Hội chứng “kiệt sức” (burn out) đang dần trở nên phổ biến trong giới trẻ, biểu hiện dưới nhiều dạng thức khác nhau. Có thể hiểu đây là một dạng rối loạn quan trọng khi làm việc căng thẳng quá mức, dẫn tới trạng thái kiệt sức (thường là cảm xúc và tinh thần), từ đó dẫn tới nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng khác.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hội chứng kiệt sức là trạng thái kiệt quệ sức lực, cháy sạch năng lượng cả về thể chất và tinh thần do căng thẳng kéo dài mà không được kiểm soát tốt tại nơi làm việc.
Trong khảo sát của Anphabe (một trong những đơn vị trong lĩnh vực tuyển dụng việc làm tại Việt Nam) với gần 60.000 người đi làm, tại hơn 500 công ty trong năm 2022, có tới 42% người đi làm trong trạng thái mệt mỏi, chán nản với tần suất stress từ thường xuyên đến rất thường xuyên và dễ thúc đẩy xu hướng “nghỉ việc trong im lặng”.
Theo chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà, có nhiều nguyên nhân dẫn đến hội chứng “kiệt sức” ở giới trẻ và càng lo ngại hơn khi số lượng này cứ ngày một tăng. “Khi ở trong trạng thái kiệt sức thì con người ta khó mà cân bằng được và sẽ dẫn đến những căng thẳng kéo dài, lo âu, trầm cảm, không tập trung, không làm việc được. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến học tập hay công việc”. Chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà khuyến cáo.
Áp lực trong công việc, trong cuộc sống là điều mà hầu như ai cũng gặp phải. Tuy nhiên giới trẻ hiện đối mặt với áp lực không chỉ từ công việc mà còn từ mạng xã hội và các kỳ vọng xã hội. Chính vì thế nhiều bạn đặt ra những mục tiêu, những kỳ vọng vượt quá khả năng dẫn đến việc không có thời gian để chính bản thân nghỉ ngơi, thư giãn. Chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà cho rằng, không quá khi nói chính người trẻ đang tự “đốt” hết năng lượng của mình.
“Nhiều khi chính các bản trẻ tự mình gây áp lực nên các mục tiêu của các bạn đi theo không kéo được dài dẫn đến những căng thẳng và bị “sập”. Nhiều bạn chưa ý thức nhiều về vấn đề sức khỏe nên nhiều khi làm việc bất chấp thời gian, bất chấp đêm hôm, khiến các bạn trở nên kiệt sức thậm chí là mất phương hướng. Bởi vậy, quan trọng là các bạn xây dựng mục tiêu phù hợp với khả năng của bản thân, tạo được sự cân bằng về sức khỏe, có giờ giấc nghỉ ngơi phù hợp, tập thể dục thể thao... để tạo năng lượng tích cực” - Chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà lưu ý.
Các cụ xưa từng nói “Dục tốc bất đạt”, có nghĩa là nóng vội thì sẽ không đạt được thành công. Nói cách khác, làm gì cũng phải có kế hoạch cụ thể và tiến hành từng bước một cách chắc chắn, nếu đốt cháy giai đoạn dễ dẫn đến thất bại. Giới trẻ cần phải có kế hoạch làm việc, nghỉ ngơi để để có sự tự chủ trong công việc, không để công việc điều khiển mình.
Để làm được điều này thì mỗi một giai đoạn giới trẻ phải tìm ra được những bước đi phù hợp cho bản thân. Điều quan trọng là phải có chiến lược tạo ra sự cân bằng và chủ động phòng ngừa việc kiệt sức. Bởi khi đã kiệt sức thì sẽ rất dễ rơi vào tình trạng lo âu, trầm cảm. Và khi đó, vừa phải sử dụng thuốc để điều trị, vừa phải sử dụng liệu pháp về mặt tâm lý, không những mất tiền mà còn mất thời gian và ảnh hưởng tới hình ảnh bản thân.
Trong công việc, giới trẻ có ưu điểm là sự thông minh, sáng tạo và cá tính. Tuy nhiên, thế hệ này lại dễ rơi vào tình trạng sức cùng lực kiệt bởi những áp lực, kỳ vọng. Bên cạnh đó đây chưa được xem là một loại bệnh nên nhiều người đã xem nhẹ, lờ đi, không chủ động tìm đến sự hỗ trợ của các chuyên gia tâm lý hay bác sĩ trị liệu. Bởi vậy, gia đình cần có sự đồng hành, nhắc nhở, quan tâm để giới trẻ có những thói quen lành mạnh về sức khỏe. Quan trọng hơn cả là giúp các Gen Z trở nên vững vàng hơn khi đối mặt với những áp lực, khó khăn trong cuộc sống.
Xin mời nghe chương trình tại đây: