Sáng 21/12/2022, Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam (Hội VHNT các DTTS VN) tổ chức hội nghị tổng kết đánh giá hoạt động và trao giải thưởng cho các sáng tác nổi bật trong năm 2022.

Nối tiếp những kết quả đã đạt được từ khi thành lập đến nay, năm 2022 dù còn nhiều khó khăn thách thức nhưng Hội VHNT các DTTS VN cùng đội ngũ văn nghệ sĩ, nghệ nhân người dân tộc thiểu số đã không ngừng nỗ lực vươn lên, giành được những kết quả đáng trân trọng. Trong năm qua, hệ thống tổ chức của Hội tiếp tục được củng cố kiện toàn, góp phần phát huy tiềm năng sáng tạo và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ người dân tộc thiểu số.

Trong năm, Hội cũng tổ chức cho hội viên tham gia các chuyến đi thực tế tại Cao Bằng, Tây Nguyên và Hà Giang, mở 2 trại sáng tác tại Đà Lạt và Quảng Ninh. Thông qua đó, hàng trăm tác phẩm văn xuôi, thơ, tản văn, mỹ thuật và ảnh nghệ thuật đã ra đời, góp phần vào sự nghiệp phát triển văn học nghệ thuật, làm giàu kho tàng di sản văn hóa dân tộc Việt Nam.

Nhìn nhận về những kết quả đạt được trong năm 2022, nhà văn Cao Duy Sơn, Phó Chủ tịch Hội VHNT các DTTS VN cho rằng: “Dù có rất nhiều thách thức nhưng thành công nhất của Hội trong năm qua là phong trào sáng tạo, sáng tác văn học nghệ thuật của Hội vẫn được duy trì và phát huy một cách hiệu quả. Trong đó, tập trung chú trọng tổ chức và phối hợp sưu tầm, bảo tồn, nghiên cứu, phát huy những giá trị truyền thống, đặc biệt là sáng tạo những giá trị mới về văn học, nghệ thuật của các dân tộc anh em”.

Năm 2022, Hội VHNT các DTTS VN đã không ngừng tiếp tục xây dựng đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ trong các dân tộc thiểu số, phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh hội viên bằng nhiều hình thức như: Hỗ trợ sáng tạo, trao giải thưởng, cử tham gia các lớp tập huấn, trại sáng tác đối với lực lượng trẻ, vinh danh những văn nghệ sĩ cao tuổi có nhiều cống hiến. Năm nay có hơn 200 tác giả gửi tác phẩm, trong đó có 56 tác phẩm được trao giải thưởng, gồm 1 giải A (Bộ tranh “Đám cưới người Dao đỏ” của tác giả Cao Thanh Sơn- Hội VHNT tỉnh Lạng Sơn), 8 giải B, 25 giải C và 22 giải khuyến khích. Cùng với đó 134 tác phẩm, tác giả được xét hỗ trợ sáng tác.

Dù chỉ có 1 giải A ở lĩnh vực mỹ thuật còn các lĩnh vực khác không có giải A, nhưng theo nhà văn Cao Duy Sơn, đó không phải là thất bại của việc tổ chức trao giải thưởng mà thể hiện sự kỹ lưỡng, uy tín và công tâm trong công tác thẩm định. Đó cũng chính là điều khẳng định chất lượng và giá trị của giải thưởng của Hội.

Với những tác giả, giải thưởng đã mang lại những năng lượng tích cực. Nhà văn, PGS.TS Lê Thị Bích Hồng chia sẻ, bà đã 3 lần vinh dự được nhận giải thưởng này. Năm nay tác phẩm lý luận phê bình “Về miền phong hương đỏ” của bà được trao giải C. “Giải thưởng là nguồn động viên tinh thần rất lớn cho tôi, khuyến khích sự sáng tạo, sáng tác của tôi, là nguồn cảm hứng để tôi tiếp tục cống hiến cho văn hóa nghệ thuật và truyền tinh thần ấy trong những giờ giảng cho các thế hệ sinh viên” - Nhà văn Lê Thị Bích Hồng bày tỏ.

Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện có hơn 1.000 hội viên, 47 tổ chức cơ sở Hội và chi hội trong cả nước thuộc các chuyên ngành: văn học, âm nhạc, múa, mỹ thuật, sân khấu - điện ảnh, nhiếp ảnh, lý luận phê bình, văn nghệ dân gian. Những cố gắng và kết quả trong hoạt động của Hội đã góp phần tích cực vào việc giữ gìn và phát huy di sản văn hóa dân tộc thiểu số, nhất là tiếng nói, chữ viết, trang phục, lễ hội truyền thống, các giá trị văn hóa tích cực trong tôn giáo, tín ngưỡng, góp phần làm cho văn hóa Việt Nam không ngừng phát triển thống nhất trong đa dạng, tỏa sáng trong dòng chảy văn hóa, văn minh nhân loại.