“Ngày Văn hóa Lâm Đồng tại Hà Nội - năm 2025” là sự kiện văn hóa quan trọng, nhằm giới thiệu và quảng bá những nét đẹp đặc trưng về văn hóa, con người và du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng. Sự kiện mang đến cho du khách trong nước, quốc tế và người dân Thủ đô Hà Nội cơ hội khám phá tiềm năng, thế mạnh cùng những sản vật độc đáo của vùng đất cao nguyên.

Ông Đinh Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, Trưởng Ban tổ chức Ngày Văn hóa Lâm Đồng tại Hà Nội - năm 2025 cho biết, những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống luôn được tỉnh Lâm Đồng đặc biệt chú trọng.

Năm 2025, hoạt động quảng bá sẽ được đẩy mạnh và Hà Nội là một điểm dừng chân quan trọng trong việc giới thiệu những nét đặc sắc về văn hóa Lâm Đồng. Sự kiện được kỳ vọng góp phần lan tỏa thông điệp về giá trị của văn hóa và sức sáng tạo của con người Lâm Đồng - Đà Lạt với các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, các lễ hội và làng nghề tiêu biểu; nêu bật sự giao thoa giữa lịch sử của Lâm Đồng với những yếu tố hiện đại và đổi mới sáng tạo qua các thời kỳ.

“Ngày Văn hóa Lâm Đồng tại Hà Nội - năm 2025” sẽ có nhiều hoạt động như Diễn đàn kết nối “Văn hóa - Du lịch - Thương mại” tỉnh Lâm Đồng - Năm 2025; Trưng bày giới thiệu văn hóa du lịch, Di sản kiến trúc quy hoạch, sản phẩm OCOP, nông nghiệp; Chương trình Khai mạc kết hợp với biểu diễn nghệ thuật “Một thoáng Lâm Đồng tại Hà Nội”.

Ngoài ra, Chương trình sẽ tổ chức Triển lãm Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng - Đà Lạt; Trưng bày giới thiệu văn hóa, du lịch, sản vật của Lâm Đồng; Thực hiện không gian quảng bá, trưng bày triển lãm, giới thiệu tinh hoa văn hóa của địa phương; Không gian trà và trưng bày các sản phẩm trà…

Tỉnh Lâm Đồng hiện có 47 dân tộc anh em cùng sinh sống. Ngôn ngữ, phong tục tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo và sắc thái văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng. Qua đó đã hình thành nhiều loại hình du lịch hấp dẫn, như: du lịch văn hóa, lịch sử; du lịch lễ hội, du lịch sinh thái, cảnh quan...

Lâm Đồng là vùng đất của những phong tục đặc trưng như: lễ mừng lúa mới, lễ bỏ mả; tục bắt chồng... của đồng bào dân tộc thiểu số gốc Lâm Đồng; tạo nên bức tranh về đời sống văn hóa phong phú, đa dạng và độc đáo của các dân tộc thiểu số tại đây.

Bên cạnh đó, Lâm Đồng được biết đến là vùng đất có nhiều rừng núi, sông hồ và những thác nước hùng vĩ cùng Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể thế giới (năm 2005) và Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (năm 2008).

Thông qua sự kiện này, Đà Lạt - Lâm Đồng tiếp tục khẳng định là trung tâm du lịch chất lượng cao, điểm đến “An toàn, văn minh, thân thiện”; “Thành phố Festival Hoa của Việt Nam”; “Thành phố Sáng tạo về Âm nhạc của UNESCO” và “Thành phố Du lịch sạch ASEAN”.

Sự kiện cũng mở ra cơ hội để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước - đặc biệt tại Hà Nội - tìm hiểu, kết nối và mở rộng cơ hội đầu tư vào vùng đất giàu tiềm năng này.