 6 ngõ 319 đường An Dương Vương, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Sở dĩ căn nhà này được chọn là nơi Bác Hồ dừng chân nghỉ lại vì nơi đây vốn là cơ sở cách mạng vững chắc từ 1941 - 1945, nằm trong An toàn khu của Trung ương Đảng; nhân dân được giác ngộ, một lòng theo cách mạng; đã từng nuôi và bảo vệ các đồng chí trong Ban thường vụ Trung ương Đảng cùng nhiều cán bộ cao cấp của Đảng như các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Lê Đức Thọ, Hoàng Tùng (tức Khánh), Bạch Thành Phong… Các đồng chí đó đã đi lại, ăn ở, hội họp trong nhiều gia đình cơ sở ở hai làng trong suốt 5 năm được an toàn, không xảy ra một vụ việc nào làm ảnh hưởng đến phong trào cách mạng, không một cán bộ nào bị địch bắt ở địa phương.

Ông Công Ngọc Dũng, cháu nội cụ An - người trực tiếp trông coi khu Lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh chia sẻ: Lí do ngôi nhà này được Trung ương Đảng chọn làm nơi dừng chân của Đoàn cán bộ từ chiến khu Việt Bắc trở về có một quá trình từ trước đó. Giữa năm 1942, bà Trần Thị Sáu là cán bộ của Trung ương Đảng đã về vùng bờ nam sông Hồng này để xây dựng vùng an toàn khu của Trung ương. Cũng trong khoảng thời gian đó, Bà Trần Thị Sáu đã tiếp cận được với nhà cụ Chánh Tổng Công Ngọc Lâm có vợ là cụ Nguyễn Thị An. Bà Sáu đã tuyên truyền giác ngộ cách mạng cho cụ An và từ đó cụ đã đi theo cách mạng.

Và một điều đặc biệt nữa là ông Công Ngọc Kha, tức Trần Lộc - con trai cụ An sau đó cũng tham gia hoạt động cách mạng. Chính vì những người trong gia đình tham gia cách mạng nên ngôi nhà này từ năm 1942 đến năm 1945 đã là nơi lưu trú, trú ẩn cho các chiến sĩ cách mạng. Và những người trong gia đình cụ An còn đưa thư gửi cho các đồng chí hoạt động cách mạng bí mật lúc bấy giờ.

Lần thứ 2, gia đình đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm là ngày 24/11/1946, sau khi Người dự Hội nghị Văn Hoá về, trước tình hình thực dân Pháp gây hấn ở nhiều nơi, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng chuẩn bị cho ngày Toàn quốc kháng chiến 19/12/1946 và lên chiến khu Việt Bắc tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ.

Ông Công Ngọc Dũng chia sẻ thêm về sự trở lại lần 2 của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Đúng như lời hẹn và cũng là một điều hạnh phúc đến với gia đình nhà cụ Nguyễn Thị An là sáng ngày 24 tháng 11 năm 1946, bác Hồ đã quay trở lại thăm gia đình một lần nữa. Trong buổi sáng hôm đó, Bác dành gần một nửa ngày buổi sáng để trò chuyện với gia đình. Trong buổi trò chuyện đó, tôi còn nhớ rõ là bác Hồ cũng đã để lại rất nhiều dấu ấn mà chúng tôi không thể quên được. Lần đến nghỉ chân đâu tiên (tháng 8/1945), Bác chỉ gặp cụ Võ Tường (là ông nội của ông Công Ngọc Kha) mấy phút, nhưng khi đến nghỉ chân lần thứ 2 (tháng 11/1946), khi Bác vừa vào đến sân đã hỏi ngay: Thế nhà ta còn ông cụ nữa đâu nhỉ? Mặc dù thời gian Bác lưu lại không nhiều nhưng đó là những giây phút không thể quên với gia đình cụ An.

Tổng diện tích của di tích là 187,6m2, bao gồm các hạng mục chính như cổng nhà, sân gạch, bể nước, nhà trưng bày, nhà kho...Trong nhà, các di vật, hiện vật vẫn được giữ nguyên như khi Bác ở đây, với sập gỗ, tủ chè, bộ trường kỷ, gương soi, chậu rửa mặt bằng đồng, vali mây, máy chữ...

Các thế hệ trong gia đình luôn gìn giữ những kỷ niệm về Bác. Nhờ vậy, nơi đây đã trở thành “địa chỉ đỏ” về giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, nhân dân, thanh niên, học sinh Thủ đô. Chị Đỗ Thu Trang, Bí thư Chi đoàn tổ dân phố số 4, Uỷ viên Ban thường vụ đoàn phường Phú Thượng cho biết: Tất cả những ngày lễ đặc biệt trong năm, chúng tôi đều tổ chức ở nhà cụ An. Đây là một nơi rất ý nghĩa, thiêng liêng và để lại nhiều giá trị mang tính tích cực, để cho các bạn trẻ noi theo và học tập. Đến đây, để các bạn được nghe các cụ kể lại về ý chí cách mạng của những người đi trước. Mặc dù đã đến đây nhiều lần nhưng tôi vẫn cảm thấy bồi hồi xúc động với những di vật đã được bảo tồn lưu giữ lại và giúp cho các bạn trẻ như chúng tôi có thể nhìn thấy, khâm phục và biết ơn những người đã lưu giữ lại những kỷ vật đấy - chị Đỗ Thu Trang xúc động chia sẻ.

Hiện tại, ngôi nhà của gia đình cụ An vẫn được bảo tồn nguyên vẹn. Ngôi nhà được ông Công Ngọc Dũng, cháu nội của cụ An trực tiếp trông coi. Với 14 di vật, hiện vật cùng hàng chục tài liệu, hình ảnh liên quan đến sự kiện Người lưu lại đây, ngôi nhà được công nhận là Nhà lưu niệm Bác Hồ và mở cửa đón khách tham quan từ năm 1996.

Với lòng kính yêu vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, quận Tây Hồ và gia đình cụ Nguyễn Thị An đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Trải qua 77 năm, nơi đây xứng đáng là địa chỉ đỏ, một di tích có giá trị về lịch sử cách mạng, là nơi giáo dục truyền thống cách mạng của mọi người dân Việt Nam.

Với những giá trị về lịch sử cách mạng to lớn, năm 2019, ngôi nhà đã được công nhận là Di tích Lịch sử cấp thành phố - Địa điểm lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại gia đình cụ Nguyễn Thị An. Và ngay mới đây, ngày 23/08 căn nhà này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia.

Mời nghe âm thanh tại đây: