Ẩm thực cùng với phim ảnh là những yếu tố giúp quảng bá hình ảnh ngành du lịch của một nước, trong đó phim ảnh là phương tiện truyền tải. Với Việt Nam chúng ta lâu nay thì mặc dù ẩm thực luôn được quốc tế đánh giá cao và thường xuyên xuất hiện trên các bộ phim, song thực tế là phim ảnh chưa giúp nâng tầm ẩm thực, chưa tạo nên dấu ấn đáng nhớ, góp phần quảng bá và lan toả các món ngon của Việt Nam. Trong khi đây lại là cách mà nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang làm thành công.

Nhà báo Nick M. (tên thật Mai Như Ngọc) theo dõi mảng điện ảnh lâu năm và có nhiều kinh nghiệm trong các vấn đề liên quan đến nghệ thuật, văn hóa giải trí chia sẻ, đã từng có những bộ phim như “Mùi đu đủ xanh” hay “Mùa hè chiều thẳng đứng” (đạo diễn Trần Anh Hùng) đưa được yếu tố ẩm thực Việt Nam khá đậm nét nhưng đó đều là những bộ phim từ thập niên 90 và đầu những năm 2000. "Trong bộ phim “Mùi đu đủ xanh”, hình ảnh nhân vật nữ chính làm món nộm đu đủ rất tinh tế và đẹp mắt, một bộ phim Pháp làm về ẩm thực, văn hóa Việt Nam thu hút rất nhiều người xem và đã được đề cử Oscar vào năm 1992. Với “Mùa hè chiều thẳng đứng” cũng vậy. Ví dụ như hình ảnh nhân vật đi ăn bánh cuốn buổi sáng Hà Nội thì đó là một nét văn hóa rất đặc trưng...".

Tại Việt Nam, những bộ phim lấy ẩm thực làm "nhân vật chính" chỉ đếm trên đầu ngón tay, chưa kể các cảnh quay về món ăn thì hầu hết là hời hợt, mờ nhạt, thiếu điểm nhấn. Có lẽ sau bộ phim "Mùi ngò gai" (năm 2006) nói về phở, tạo được tiếng vang thì xem ra không có thêm một bộ phim nào gây nhiều ấn tượng nữa.

"Thực ra sau này cũng có một vài bộ phim nữa đưa câu chuyện về ẩm thực làm "nhân vật chính", trong đó tiêu biểu có bộ phim điện ảnh về phở là “Công phu phở” nhưng mà đúng là hoàn toàn không tạo được tiếng vang. Các góc quay không tạo được ấn tượng, chưa kể khi nói tới phở thường người ta hay nói tới phở miền Bắc thì trong bộ phim này lại là phở của khu vực miền Nam. Và khi mà xem xong thì mọi người hầu như không có chút ấn tượng gì về món phở trong phim cả. Hay các phim như "Gạo nếp gạo tẻ", hoặc “Bếp trưởng tới” chẳng hạn, thì ẩm thực Việt Nam được đưa vào phim chỉ như những lát cắt, chi tiết để bổ trợ cho câu chuyện tình cảm trong phim" - Nhà báo Nick M. bày tỏ.

Bên cạnh đó, cũng theo nhà báo Nick M., nếu nói về cách thức thể hiện trong ngôn ngữ điện ảnh thì đúng là phim Việt chưa tìm ra được cách kể chuyện để làm sao ẩm thực xuất hiện thật sự hài hòa, về câu chuyện, diễn xuất của các diễn viên cũng như cách đưa chi tiết giúp nâng tầm ẩm thực. "Ví dụ như với các bộ phim Hàn Quốc chúng ta có thể thấy là, thậm chí họ nâng tầm cả món mì gói của Hàn Quốc lên theo một cách rất đơn giản thôi, nhưng mà khán giả khi xem phim xong thì tự nhiên lại đổ xô đi tìm mua loại mì gói đấy. Thì đấy là cái mà tôi nghĩ Việt Nam chúng ta còn chưa làm được, trong khi nền ẩm thực của ta rất phong phú. Các nhà làm phim Việt gần như là chưa tìm ra được cách kể chuyện phù hợp, do đó chưa tạo được sức hấp dẫn đối với người xem".

Nhiều đạo diễn khi được hỏi đều cho rằng, Việt Nam không thiếu những câu chuyện ẩm thực hay, song sở dĩ chưa khai thác được triệt để là bởi một số những khó khăn mà các nhà làm phim gặp phải khi tiếp cận chủ đề này. Những cảnh quay về ẩm thực yêu cầu tương đối cao về mặt thẩm mỹ, kỹ thuật, các đúp quay thì cần phải thay đổi khác nhau, bên cạnh đó là những yêu cầu kỹ lưỡng trong khâu chuẩn bị và cả khi lên sóng.

"Để quay được ẩm thực làm sao cho đẹp thì đó là cả một câu chuyện đau đầu đối với các nhà sản xuất. Bởi vì đồ ăn, đặc biệt là những món ăn nóng khi mà được bưng ra thì nó sẽ có một thời gian nhất định để quay thôi và sau khoảng thời gian đấy nếu quay chưa xong thì chúng ta lại phải đổi ra món ăn mới. Và như vậy thì rất khó để giữ được đúng cái gốc đấy, không được thay đổi món ăn, món ăn phải đặt đúng vị trí đấy, miếng thịt là phải nằm ở đây, rồi miếng rau lại phải bên kia... liệu có đáng để bỏ thêm chi phí sản xuất cho những việc như vậy không? Thì đấy cũng là một vấn đề khi mà đưa ẩm thực lên phim ảnh". Nhà báo Nick M. phân tích.

Lý do chúng ta còn có quá ít phim về ẩm thực - như lý giải của những người trong cuộc, đó là do vấn đề kinh phí và kịch bản. Tuy nhiên, có thể thấy hiện nay thì hạn chế kinh phí không còn là rào cản quá lớn, nhiều bộ phim được đầu tư rất tốn kém nhưng nhà nhà sản xuất vẫn chấp nhận chi. Do đó, vấn đề còn lại là chúng ta đang thiếu kịch bản hay, có thể kết nối, lồng ghép các yếu tố ẩm thực vào câu chuyện phim một cách mượt mà, duyên dáng.

Để quảng bá văn hóa ẩm thực thì không thể chỉ trông chờ vào các nhà sản xuất phim tư nhân mà phía cơ quan quản lý cũng cần quan tâm và có chế độ đặt hàng, tài trợ để phát triển phim về đề tài này. Có như vậy các bộ phim về ẩm thực Việt mới có thể đến được với người xem và hấp dẫn người xem.

Trong chiến lược phát triển du lịch văn hóa Việt Nam, ẩm thực được xem là một nguồn tài nguyên hấp dẫn du khách, nhưng để quảng bá món ăn Việt thành công rất cần tầm nhìn xa với sự giúp sức của phương tiện truyền thông, trong đó có phim ảnh, loại hình nghe nhìn có sức hút rất lớn với công chúng. Tin rằng, thời gian tới, sẽ có những bộ phim Việt với những câu chuyện truyền cảm hứng mang tên "ẩm thực Việt".

Mời quý vị và các bạn nghe cuộc trao đổi của phóng viên VOV2 với nhà báo Nick M. tại đây: