Trong giai đoạn hội nhập hiện nay, sự giao thoa về văn hóa góp phần làm phong phú đời sống tinh thần song cũng đặt ra nhiều thách thức. Đó là sự du nhập của những dạng thức văn hóa không phù hợp với truyền thống dân tộc, mà đối tượng dễ ảnh hưởng nhất là giới trẻ. Nhiều nhà nghiên cứu lo ngại là giới trẻ không mặn mà lắm với di sản văn hóa của dân tộc.

Anh Đặng Phan Điệp - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giải pháp phần mềm chuyên nghiệp Việt, một người trẻ rất tâm huyết với việc bảo tồn di sản văn hóa bằng công nghệ số cho rằng, sự lo ngại này là hoàn toàn có căn cứ, nhất là trong thời đại công nghệ hiện diện ở khắp mọi nơi, các nội dung, tương tác đều qua mạng xã hội, nếu như chúng ta không có cách tiếp cận khoa học, không có định hướng thì giới trẻ sẽ rất dễ dẽ dời xa di sản văn hóa của dân tộc.

Với bề dày truyền thống lịch sử văn hóa, Việt Nam có một số lượng vô cùng lớn các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Kho tàng đó là nguồn tài nguyên nhân văn quý giá để các thế hệ hôm nay kế thừa, khai thác, phát huy phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. Với anh Đặng Phan Điệp thì tình yêu với di sản cứ nhân dần lên khi anh ứng dụng vào số hóa di sản và bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc. Sáng tạo và dấn thân, đó là lợi thế của tuổi trẻ. Lợi thế ấy đã được rất nhiều người trẻ, trong đó có anh Đặng Phan Điệp phát huy một cách hiệu quả. Theo anh Đặng Phan Điệp, công việc số hóa này không chỉ giúp cho việc bảo tồn, lưu giữ các giá trị được tốt hơn mà đây còn là cách để lan tỏa tình yêu di sản văn hóa đối với các bạn trẻ.

Có thể nói di sản văn hóa của dân tộc mà cụ thể là những công trình kiến trúc, những làn điệu dân ca hay tín ngưỡng thờ cúng... đã ăn sâu vào trong tiềm thức của mỗi người dân đất Việt. Giới trẻ cũng vậy, dẫu văn hóa của các nước phương tây du nhập vào Việt Nam ngày càng nhiều nhưng không vì thế mà các bạn quên đi các di sản của dân tộc. Rất nhiều bạn trẻ mong muốn được góp sức mình trong việc bảo tồn những di sản đó. Anh Đặng Phan Điệp cho rằng: Hiện nay các nền tảng online, các video chia sẻ rất phổ biến và đơn giản thì đây là một thách thức nhưng nó cũng là một cách để quảng bá các giá trị di sản văn hóa hóa rất là tốt. Giới trẻ không hẳn là bàng quang mà cũng có rất nhiều bạn đam mê và hứng thú với di sản văn hóa của Việt Nam. Có không ít bạn đi du học ở nước ngoài về lĩnh vực kiến trúc, khi về nước cũng kết hợp với các bảo tàng, các triển lãm để đưa các di sản văn hóa dân tộc đến với công chúng. Các bạn có rất nhiều sự sáng tạo để đưa di sản đến gần với công chúng, có sự tâm huyết để giữ gìn và bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc.

Phát triển di sản bền vững phải dựa trên bảo tồn, bảo vệ và gắn kết với cộng đồng. Trong đó, đưa di sản tiếp cận giới trẻ đang là những hoạt động được đặc biệt chú ý, nhằm lan tỏa các giá trị đến thế hệ tương lai. Và không chỉ có Đặng Phan Điệp mà hiện nay có rất nhiều bạn trẻ đã có cách tiếp cận riêng để bảo tồn di sản văn hóa. Chính vì thế làm thế nào để thu hút sự quan tâm, yêu thích của giới trẻ với di sản văn hóa dân tộc đang là vấn đề được ngành văn hóa nói riêng, nước ta nói chung đặc biệt quan tâm.

Theo anh Đặng Phan Điệp, với nền văn hóa của Việt Nam và số lượng di sản văn hóa đồ sộ như vậy thì đây đã là một lợi thế. Mỗi di sản đều có những giá trị nhất định nhưng mình chưa đánh thức được nét đẹp đó, bởi vậy chúng ta phải sử dụng những phương thức làm sao để đưa di sản đến gần với công chúng, nhất là với các bạn trẻ. Đừng nghĩ rằng giới trẻ tiếp cận truyền thống theo cách rất hiện đại sẽ làm “biến dạng” di sản mà hãy để cho giới trẻ được thể hiện sự quan tâm và tình yêu với di sản văn hóa dân tộc theo cách của họ.

Sự kết hợp giữa những nét đẹp truyền thống và hiện đại được giới trẻ sáng tạo trong cuộc sống không chỉ khẳng định cá tính riêng của giới trẻ, mà còn cho mọi người thấy được: giới trẻ không hề lãng quên di sản văn hóa dân tộc. Những người trẻ - bằng tài năng, đam mê của mình đã và đang bảo tồn, phát huy các giá trị di sản theo cách rất riêng, rất đặc biệt, mà cũng rất cụ thể. Bảo tồn di sản chính là giữ gìn cội nguồn cho mai sau; và giới trẻ - với tư cách là người nối tiếp các thế hệ cha ông đã không đứng ngoài cuộc.