Ở Việt Nam, không khó để bắt gặp nhiều người tham gia chơi rút gỗ, ô ăn quan hay cá ngựa. Đó chính là những board game, lâu nay vẫn được xếp vào thể loại trò chơi dân gian, trò chơi truyền thống.

Board game được hiểu là những trò chơi trên bàn mà ở đó người chơi tương tác với nhau thông qua bàn cờ, quân xúc xắc, rubik hay các lá bài (card game) với những luật chơi riêng của từng trò chơi. Dù luật chơi đơn giản hay phức tạp thì các board game không hẳn là trò giải trí mang tính may rủi, mà còn giúp phát triển trí tuệ, đòi hỏi mỗi người chơi ít nhiều phải phân tích tình huống, phán đoán, tính toán để có những nước đi mang tính chiến thuật nhằm giành chiến thắng.

Biết đến board games vào những năm học cấp 3, chị Trần Ngọc Tuệ Mẫn, công ty Ngũ Hành Games bắt đầu sáng tạo vào năm 2018. Từ người chơi board game đơn thuần, chị đã quyết tâm bước chân vào cánh cửa thế giới board game khi nhận thấy, các sản phẩm board game còn thiếu những nét văn hóa độc đáo của Việt Nam. Vì vậy, với slogan "Đưa văn hóa Việt vào board game", chị Tuệ Mẫn đã đưa khẩu hiệu này xuyên suốt vào games: “Vào năm 2018, tôi đã thử đánh chữ Việt Nam vào và thứ mà mình thấy vào thời điểm đó chỉ là hai tựa game do người nước ngoài làm về chiến tranh Việt Nam. Tôi tự hỏi, văn hóa Việt Nam còn rất nhiều chủ đề có thể khai thác, tại sao người ta chỉ biết văn hóa Việt Nam thông qua hai tựa game yếu tố chiến tranh cận đại đó thôi? Đó là động lực khiến cho chúng tôi quyết định là phải đưa văn hóa Việt Nam vào board game”.

Cuối năm 2018, Ngũ Hành Games đã cho ra mắt bộ board game đầu tiên có tên là “Lên Mâm”, lấy cảm hứng từ những món ăn truyền thống của người Việt trong ngày Tết. Thông qua những tấm thẻ bài nguyên liệu, những người chơi sẽ trở thành anh chị em trong một gia đình, cùng vào bếp để chuẩn bị mâm cơm hoành tráng cho kịp đêm Giao Thừa. Nhưng sản phẩm đầu tay này lại không mấy thành công. Có lẽ, cũng chính bởi vậy mà bộ board game sau đó mang tên “Hội Phố” là tựa game được Tuệ Mẫn ưu ái hơn cả bởi những giá trị mà bộ board game này mang lại cho Ngũ Hành Games.

Khi chơi Hội Phố, người chơi sẽ trở thành những thương nhân ở phố cổ Hội An vào thế kỉ thứ 16, 17 để thực hiện việc giao thương và kiếm tiền về cho thương hội của mình. Hội Phố là một thành công giúp cho công ty có thể tiếp tục sống. Và một điểm đặc biệt nữa của Hội Phố là vào khoảng năm 2021, đó là tựa game Việt Nam đầu tiên được bán sang thị trường Nhật Bản.

Thời gian đầu, khi làm những bộ board game mà yếu tố văn hóa không bị đặt nặng quá nhiều, Ngũ Hành Games chủ yếu sử dụng những trải nghiệm cá nhân. Nhưng cho đến bộ board game có tên “Thiên Mệnh”, là bộ board game về lịch sử đầu tiên của Ngũ Hành Games, lấy cảm hứng từ dẹp loạn 12 sứ quân, đơn vị này nhận thức được rằng lịch sử là không được phép làm sai và đã tìm một người có chuyên môn để cùng đồng hành.

Anh Công Thái Gia Bảo – cố vấn nội dung văn hóa cho các board game của Ngũ Hành chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất là những kiến thức khi nghiên cứu quá khô khan và không thể nào áp dụng được vào trong những sản phẩm của công ty. Nhờ được sự chỉ dẫn của Ngũ Hành Games, tôi có thể hiểu được là công trình nghiên cứu sẽ khác và phải phù hợp với nhu cầu của thị trường như thế nào và làm cách nào để cho mềm hơn, nhuần nhuyễn hơn trong từng sản phẩm. Từ đó, tôi đã vượt qua được những khó khăn và cùng tiếp tục đồng hành với Ngũ Hành Games trong hành trình đưa văn hóa Việt vào trong board games".

- “Tôi khá là lười trong việc cập nhật những kiến thức về văn hóa, về lịch sử, nhưng mà nhờ những bộ board game thì mình được tiếp cận một cách rất là chi tiết mà không hề có cảm giác chán nản. Có những kiến thức như vậy giúp mình tự tin hơn nhiều trong việc giao tiếp".

- “Có lần tôi và các bạn chơi bộ Kinh Lược của Ngũ Hành Games, bộ đó nói về khai phá miền Nam, cho đến khi chơi Kinh Lược, mới biết là ở miền Nam thì nhà cửa sẽ xây xung quanh bờ sông. Đó cũng là một nét văn hóa mà nhờ có chơi bộ board game đó mới biết, chứ bình thường cũng rất ít khi để ý”.

- “Ngoài việc là những bộ board game như vậy giúp chúng mình có thêm nhiều kiến thức văn hóa ra thì mình hy vọng rằng trò chơi này sẽ trở thành phương thức kết nối mọi người khi trực tiếp ngồi chơi với nhau, thay vì những buổi tụ tập mà mỗi người lại ngồi bấm một chiếc điện thoại".

Đánh giá về sự sáng tạo của thế hệ trẻ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội PGS. TS Bùi Hoài Sơn chia sẻ, những nỗ lực của các nhà sáng tạo trẻ trong việc nghiên cứu và sáng tạo đưa văn hóa Việt vào trong các sản phẩm giải trí sẽ mang lại nhiều giá trị quan trọng cho phát triển của ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.

Có thể thấy, board game không còn là trò chơi đơn thuần mà đã trở thành một kênh giao lưu văn hóa, góp phần đưa văn hóa, lịch sử đến gần hơn với thế hệ trẻ và quảng bá văn hóa, lịch sử Việt Nam đến bạn bè năm châu.