Với diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước, địa hình đa dạng, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nhiều di sản văn hoá vật thể, phi vật thể được xếp hạng quốc gia và quốc gia đặc biệt, trong đó dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại... Nghệ An được xem là có nhiều tiềm năng, lợi thế vị trí địa - văn hoá, tài nguyên thiên nhiên và di sản văn hóa phong phú để tạo bước phát triển đột phá cho du lịch.

Cùng với đó, tỉnh cũng đề ra nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch nhất là trên nền tảng số, thông qua các hội nghị xúc tiến du lịch và khuyến khích các đơn vị kinh doanh nâng cao chất lượng dịch vụ... nhằm đạt mục tiêu "điểm đến bốn mùa".

Phóng viên Đài TNVN đã phỏng vấn bà Nguyễn Thị Thành An, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Nghệ An xung quanh vấn đề này:

PV: Thưa bà, Nghệ An đã tái khởi động hoạt động du lịch ra sao, kể từ sau dịch Covid-19 đến nay?

Bà Nguyễn Thị Thành An: Thời gian qua, đặc biệt là sau dịch Covid-19, du lịch Nghệ An đã có rất nhiều quy hoạch đồng bộ để tái khởi động hoạt động du lịch. Sau 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch và với những giải pháp đã được đề ra thì ngay từ năm 2022 và 2023 này đã cho thấy những hiệu quả rõ rệt. Tất nhiên để được như những năm trước, giai đoạn 2018-2019 thì còn cần rất nhiều điều phải làm, cần sự đầu tư lớn cả về thời gian lẫn kinh phí thực hiện. Bởi thực tế là sau dịch thì có rất nhiều sự thay đổi, đặc biệt là thay đổi về nhu cầu, nếu mình không hiểu, không nắm bắt được thì sẽ rất khó để thu hút du khách.

Cái thứ hai nữa là áp lực cạnh tranh giữa các sản phẩm du lịch của các đơn vị cũng ngày càng lớn. Thứ ba là các đơn vị sau 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch, kể cả lữ hành lưu trú là khu điểm thì bây giờ tái khởi động lại cũng cần nhiều thời gian một chút, kể cả nguồn lực, nhân lực... thì mới có thể phục hồi và tăng trưởng.

PV: Đến thời điểm này, du lịch Nghệ An đã đạt được mục tiêu đề ra trong năm 2023?

Bà Nguyễn Thị Thành An: Năm 2023 thì chúng tôi tin tưởng sẽ vượt mục tiêu đặt ra. Bởi con số thống kê sau 10 tháng đầu năm, tổng lượt khách ước khoảng gần 5,3 triệu lượt, doanh thu đạt gần 8 nghìn tỷ. Như vậy đến thời điểm này có thể nói đã hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch và với lượng khách cuối năm theo dạng thăm thân hay du lịch tâm linh... thì chắc chắn sẽ còn khá dồi dào.

Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân để phát triển du lịch nông nghiệp của từng vùng đặc biệt là các sản phẩm du lịch chất lượng cao, khai thác đồng thời giá trị nông nghiệp và phát triển du lịch còn hạn chế. Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất tại nhiều điểm du lịch nông nghiệp chưa được đầu tư hoàn chỉnh (lưu trú, bãi đậu xe, giao thông kết nối, nhà vệ sinh đạt chuẩn, biển chỉ dẫn…), vấn đề vệ sinh môi trường tại một số điểm còn chưa đảm bảo. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực đang hoạt động trong du lịch nông nghiệp cũng chưa được trang bị đầy đủ các kiến thức, kĩ năng phục vụ khách du lịch. Đó là chưa kể loại hình du lịch nông nghiệp chịu ảnh hưởng bởi tính chất mùa vụ của sản phẩm nông nghiệp và điều kiện tự nhiên, thời tiết khí hậu khắc nghiệt ở Nghệ An. Nhiều mô hình còn vướng các thủ tục về đất đai khi xây dựng cơ sở lưu trú, dịch vụ….

PV: Du lịch Nghệ An hướng đến mục tiêu tạo ra các sản phẩm du lịch bốn mùa để thu hút du khách. Vậy đâu là lợi thế để Nghệ An hiện thực hóa mục tiêu này, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Thành An: Thường thì lâu nay du khách cứ mặc định chỉ du lịch Nghệ An vào mùa hè, do vấn đề thời tiết. Tuy nhiên, thực tế, du lịch mùa đông ở miền Tây Nghệ An đã bắt đầu khởi sắc và đã đóng góp một lượng khách cũng như doanh thu không nhỏ để tạo sự cân bằng bốn mùa cho du lịch Nghệ An. Cho nên, 6 tháng đầu năm, Nghệ An tập trung vào du lịch văn hóa, tâm linh lịch sử và du lịch biển, nghỉ dưỡng, còn 6 tháng cuối năm là du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Các sản phẩm du lịch của chúng tôi hiện nay cũng tương đối hoàn chỉnh. Ví dụ như là khu du lịch sinh thái HDT Thanh Chương, khu du lịch sinh thái Hòn Mát, khu du lịch sinh Thái Thung Lũng Hoa Phủ Quỳ, khu du lịch Con Cuông…

Huyện Kỳ Sơn có khu du lịch Mường Lống, điểm du lịch này cũng đang là một điểm du lịch sinh thái kết hợp với du lịch cộng đồng được rất nhiều người lựa chọn trải nghiệm. Đặc biệt ở xã Na Ngoi, tour du lịch về chinh phục đỉnh Puxailaileng cũng đã được Sở Du lịch Nghệ An 2 lần khảo sát và hiện đang được xem là tiềm năng cho các du khách ưa mạo hiểm, khám phá.

PV: Trong năm 2024, tỉnh Nghệ An đã có kế hoạch phát triển định hướng du lịch như thế nào để tiến gần đến mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Thành An: Năm 2024 là năm cuối trong lộ trình 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội, chúng tôi cố gắng đặt mục tiêu đón 6 triệu khách lưu trú và tổng thu ước khoảng 11.000 tỉ. Để đạt mục tiêu này, khắc phục nội hàm của năm 2023 đó là khách quốc tế đang còn hạn chế thì tới đây, làm sao cả bề mặt sản phẩm lẫn chất lượng dịch vụ, đường bay, hệ thống giao thông hạ tầng thuận tiện... để có thể tạo sự liên kết giữa khách quốc tế đến các điểm khác và sẽ ghé đến Nghệ An... Tỉnh cũng đã phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, tiếp tục phổ biến, tuyên truyền nhận thức về làm du lịch cho người dân, đồng thời tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nhân lực... Thứ hai là tiếp tục kêu gọi thu hút các nhà đầu tư về lĩnh vực du lịch để hy vọng rằng sẽ có một ngày những dự án du lịch có quy mô tầm cỡ sẽ đến với Nghệ An và những dự án du lịch mà đã được phê duyệt đầu tư sẽ sớm được triển khai. Thứ ba nữa là sẽ tiếp tục có những hình thức quảng bá xúc tiến phong phú, phù hợp để ứng dụng công nghệ số trong công tác quản lý, phục vụ tốt nhất nhu cầu khám phá, trải nghiệm của du khách.

PV: Vâng, xin cảm ơn bà về những chia sẻ vừa rồi!