Với người Dao ở bản Huổi Sâu, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, lửa được coi như là một vị thần linh thiêng, giúp mang lại cho đồng bào sự ấm áp. Nhảy lửa là một hoạt động mang đậm bản sắc, thể hiện sức mạnh phi thường của con người muốn chinh phục thiên nhiên, làm chủ cuộc sống. Đây cũng là một nghi lễ cúng Bàn Vương – thủy tổ dân tộc Dao.
Theo tín ngưỡng của người Dao đỏ, xa xưa, trong chuyến vượt biển tìm đường sinh sống của 12 họ Dao, khi nguy nan nhất mực, cận kề sóng to gió lớn của biển cả, người Dao trên chuyến thuyền bè đã cầu khấn Bàn Vương và tổ tiên phù hộ cho tai qua nạn khỏi, biến dữ thành lành và lời cầu nguyện đã linh ứng. Kể từ đó người Dao đỏ tổ chức Lễ nhảy lửa để thể hiện lòng biết ơn tổ tiên và Bàn Vương đã phù hộ độ trì cho tai qua nạn khỏi ngoài biển khơi, bảo vệ cuộc sống gia đình, dòng tộc, đồng thời cầu xin tổ tiên che chở cho gia đình, bản làng mạnh khỏe, làm ăn tấn tới.
Ngày nay lễ nhảy lửa hay còn gọi là Tết nhảy được tổ chức theo dòng họ. Ở bản Huổi Sâu, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên thì Tết nhảy được tổ chức 3 năm một lần. Ông Chảo Xiêng Tá người Dao ở bản Huổi Sâu cho biết, Tết nhảy được tổ chức trong dòng họ của mình, thường là ông trưởng họ tổ chức. Trước khi tổ chức lễ này thì phải mời anh em họ tộc đến để bàn bạc và chuẩn bị trước đó 1 tuần phân công mọi người các công việc sau đó mới tổ chức cái lễ này.
Lễ nhảy lửa thường được tổ chức vào khoảng thời gian từ mồng 1 đến 15 tháng Giêng âm lịch và diễn ra khoảng 3 ngày, 3 đêm có khi kéo dài hơn. Tết nhảy chỉ tổ chức tại không gian "nhà cái" nghĩa là nhà có ban thờ tổ. Theo ông Chảo Ú Loàng, bản Huổi Sâu, đây là một nghi lễ quan trọng nên được dòng họ chuẩn bị rất kỹ lưỡng, ai cũng muốn đóng góp, mỗi hộ một con gà và nếu dòng họ không có lợn thì góp tiền mua 1 con lợn.
Lễ vật dâng lên các vị thần linh và tiên tổ trong lễ nhảy lửa không thể thiếu là 1 con lợn to, 10 con gà trống, rượu, vải mộc màu trắng, đôi quẻ thẻ, đồng bạc, tiền làm bằng giấy bản, nến sáp ong, hương, trống chiêng… Tất cả các vật phẩm cúng được trưng bày trên một bàn gỗ dài. Một hoặc nhiều thầy cúng có thể tham dự buổi lễ. Mỗi người có những nhiệm vụ riêng của mình trong suốt quá trình diễn ra buổi lễ.
Ngoài những đồ dâng lễ, các gia đình cũng chuẩn bị những bộ trang phục truyền thống của dân tộc để tham gia nghi lễ. Đặc biệt, những chàng trai được trưởng họ chọn để tham gia nhảy lửa phải thực hiện kiêng kỵ rất kỹ. Ông Chảo Xiêng Tá cho biết, tham gia lễ nhảy lửa phải là những người con trai trong họ đã trải qua cấp sắc, phải cách ly vợ chồng, không ngủ chung trước đó 3 đêm và sau nhảy lửa 3 đêm nữa.
Khi lễ vật đã chuẩn bị đầy đủ, dưới sự chủ trì của thầy cúng chính, người cúng phụ sẽ bày mâm lễ dưới bàn thờ tổ tiên. Giờ tốt đến, thầy cúng chính thắp hương lên bàn thờ tổ tiên, mâm lễ rồi cầm quẻ âm dương gõ vào nhau và bắt đầu khấn mời các vị thần. Khi cúng mời thì mời Thần Lửa rồi mời Bàn Vương, mời Thiên Vương rồi mới đến tổ tiên của gia tộc. Khấn xong đủ 3 lượt, thầy cúng gieo quẻ âm dương xuống đất để biết các vị Thần Lửa, Bàn Vương, Thượng Đế, tổ tiên đã về với dân làng hay chưa. Sau đó tiếp tục khấn để thông báo nội dung nghi lễ mời các vị thần linh và đốt các tập giấy dó biểu trưng việc biếu vàng bạc với các vị thần linh.
