Sách và cuộc chiến với các thiết bị công nghệ

Việt Nam có tổng số khoảng 61,37 triệu người dùng điện thoại thông minh trên tổng số gần 100 triệu dân, theo BankMyCell. Trang web thương mại và so sánh hàng đầu của Hoa Kỳ này đã xếp hạng Việt Nam đứng thứ 10 trong top 10 quốc gia có lượng người dùng smartphone lớn nhất thế giới trong năm 2022. Đứng đầu là Trung Quốc - đất nước tỉ dân với 918,45 triệu người dùng.

Chiếc điện thoại thông minh kết nối Internet có tất cả những gì mà con người cần: mua sắm, kết bạn giao lưu, tính toán, gõ văn bản, gửi thư điện tử, đọc truyện, nghe nhạc, xem phim và cả tìm bạn đời.

Sự phát triển công nghệ vừa là thành tựu nhưng cũng là nỗi lo. Đó là hệ lụy "nghiện" smartphone và xa rời đọc sách. Cách đây 4 năm, tại một tọa đàm về sách, Cục Xuất bản Việt Nam đã cung cấp con số: mỗi năm Việt Nam xuất bản khoảng 400 triệu bản sách. Trong số đó, trên 300 triệu bản là sách giáo khoa, giáo trình phục vụ cho nhu cầu học tập, nghiên cứu, chỉ còn khoảng 100 triệu bản sách chia trên 90 triệu dân. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi năm một người Việt đọc chừng 1 cuốn sách.

Cạnh tranh lớn nhất của thị trường sách chính là thiết bị công nghệ với những ứng dụng giải trí tiện lợi và sinh động gồm cả nghe - đọc - nhìn như Tiktok, youtube, facebook watch...

"Để có văn hóa đọc thì mỗi người cần được nuôi dưỡng thói quen và tình yêu với sách khi còn nhỏ" - bạn Cao Linh, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam chia sẻ trong tọa đàm "Văn hóa đọc trong giai đoạn hiện nay". Tọa đàm do Đoàn Thanh niên Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam phối hợp với Đoàn Thanh niên các đơn vị thuộc Đoàn Khối các cơ quan Trung ương tổ chức chiều 21/4 tại Hà Nội.

Theo Linh, đứa trẻ cần được bố mẹ định hướng tìm đến sách, khám phá sách từ nhỏ nếu không sẽ khó tránh khỏi cám dỗ từ thiết bị di động. Con số "èo uột" về tỉ lệ đọc sách ở Việt Nam phần nào phản ánh sự thiếu quan tâm của gia đình và nhà trường trong việc xây dựng và nuôi dưỡng "phần hồn" của mỗi đứa trẻ.

Ở Việt Nam, ngày 21/4 hàng năm được gọi là ngày Sách Việt Nam. Đây là năm thứ 9 nước ta tổ chức kỷ niệm ngày ra đời của sự kiện này và năm nào chúng ta cũng loay hoay với câu hỏi "Làm thế nào để phát triển văn hóa đọc?". Anh Nguyễn Hải Đăng - Phó Bí thư Đoàn Thanh niên báo Nhân dân cho rằng, chúng ta không có văn hóa mua sách và thị trường sách chưa đề cao tính bản quyền, dẫn đến tình trạng sao chép sách, sách lậu bán tràn lan làm nản lòng người viết sách và nhà xuất bản.

Hiện nay, chỉ từ 2 triệu đồng đã có thể sở hữu một chiếc điện thoại thông minh, vài chục nghìn đồng là có thể đăng ký gói cước Internet cho một tháng, giới trẻ quá dễ dàng tiếp cận với những sản phẩm miễn phí trên mạng. Anh Trần Đình Hưng - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng: khi các kênh thông tin tràn vào, người trẻ chưa được trang bị "màng lọc" để chọn lựa thì dễ bị bào mòn khả năng đọc.

Cách đọc hiệu quả là...cầm sách lên và đọc đi

Không phải ai cũng quay lưng với sách. Bạn trẻ Phạm Mỹ Lệ - Phó Bí thư Chi đoàn Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã tích lũy cho mình tủ sách cá nhân với hàng trăm đầu sách. Lệ cho rằng đọc sách gắn liền với tự học.

"Văn hóa đọc bao gồm cách ứng xử với sách. Đọc sách cũng cần có kỹ năng" - theo Lệ để đọc hiệu quả phải gắn trong cụm từ: học - đọc và viết. "Tìm được cuốn sách hay giống như tìm được người thầy tinh thần".

Vũ Đình Hoàng giảng viên trẻ của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ, anh "nhiễm" thói quen đọc sách từ gia đình. "Mẹ nói với tôi đọc sách là cho mình, có kiến thức để nuôi sống gia đình và cống hiến cho tổ chức, đơn vị nơi mình công tác". Theo anh, Ban chấp hành đoàn của các đơn vị cần quan tâm phát triển tinh thần tự học, tực đọc. "Sách mở toang những cánh cổng tri thức mà bao thế hệ đã tích lũy, chắt chiu từng dòng" - Hoàng nói.

Tại tọa đàm, nhiều bạn trẻ đã đặt câu hỏi: Làm thế nào để đọc sách hiệu quả? Cách chọn sách như thế nào cho phù hợp?...

Anh Phan Anh Sơn - Bí thư Đảng ủy Cơ quan Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cho rằng, hãy đọc chậm và chắc. "Chúng ta luôn nói không có thời gian nhưng mỗi buổi sáng thay vì đầu giờ lướt tin tức, “dạo” facebook...thì hãy đọc đọc 5 trang sách, trước khi ngủ trưa đọc 5 trang, buổi tối đọc 5 trang...như vậy mỗi ngày đã đọc được 15 trang sách" - anh Sơn chia sẻ để có thói quen thì phải thực hành mỗi ngày.

Để chọn sách hiệu quả thì cần xác định mục tiêu đọc theo sở thích hoặc theo nhu cầu. Người đọc có thể lựa chọn theo tác giả mình yêu thích, vấn đề mình đang quan tâm hoặc lĩnh vực mình theo đuổi. "Chẳng có mẹo hay phương pháp đọc sách nào cả, cứ cầm sách lên và đọc đi"- anh Phan Anh Sơn chia sẻ với các bạn trẻ. Vì vậy, đọc sách là nhu cầu tự thân mỗi người.

Anh Bùi Hoàng Tùng - Bí thư Đoàn Khối các cơ quan Trung ương cho biết, trong nhiệm kỳ 2022 - 2027, Ban Thường vụ Đoàn Khối triển khai Đề án nâng cao thói quen và năng lực tự đọc cho đoàn viên, thanh niên gắn với chủ đề “Đọc sách hôm nay - kiến tạo ngày mai”.