Cổ phần hóa - Nhìn từ Hãng phim hoạt hình Việt Nam

Ngày 27/4/2016 là một ngày quan trọng với cán bộ công nhân viên Hãng phim Hoạt hình Việt Nam. Đó là ngày mà 589.804 cổ phần của Công ty TNHH Một Thành Viên (MTV) Hãng phim Hoạt hình Việt Nam được bán đấu giá thành công cho 6 nhà đầu tư với mức giá 10.300 đồng/cổ phần tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Kể từ đó, Công ty TNHH MTV Hãng phim Hoạt hình Việt Nam (sau đây gọi tắt là Hãng phim Hoạt hình Việt Nam) chính thức trở thành Công ty Cổ phần Hãng phim Hoạt hình Việt Nam. Nhà nước – mà đại diện là Bộ VH-TT&DL nắm giữ 51% cổ phần (tương đương 53,7 tỷ đồng). 6 nhà đầu tư chiến lược nắm giữ 36% cổ phần, 2% cổ phần được bán cho người lao động: những nhân viên đang làm việc tại Hãng phim Hoạt hình Việt Nam. Chúng tôi xin nhấn mạnh thông tin: số cổ phần bán cho các nhà đầu tư chiến lược được bán theo hình thức đấu giá công khai tại sàn Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.

Sau cổ phần hóa, Công ty Cổ phần Hãng phim Hoạt hình Việt Nam hoạt động tương đối hiệu quả. Các hoạt động kinh doanh trước và sau cổ phần hóa của công ty vẫn giữ được guồng máy: sản xuất và phát hành phim hoạt hình, phim truyện thiếu nhi, liên kết chiếu bóng lưu động cho các địa phương, trường học và tổ chức khác. Chỉ tính riêng năm 2022, công ty cho ra mắt 10 bộ phim hoạt hình, đảm bảo cả 2 nhiệm vụ: vừa kinh doanh vừa giáo dục chính trị, định hướng nhân cách, thẩm mỹ, đạo đức cho các em thiếu niên nhi đồng trên cả nước.

Sở hữu rạp chiếu Thánh Gióng ở địa chỉ số 7 Trần Phú, Hà Nội, phần lớn doanh thu của hãng đến từ việc bán quảng cáo trước khi chiếu phim, chiếm tỷ trọng trên 70% tổng doanh thu. Bên cạnh đó, công ty cũng có thêm nguồn thu nhập từ 2,4 - 3,4 tỷ đồng hàng năm từ hoạt động cho thuê mặt bằng làm văn phòng và ki-ốt bán hàng. Bên cạnh các đơn đặt hàng của Nhà nước, Hãng phim Hoạt hình Việt Nam chủ động đẩy mạnh marketing trên các nền tảng số: đưa sản phẩm của hãng lên Youtube, Facebook, đang triển khai làm kênh Tiktok. Việc bán vé rạp chiếu cũng được thực hiện qua trang web và fanpage của hãng.

Công khai, minh bạch: Bí quyết cổ phần hóa thành công hãng phim nhà nước

Sở dĩ chúng tôi đề cập đến câu chuyện của Hãng phim Hoạt hình Việt Nam vì đây là điển hình thành công cho quá trình chuyển đổi mô hình hoạt động các hãng phim Nhà nước theo chủ trương cổ phần hóa. Cũng lần lượt đi từ giai đoạn Nhà nước quản lý, qua giai đoạn công ty TNHH MTV tới cổ phần hóa, điểm mấu chốt thành công của công cuộc này, theo nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã – người đã chứng kiến quá trình chuyển đổi ở cả Hãng phim truyện Việt Nam và Hãng phim Hoạt hình Việt Nam - nằm ở 2 chữ: Công khai & minh bạch.

“Hãng phim Hoạt hình Việt Nam cũng cổ phần hóa, nhưng điểm khác biệt là họ có nhiều nhà đầu tư, và hầu hết các nhà đầu tư đấy đều biết họ đầu tư vào cái gì, họ có quyền lực đến đâu với đồng vốn đấy, có quyền lực đến đâu với nhân sự tại chỗ cũng như với các tài sản, đất đai mà cơ sở này đang tọa lạc”, bà Trịnh Thanh Nhã nói.

Trở lại câu chuyện của Hãng phim truyện Việt Nam, những người trong cuộc cho rằng, công cuộc cổ phần hóa tại hãng “được tiến hành thiếu minh bạch theo hình thức chỉ định thầu”, chỉ có một nhà đầu tư tham gia mua cổ phần là Tổng công ty vận tải thủy Vivaso. Bản thân đạo diễn Nguyễn Thanh Vân khi đó là Phó Giám đốc phụ trách nghệ thuật của hãng cũng không được tham gia vào quá trình cổ phần hóa. Chỉ đến khi mọi chuyện đã xong xuôi ông mới được thông báo.

“Trong quá trình cổ phần hóa, tôi không nằm trong ban giúp việc", đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cho biết. "Ban giúp việc cổ phần hóa ở hãng phim truyện Việt Nam gồm: Giám đốc Vương Đức, Kế toán trưởng kiêm Phó Giám đốc hành chính Tuấn Anh và một số chuyên viên khác. Tôi và quay phim Lý Thái Dũng lúc đó là Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật và Phó Giám đốc phụ trách nghệ thuật không nằm trong nhóm giúp việc này. Toàn bộ quá trình là ban này làm việc với Ban Cổ phần hóa của Bộ VH-TT&DL. Chỉ khi quá trình đã ngã ngũ thì tôi mới được tham gia chút ít. Từ đó cũng bắt đầu nổ ra những phản đối của chúng tôi”.

Cổ phần hóa, chuyển đổi mô hình hoạt động là chủ trương lớn của Đảng – Nhà nước. Trên thực tế, việc này cũng đã được tiến hành ở nhiều lĩnh vực, nhiều ngành nghề một cách thành công, là động lực để các doanh nghiệp từng thuộc về nhà nước chuyển sang mô hình hoạt động mới phù hợp với thời kinh tế thị trường. Tuy nhiên, như PGS.TS Phạm Quang Long – nguyên Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Giám đốc Sở VHTT Hà Nội từng nêu ý kiến: “Chuyển đổi cơ chế là câu chuyện của quốc gia, đòi hỏi những chính sách ở tầm vĩ mô, chung cho tất cả nhưng cũng không thể không xem xét đến khía cạnh đặc thù. Đây là nhận thức xã hội, nhận thức sự vận động của quy luật nên không thể tuỳ tiện, không thể làm một lần là xong, làm mọi cái như nhau, dù quy luật thị trường là chung nhưng cũng cần xem xét những yếu tố đặc thù, không thể cào bằng, không xét đến hệ thống".

Câu chuyện của Hãng Phim truyện Việt Nam là hậu quả của sự thiếu trách nhiệm nơi người thực hiện, cứ vin vào "chính sách thế" nên không chịu linh hoạt, không kịp thời đề xuất cách giải quyết mà cứ bỏ mặc sự việc theo kiểu mũ ni che tai, hoặc ban hành những quy định thiếu hiểu biết.

Vậy vì sao vấn đề của Hãng phim truyện Việt Nam kéo dài dai dẳng suốt những năm qua chưa được giải quyết? Bộ VH-TT&DL đã làm những gì để giải quyết vướng mắc này? Bà Phan Linh Chi - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính của Bộ đã thông tin về tiến trình thực hiện các kết luận Thanh tra và chỉ đạo của Chính phủ trong cuộc họp báo hôm 24/3/2023 như thế này: “Bản thân Bộ VH-TT&DL cũng đã có những văn bản dự thảo lấy ý kiến Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính kiến nghị phương thức xử lí câu chuyện cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam. Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính đã phản hồi bằng văn bản rằng, cơ sở pháp lý để thu hồi – nhận lại cổ phần và hoàn trả tiền cho Vivaso mà không có sự thống nhất, thỏa thuận là không phù hợp, tức là Bộ VH-TT&DL không thể đơn phương thu hồi cổ phần".

"Vấn đề thứ hai về nguồn tiền chi trả. Nếu nhà đầu tư đưa ra được con số cụ thể, hợp lí trước thời điểm 31/12/2021 (trước khi có quy định về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp), thì sẽ lấy nguồn tiền từ quỹ đó để trả cho nhà đầu tư. Tuy nhiên ngày 31/12/2021, Chính phủ đã ban hình Nghị định 148 về chuyển đổi, quản lý nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, nguồn thu chuyển nhượng vốn và chênh lệch vốn chủ sở hữu, thì chúng ta phải thực hiện theo Nghị định 148. Nếu chúng tôi có được con số nhà đầu tư mong muốn, chúng tôi sẽ lập tức phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư, đồng thời gửi báo cáo trình Quốc hội để đưa vào dự toán hàng năm của Bộ VH-TT&DL. Tóm lại chúng tôi đã có lộ trình thực hiện theo chỉ đạo Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình từ thời điểm đó. Nhưng mấu chốt là con số nhà đầu tư chiến lược đưa ra vẫn chưa có”.

Trên một số tờ báo gần đây trích dẫn thông tin rằng, trong 10 năm trước khi cổ phần hóa, Hãng phim truyện Việt Nam làm ăn thất bát, nợ nhiều (cụ thể là nợ hơn 18 tỷ tiền sử dụng đất) nên không có nhà đầu tư nào mặn mà, chỉ có duy nhất một đơn vị tham gia, nhưng theo nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, thông tin này không đúng: “Tôi nhớ, thời điểm trước 2009 lúc tôi còn làm việc tại hãng phim, có khoảng 3 nhà đầu tư đã qua lại thăm nom nơi này và họ rất mong muốn được đầu tư vào đây. Nhưng đến khi cổ phần hóa thực sự lại chỉ có một nhà đầu tư xuất hiện thôi. Việc chỉ định thầu theo tôi cũng là sai một cách căn bản”.

Giải pháp nào cho những bức xúc lâu nay?

Sau khi có các kết luận Thanh tra, Bộ VH-TT&DL đã tuần tự tiến hành các bước khắc phục hậu quả theo kết luận Thanh tra. Bà Phan Linh Chi cho biết: "Để phục vụ cho cuộc họp do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì hôm 22/3 vừa qua, chúng tôi đã làm một bản báo cáo rất đầy đủ chi tiết về toàn bộ quá trình từ lúc bắt đầu cổ phần hóa đến những kiến nghị, giải pháp. Trong kiến nghị chúng tôi nhấn mạnh 2 nội dung khi triển khai kết luận của Thanh tra Chính phủ".

"Lần này, được sự cho phép báo cáo trực tiếp với Thủ tướng Chính phủ và các Phó thủ tướng, chúng tôi đã mạnh dạn đề nghị Thủ tướng chỉ đạo trực tiếp các bộ, ngành thống nhất về mặt pháp lí để thực hiện thu hồi số cổ phần đã bán và hoàn trả tiền cho nhà đầu tư. Đồng thời, chúng tôi cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Thanh tra Chính phủ rà soạt, kiểm tra việc thực hiện thu hồi số cổ phần dựa theo các kết luận đã có".

Tháng 11/2022, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái – Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cũng cho rằng, cần tích cực “tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, thúc đẩy công tác sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp”. Năm 2022, thông điệp của Chính phủ cũng là “hành động quyết liệt, hiệu quả với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, phản ứng chính sách kịp thời”. Hy vọng với quyết tâm cao độ, cùng chủ trương chung, câu chuyện cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam sớm được giải quyết.

Ngày 28/3/2023, Văn phòng Chính phủ phát đi Thông báo số 101/TB-VPCP về việc xử lý sau thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, trong đó nêu rõ: Thực hiện Kết luận thanh tra số 447/KL-TTCP ngày 30/3/2018 và số 1412/KL-TTCP ngày 23/8/2018 của Thanh tra Chính phủ về công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan đã tổ chức thực hiện Kết luận thanh tra, tuy nhiên một số nội dung chưa được thực hiện dứt điểm.

Vì vậy, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Thanh tra Chính phủ tiến hành kiểm tra ngay việc thực hiện Kết luận thanh tra về công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ về các nội dung liên quan. Trong quá trình kiểm tra cần rà soát kỹ các vi phạm liên quan đến quá trình cổ phần hóa và những vướng mắc trong thực hiện Kết luận thanh tra. Trên cơ sở đó, căn cứ quy định pháp luật về cổ phần hóa và các quy định pháp luật liên quan để kiến nghị biện pháp xử lý khả thi, đúng quy định của pháp luật, giải quyết dứt điểm việc này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/4/2023.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Thanh tra Chính phủ thực hiện Kết luận thanh tra và ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ theo đúng quy định của pháp luật.

Đồng thời, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có phương án củng cố, sắp xếp Hãng phim truyện Việt Nam phù hợp với tình hình và luật pháp hiện hành để thúc đẩy hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị và giữ gìn, phát huy truyền thống Hãng phim truyện Việt Nam.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh quản lý các cơ sở nhà đất đã được thu hồi theo Kết luận thanh tra số 447/KL-TTCP ngày 30/3/2018 và số 1412/KL-TTCP ngày 23/8/2018 của Thanh tra Chính phủ về công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam tại địa chỉ số 04 Thụy Khuê, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội và số 6 Thái Văn Lung, phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh và xử lý dứt điểm những vấn đề liên quan theo đúng quy định của pháp luật.

Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Thanh tra Chính phủ để xử lý những nội dung liên quan.