Mạng xã hội tạo ra thế giới riêng cho mỗi người

Cứ sau bữa ăn tối, gia đình ông Phạm Văn Quang ở quận Long Biên, Hà Nội có thói quen cả nhà quây quần uống trà, xem thời sự trên tivi. Trước đây, những lúc thế này là dịp để gia đình nói những câu chuyện phiếm với nhau, nhưng vài năm qua, khi điện thoại thông minh và máy tính bảng trở nên phổ biến thì mỗi người cầm 1 chiếc điện thoại lướt lướt, bấm bấm. Cháu ông Quang đang học lớp 7, trước còn thích nói chuyện với ông bà, giờ có khi ông bà hỏi chẳng ngẩng mặt lên khỏi chiếc điện thoại, bảo “con đang inbox facebook với bạn con”.

“Mê vào mạng quá ảnh hưởng đến sự gắn kết của các thành viên trong gia đình. Cơm nước xong thì con 1 cái smartphone, bố 1 cái smartphone, mẹ 1 cái smartphone đắm chìm vào thế giới riêng của mình. Cho nên là kết nối truyền thống, tính cộng đồng trong gia đình Việt Nam truyền thống như xưa cũng bị ảnh hưởng. Kết nối giữa cha mẹ và con cái, vợ với chồng cũng bị giảm đi”. Ông Quang ngậm ngùi.

gia_dinh1_qnxs.jpg

Anh Lê Minh Tân ở quận Cầu Giấy, HN cũng chịu hoàn cảnh tương tự. Con anh đi học về là chui tọt vào phòng xem Tiktok, Youtube… Nhiều khi cháu úp tai nghe nhạc, đến bữa bố mẹ gọi xuống ăn cơm còn chả thấy thưa. Chỉ có cách là nhắn con trên Facebook hoặc Zalo thì cháu mới thưa. Điều này khiến anh Tân cảm thấy thực sự lo lắng: “Nhiều trẻ em bây giờ không còn muốn giao tiếp ngoài đời thực nữa mà chỉ chúi mũi vào facebook thôi, sống cuộc sống gọi là hơi ảo đó”.

Nghiện mạng xã hội, nghiện điện thoại thông minh là thực trạng không hiếm gặp trong các gia đình Việt hiện nay. Chị Phạm Ngọc Hân ở quận Đống Đa, HN phàn nàn vì chồng chơi với con mà thường xuyên vứt cho con máy tính bảng mở youtube lên xem hoạt hình, nghe nhạc; bố thì lướt mạng tán gẫu với bạn bè. “Chồng tôi đưa vợ đi mua sắm mà cắm mặt vào điện thoại lướt facebook. Đi làm về ăn cơm xong là chồng đeo tai nghe, chơi điện thoại đến lúc ngủ. Hai vợ chồng đi uống cà phê, chồng cũng bấm điện thoại. Đi ăn đêm, lúc chờ đồ ăn ra, chồng cũng bấm luôn”.

Theo họa sỹ tranh biếm họa Hoàng Dự, nghiện mạng xã hội và điện thoại thông minh là một căn bệnh của xã hội hiện đại. Ông đã nhiều lần cảnh báo tác hại của điều này qua các tác phẩm tranh của mình, nhưng dường như chưa đủ mà tình trạng này ngày càng trở nên nặng hơn: “Nhều khi vì chỉ chúi mũi vào cái điện thoại mà người ta gọi là buôn dưa lê ấy, cứ động tí là giở điện thoại ra xem. Trong các gia đình, trên tàu điện, tàu hỏa cũng mở điện thoại xem hết, thậm chí bên cạnh có người bị cướp đoạt mà không ai biết vì cứ mải nhìn điện thoại thôi".

Nghiện mạng xã hội và hệ quả khôn lường với gia đình

Khoa học đã chỉ ra những hậu quả khôn lường của việc nghiện facebook và các mạng xã hội. Về mặt sức khỏe, sử dụng mạng xã hội trong một thời gian dài dẫn đến suy giảm các hoạt động sống bình thường của cơ thể do việc sử dụng thường vào những thời điểm nghỉ ngơi như bữa ăn, giờ nghỉ trưa, giờ đi ngủ...

Vừa lướt mạng vừa ăn sẽ làm xáo trộn nhịp sinh học, phá vỡ các cơ chế điều hòa thể dịch, nội tiết của bản thân dẫn đến khó tiêu hóa, khó hấp thu, đầy bụng, chán ăn, ăn không ngon miệng, dễ gây đau dạ dày – đại tràng. Còn nếu sử dụng vào khung giờ ngủ sẽ dẫn đến hay mệt mỏi, khó ngủ, hay thức khuya, ngủ không sâu giấc, dễ thức giấc… Những rối loạn này do nhận phải tác động từ những thông tin tiêu cực trên mạng xã hội như bình luận “ném đá”, chửi bới, chỉ trích, cãi nhau…

images2329384_2a.jpg

Theo nhà xã hội học Ngô Hương Giang, việc quá lạm dụng mạng xã hội khiến con người dễ bỏ qua các giá trị khác như giá trị tình thân, giá trị gia đình: "Trước đây trong xã hội truyền thống khi chưa có sự bùng nổ của mạng xã hội, hầu hết những câu chuyện đều thông qua đối thoại trực tiếp. Giờ đây nói chuyện trực tiếp dường như khó hơn. Theo tôi đây là một cảnh báo về tác hại của xã hội hiện đại tới chúng ta".

Việc cần làm của mỗi người bây giờ là, cần phân định rõ mạng xã hội chỉ là một trong nhiều kênh tham khảo thông tin chứ không nên xem đó là môi trường sống. Cần biết sắp xếp, cân bằng thời gian hợp lí giữa cuộc sống thực và "cuộc sống ảo" trên mạng xã hội, tổ chức những chuyến đi chơi, những dịp để các thành viên trong gia đình giao lưu, trò chuyện cùng nhau, tương tác trực tiếp để thấu hiểu nhau hơn.

"Một xã hội dù văn minh đến đâu cũng đều có những giá trị cơ bản không bao giờ thay đổi được", nhà xã hội học Ngô Hương Giang phân tích. "Đó là mối quan hệ tình thân giữa con người với con người, là sự đối thoại thông hiểu lẫn nhau. Nếu thiếu những điều này thì con người sẽ bị rô-bốt hóa, và đó không phải một xã hội lành mạnh nữa".

Làm thế nào cai nghiện mạng xã hội?

Cai mạng xã hội không dễ, bởi chúng có cơ chế gây nghiện được những chuyên gia tâm thần học và kỹ sư hàng đầu thế giới nghiên cứu thiết kế. Nhưng thực tế là đã có rất nhiều người cai nghiện được mạng xã hội và những người này chia sẻ rằng cuộc sống của họ trở nên vui vẻ và hài hòa hơn rất nhiều. “Tôi cảm thấy hạnh phúc hơn rất nhiều. Tôi không còn phải quan tâm xem ai bình luận gì hay comment gì về trang phục hay ngoại hình của tôi nữa. Thực tế là có những điều người ta chỉ nói ra trên facebook nhưng lại không hề dám nói khi đối diện với tôi. Bớt dùng mạng xã hội khiến tôi bớt lo âu, bi quan và tiêu cực hơn nhiều”.

img_20200627071527.jpg

Chuyên gia truyền thông xã hội, TS Phạm Hải Chung thì cho rằng, thế giới đang thay đổi, kỷ nguyên số là điều tất yếu không thể cưỡng lại. Nhưng chính vì vậy nên con người cũng phải thích nghi, và một trong những kỹ năng cần thiết đó là làm sao cân bằng hài hòa giữa cuộc sống số và cuộc sống thực ngoài đời: “Chúng ta cần dành nhiều thời gian hơn cho nhau, không điện thoại, không internet, ngắt tất cả kết nối… tham gia các hoạt động thể thao hay nói chuyện trực tiếp với nhau. Tất cả những điều đó sẽ giúp chúng ta có sự kết nối, hỗ trợ, chúng ta biết đang phải đối mặt với cái gì”.

Mời nghe âm thanh tại đây: