Việt Nam, ngoài những tiềm năng du lịch đã được khai thác như cảnh quan thiên nhiên, nghỉ dưỡng, ẩm thực, chữa bệnh... còn một tiềm năng ở tầm sâu hơn, hứa hẹn khả năng phát triển phong phú bội phần, đó là tiềm năng văn hóa sinh thái. Bởi loại hình này gắn bó sâu sắc với đời sống tinh thần của người Việt, với non nước hữu tình của dân tộc Việt, những hình thái nghệ thuật đã trở thành một phần không thể thiếu, có thể xem như linh hồn của người Việt.

Trong những năm gần đây, hoạt động du lịch văn hoá – sinh thái của Hoà Bình có những bước phát triển mạnh mẽ, khách du lịch ngày càng tăng. Đây đang trở thành xu hướng mới, vừa góp phần mở rộng kiến thức, vừa đem đến cho du khách những trải nghiệm thú vị, khác biệt tại mỗi điểm đến… Ông Lê Hồng Kiên, chủ không gian nhà vườn Bắc Bộ đậm sắc văn hoá truyền thống Việt, có tên là Nala Boutique Retreat, ở xã Hoà Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình cho biết: "Tiêu chí của một chuyến đi du lịch thì ngoài không khí sạch, ăn ngon, mình cũng phải tìm hiểu thêm được một cái gì đó, đấy chính là những cái truyền thống của dân tộc nghìn đời mình vẫn duy trì".

Những màn biểu diễn xẩm, ca trù, chèo thường gắn liền trong những tour du lịch nhằm khơi gợi cho du khách muốn tìm hiểu văn hóa truyền thống của dân tộc. Nghệ nhân hát xẩm Bùi Công Sơn chia sẻ: ngoài phục vụ các sân khấu, anh còn tham gia biểu diễn tại các điểm đến du lịch để mang văn hóa truyền thống giới thiệu tới du khách tham quan.

"Tôi mang văn hóa truyền thống đến giới thiệu cho du khách tham quan ở Nala. Bản thân mình luôn phải hướng tới những giá trị văn hóa của dân tộc mình. Đó cũng chính là lý do tôi theo đuổi hát xẩm. Qua đây, để lưu giữ, bảo tồn những làn điệu xẩm, những cái hay cái đẹp, tinh túy của một bộ môn nghệ thuật rất đặc biệt, nằm trong cái loại hình văn hóa phi vật thể của Việt Nam", nghệ nhân Xẩm Bùi Công Sơn bày tỏ.

Động Đá Bạc là một hang động đá hoàn toàn tự nhiên nằm trong lòng núi Pai Dáy hay núi Hang Beo của thôn Đá Bạc, xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình và cách thủ đô Hà Nội khoảng 40km. Động được phát hiện vào năm 1990 bởi một người dân đi lấy củi, với cửa động ban đầu chỉ là một khe nhỏ đủ cho một người đi lại nhưng sau đó đã được người dân địa phương mở rộng hơn, đồng thời lát gạch nền và lắp đặt hệ thống đèn sáng để du khách dễ đi lại.

Vào năm 2000, hang động Đá Bạc được xếp hạng là di tích thắng cảnh cấp Quốc gia và trở thành một trong những điểm đến hút khách bậc nhất tại Hòa Bình hiện nay.

Nằm ở dưới chân núi của huyện Lương Sơn (Hòa Bình), cây sanh cổ thụ hơn 800 năm tuổi phủ bóng cả một vùng của bản Suối Cốc. Đây là cây đầu tiên của tỉnh Hoà Bình được được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) công nhận là Cây di sản Việt Nam vào năm 2012. Đối với nhiều du khách đến với tỉnh Hòa Bình được tham quan Động Đá Bạc và cây di sản này cũng tạo nhiều dấu ấn tốt đẹp với địa phương.

Hiện nay, nhiều đơn vị lữ hành đã kết nối với mỗi địa phương tổ chức những tour tuyến du lịch nhằm giới thiệu những nét văn hóa của địa phương tới du khách khám phá những nét văn hóa truyền thống sẽ khiến du khách thấy chuyến đi của mình thêm phần ý nghĩa hơn, ngoài việc đi du lịch nghỉ dưỡng đơn thuần…

Chị Tống Hải Lý, đơn vị lữ hành AMZ Tour, Hà Nội cho biết: Du khách và con người Việt Nam, kể cả du khách nước ngoài khi về với thiên nhiên, về với cộng đồng làng văn hóa cội nguồn thì sẽ cảm thấy lắng đọng và đúng chất của du lịch là giới thiệu về văn hóa đất nước và con người Việt Nam.

Hiện nay Hoà Bình đã và đang phát triển du lịch dựa trên sự khai thác các yếu tố tài nguyên tự nhiên và tài nguyên nhân văn văn hóa; đồng thời bảo tồn văn hóa, thể hiện qua việc tôn trọng và tăng cường giá trị các di sản lịch sử, bản sắc văn hóa dân tộc truyền thống và những bản sắc đặc biệt của cộng đồng dân cư địa phương tại các điểm du lịch. Thông qua loại hình du lịch văn hoá truyền thống này sẽ ngày càng thu hút du khách trong và ngoài nước đến với Hoà Bình.