Tiếp nối thành công của cuộc thi “Gia đình đọc sách-gắn kết yêu thương” năm 2019, năm nay Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng Hội Người mù Việt Nam tổ chức cuộc thi “Đọc và tự học suốt đời theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Đây là cuộc thi dành riêng cho người khiếm thị, không giới hạn độ tuổi, trình độ học vấn và nghề nghiệp, nhằm tạo nên sân chơi, diễn đàn cho người khiếm thị trên cả nước có cơ hội được trao đổi, học hỏi, chia sẻ những kinh nghiệm về vai trò của việc đọc và học tập suốt đời. Thông qua cuộc thi giúp người khiếm thị nâng cao khả năng tư duy, sáng tạo trong phát triển trí tuệ, tâm hồn, nhân cách và tiếp thêm động lực cho những người không may bị khuyết tật thị giác vượt qua khó khăn, nghịch cảnh để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.
Chỉ sau chưa đầy 2 tháng phát động (trong tháng 8 và tháng 9/2020), Ban Tổ chức đã nhận được hàng trăm bài dự thi của của các thí sinh khiếm thị từ mọi miền của Tổ quốc. Hình thức các bài dự thi khá đa dạng có khi là bài viết được đánh máy, có khi dưới dạng chữ nổi, clip hoặc dạng âm thanh. Bà Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ Trưởng Vụ Thư viện, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi cho biết: “Qua thống kê cho thấy thành phần dự thi khá phong phú từ những học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường đến những người cao tuổi. Nhiều bài dự thi gây xúc động mạnh, khiến Ban tổ chức không cầm được nước mắt... Một cuộc thi có thể nói là thành công trên nhiều phương diện".
So với cuộc thi trước, các bài dự thi năm nay được được đầu tư công phu. Từ những chia sẻ của các thí sinh có thể thấy, dù có những khó khăn vô vàn khi mất đi thị lực nhưng nhiều người khiếm thị vẫn vượt qua nghịch cảnh thực hiện khát vọng đọc và tự học suốt đời theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, thu nạp và nối dài tri thức. Ban Tổ chức đã trao: 01 giải nhất, 02 giải Nhì, 06 giải Ba và 41 giải Khuyến khích. Tuy nhiên theo bạn Phạm Thị Huế, hội viên Hội người mù tỉnh Bắc Ninh, phần thưởng lớn nhất với nhiều thí sinh không chỉ là giải thưởng mà các bạn còn thu nhận những bài học, là hành trang để người khiếm thị vững bước trên những chặng đường tiếp theo trong cuộc sống của mình.
Không chỉ mang lại cho thí sinh những cảm xúc đặc biệt, những bài học sâu sắc, từ cuộc thi còn gợi mở cho các thí sinh những dự định tốt đẹp cho tương lai, cho cộng đồng. Điều đáng trân quý nữa là thông qua cuộc thi này nhiều người được biết đến kênh “Cùng bạn đọc sách” trên youtube. Một kênh thông tin với nhiều kiến thức bổ ích, ở các lĩnh vực khác nhau: từ những kiến thức đại cương đến các kỹ năng sống cũng như những kinh nghiệm, phương pháp về việc đọc sách, nghe sách nói. Nhiều thí sinh đã khẳng định Kênh “Cùng bạn đọc sách” đã cho họ có thêm niềm vui và những kiến thức vô cùng quý giá và sẵn sàng chung tay đóng góp clip cho Kênh.
Cuộc thi đã đạt những thành công trên nhiều phương diện, tuy nhiên theo bà Đinh Việt Anh, Phó chủ tịch Hội Người mù Việt Nam, cũng còn đó những băn khoăn trăn trở về việc tạo điều kiện thuận lợi cho người khiếm thị ở nước ta: “Do đặc trưng dạng tật của mình nên người khiếm thị không thể đọc được sách báo in thông thường và vẫn còn thiếu các kỹ năng, phương tiện để tiếp cận thông tin tri thức. Do vậy cùng với sự nỗ lực của cấp Hội và ngành thư viện tôi mong rằng các cấp các ngành các nhà hảo tâm và toàn xã hội đồng hành để việc đọc và tự học của người khiếm thị ngày càng thuận lợi, giúp cho người khiếm thị đẩy mạnh nâng cao dân trí phát triển trí tuệ hòa nhập cộng đồng và thực hiện học tập suốt đời".
Cuộc thi “Đọc và tự học theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh” đã kết thúc nhưng nhiều hoạt động vẫn được tiếp tục tạo nên sân chơi, diễn đàn cho người khiếm thị trên cả nước có cơ hội được trao đổi, học hỏi, chia sẻ những kinh nghiệm về việc đọc và học tập suốt đời để nâng cao khả năng tư duy, sáng tạo trong phát triển trí tuệ và tiếp thêm động lực cho những người không may bị khuyết tật thị giác.
Cuộc thi thực sự là một nấc thang nối dài tri thức cho những người khiếm thị.