Lễ nhảy lửa được tổ chức trên một khoảng sân rộng. Số người tham gia lễ nhảy lửa phải là số chẵn và phải từ 4 người trở lên. Bài cúng Thần Lửa được cất lên bằng những câu cầu cho cuộc sống bình yên, hạnh phúc, cầu mong mưa thuận, gió hoà, muôn nhà khoẻ mạnh và xua đuổi tà ma.
Bắt đầu vào buổi lễ, khi thầy cúng làm lễ cầu may cầu phúc cũng là lúc đống củi được đốt lên. Sau khi thầy cúng kết thúc nghi lễ cầu may, cầu phúc là lúc đống củi đã trở thành một đống than hồng rừng rực cháy. Những người được nhảy lửa đã ngồi hầu lễ từ đầu buổi lễ phía sau thầy cúng. Sau khi thầy cúng khấn xong, tốp người nhảy lửa tiến vào mâm lễ, mỗi người cầm một đôi quẻ âm dương gõ vào mâm lễ, thầy cúng phụ sẽ tung quẻ âm dương để xin phép Thần Lửa trước khi các thành viên vào nghi thức nhảy lửa. Khi thầy cúng gõ đàn và làm nghi lễ, những thanh niên tham gia nhảy lửa sẽ ngồi quanh thầy cúng và đây cũng chính là thời điểm quyết định những thanh niên này có tham gia nhảy lửa được hay không. Khi thầy cúng bắt đầu đọc tên của tất cả những người tham gia nhảy lửa, cơ thể của họ bắt đầu rung lên, thời điểm này báo hiệu họ sắp có sức mạnh và sự dũng cảm của thần linh ban cho để có thể nhảy vào những đám lửa đang độ nóng nhất.
Khi các chàng trai Dao trong đội tham gia nhảy lửa như được phù phép, trong phút thăng hoa xuất thần, họ từng người hoặc từng đôi một, nhảy bật lên bằng hai chân trần, có khi nhảy lò cò đi trên đống củi cháy rừng rực, hoa than bừng sáng phủ lên người. Họ như bị cuốn hút, lắc lư rất mạnh và thường nhảy lửa trong vòng 3-4 phút, sau đó tiếp tục nhảy lò cò về làm lễ tại bàn thờ trước khi trở lại bình thường. Điều kỳ lạ là chẳng ai bị bỏng chân tay hay cháy quần áo.
Lễ hội nhảy lửa độc đáo cũng có lẽ bởi tính kỳ bí của nó. Những thanh niên đã nhảy lửa luôn cho rằng sau khi “hầu lễ”, họ như được thế lực siêu nhiên truyền sức mạnh và dẫn lối. Họ khẳng định rằng trong suốt quá trình họ vẫn tỉnh táo và nhận thức được mọi vấn đề.
Nghi thức nhảy lửa kết thúc sẽ đến nghi thức trình diễn các điệu múa. Hai thầy cúng, một là chủ đám, một ông múa sẽ xuất hiện xuyên suốt trong các nghi thức này. Bởi đây cũng là một nghi thức rất quan trọng trong lễ nhảy lửa của người Dao đỏ. Có rất nhiều điệu múa truyền thống như múa phô diễn sức mạnh âm binh, múa tạ ơn, múa mẹt... Nghi lễ kết thúc bằng việc thầy cúng khấn cảm ơn ông bà, tổ tiên và các vị thần linh đã phù hộ cho gia đình, dòng họ, dân bản mọi sự tốt lành, bảo vệ cuộc sống được thanh bình, yên vui.
Lễ nhảy lửa là nét sinh hoạt văn hóa tinh thần độc đáo của đồng bào Dao đỏ, minh chứng cho sức mạnh trong quá trình lao động để chế ngự thiên nhiên. Đồng thời có ý nghĩa giáo dục lòng can đảm, đương đầu với khó khăn, thử thách của con người; chứa đựng niềm tin, hướng cộng đồng tới cái thiện, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau.
Với tín ngưỡng tâm linh, lễ hội nhảy lửa truyền thống của người Dao là một kho tàng văn hóa hết sức phong phú và độc đáo, chứa đựng những giá trị văn hóa tinh thần đậm nét nhân văn cần được phục dựng để bảo tồn, tôn tạo và làm “sống dậy” vẹn nguyên một nét đẹp văn hóa truyền thống và một nghi thức tâm linh độc đáo của cộng đồng dân tộc Dao.
Xin mời nghe nội dung bài viết tại đây: