Tính tới thời điểm hiện nay, Việt Nam đã có 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh. Điều này cho thấy chúng ta đã và đang đóng góp tích cực cũng như nỗ lực cho việc bảo tồn di sản của quốc gia và nhân loại.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng đặt ra vấn đề bảo vệ và phát huy giá trị di sản sau ghi danh. Bởi thời gian qua, có không ít vụ việc thực hành di sản văn hóa phi vật thể mà theo nhận định của nhiều chuyên gia là đã làm méo mó di sản khi phá vỡ bối cảnh, thay đổi không gian văn hóa và thay đổi thực hành di sản. Điển hình như tỉnh Bắc Ninh xác lập kỷ lục Việt Nam “Nhiều người mặc trang phục Quan họ và cùng hát Quan họ Bắc Ninh” với hơn 3.000 người tham gia; trình diễn khăn áo Thánh trên sân khấu trường đại học ở tỉnh Thừa Thiên – Huế, hay gần đây nhất là tỉnh Cao Bằng xác lập kỷ lục “Màn biểu diễn hát Then, đàn Tính lớn nhất Việt Nam”…

Công ước 2003 khẳng định tầm quan trọng của cộng đồng và thực hành của họ khi cho rằng: Di sản văn hóa phi vật thể được con người tạo ra, tồn tại và trao truyền, cộng đồng nắm giữ “các tri thức và kỹ năng” cần thiết với sự tồn tại của họ và họ thể hiện “các tập quán và các biểu đạt” thông qua hành động, cử chỉ và ngôn ngữ - đó chính là quá trình thực hành di sản văn hóa phi vật thể. Do đó bản chất và đặc trưng của di sản văn hóa phi vật thể “sống” hay còn gọi là “di sản sống” nhưng vô hình. Di sản chỉ có thể sống khi chúng còn phù hợp với cộng đồng, với nhu cầu của cộng đồng, được thực hành thường xuyên và trao truyền giữa các thế hệ trong cộng đồng.

Theo TS Nguyễn Thị Thu Trang, Trưởng phòng Quản lý Di sản Văn hóa phi vật thể, Cục Di sản văn hóa, Bộ VHTTDL, thực hành di sản văn hóa phi vật thể như hoạt động của một cơ thể sống. Vì thế, thực hành là một biện pháp bảo vệ hết sức quan trọng, nhằm đảm bảo sức sống của di sản văn hóa phi vật thể, thể hiện sự kế thừa và trao truyền liên tục của di sản và sự duy trì các giá trị, chức năng của di sản đối với các cộng đồng liên quan.

Ra khỏi không gian văn hóa mà nó tồn tại thì di sản văn hóa phi vật thể không còn là di sản nữa. Bảo tồn, phát huy và truyền bá di sản rộng rãi trong nước và quốc tế là điều rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, tính nguyên bản các di sản văn hoá phải được tôn trọng. Bản chất của di sản đó là hoàn toàn tự nhiên, không có sự can thiệp có chủ ý, bởi điều này không chỉ làm xói mòn mà còn có thể làm sai lệch giá trị của di sản.

Chỉ qua thực hành thì di sản mới tự chứng minh được sức sống, được trao truyền và phát triển. Tuy nhiên, không gian thực hành di sản vẫn đang là vấn đề tranh cãi. Có ý kiến cho rằng phải bảo tồn nguyên vẹn di sản trong bối cảnh không gian và tính lịch sử của nó, song cũng có quan điểm cho rằng di sản phải được bảo vệ bằng cách kế thừa, tức là di sản phải đóng vai trò của mình trong bối cảnh xã hội cụ thể để từ đó phục vụ tốt hơn sự phát triển của kinh tế, xã hội.

“Có nhiều quan điểm khác nhau về việc bảo vệ di sản nói chung và bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nói riêng. Tuy nhiên di sản văn hóa phi vật thể là di sản sống, luôn luôn có sự thay đổi và sự thay đổi đó do chính cộng đồng quyết định. Cho nên chúng ta không đặt ra vấn đề bảo tồn nguyên gốc đối với di sản văn hóa phi vật thể. Tuy nhiên, nên ủng hộ việc khai thác, sử dụng di sản văn hóa phi vật thể trong sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật nhưng cần đảm bảo không làm sai lệch nội dung và làm suy giảm các giá trị của di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là phải tuân thủ quy định của Công ước 2003 của UNESCO. Việc sử dụng di sản văn hóa phi vật thể để khai thác các giá trị của nó cần một điều kiện tiên quyết, đó chính là sự đồng thuận của cộng đồng” - TS Nguyễn Thị Thu Trang lưu ý.

Di sản chỉ được bảo tồn khi được thực hành trong không gian của nó. Thế nhưng di sản chỉ sống được khi nó được thực hành thường xuyên và phải được quảng bá rộng rãi. Chính vì thế câu chuyện đặt ra là phải làm thế nào để đưa được thực hành di sản văn hóa phi vật thể ra ngoài không gian của nó mà vẫn giữ được tính “thiêng”, tính “toàn vẹn” của di sản. TS Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng khi đưa di sản ra khỏi bối cảnh của nó là đã làm thay đổi di sản. Vậy nên đối với những di sản thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn hay là những di sản không động chạm đến tính thiêng, tới những nguyên tắc tập tục thực hành di sản thì chúng ta có thể quảng bá, phát huy nhưng phải với sự đồng thuận, có hiểu biết và được cung cấp đầy đủ thông tin của cộng đồng. Còn lại, với những di sản có tính thiêng, có tính tập tục và có những không gian nghi lễ riêng dành cho nó thì chúng ta nên tôn trọng những tập tục, những tính thiêng đó, cũng như là tôn trọng những luật lệ, những nguyên tắc của cộng đồng.

Di sản văn hóa được xem là nguồn tài nguyên quan trọng để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, khi mà ngày càng có nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể được khai thác, phát huy giá trị phục vụ cho phát triển du lịch, điển hình như: Ca trù, hát văn, hát then, xòe Thái, cồng chiêng Tây Nguyên... Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đã đạt được, vẫn còn tình trạng khai thác, phát huy giá trị không đúng cách, dẫn đến nguy cơ làm sai lệch di sản, đặc biệt là đối với di sản gắn với hoạt động tâm linh. Bởi vậy cần sớm có những giải pháp chấn chỉnh cũng như tăng cường nhận thức về bảo tồn, phát huy giá trị di sản, từ đó có cách thức ứng xử phù hợp.