Tại lễ ký kết, ông Nguyễn Trùng Khánh - Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết, những năm qua, ngành du lịch đã nỗ lực đạt được những thành tựu, kết quả vượt bậc, đưa Việt Nam trở thành điểm đến yêu thích của du khách trong nước và quốc tế. Có được kết quả này không chỉ là sự cố gắng phấn đấu của riêng ngành du lịch mà còn nhờ sự phối hợp, hỗ trợ của các cấp, các ngành, nhất là ngành Giao thông vận tải, trong đó có Đường sắt Việt Nam với vai trò không chỉ là phương tiện vận chuyển an toàn, tiện lợi mà còn góp phần làm đa dạng các loại hình sản phẩm du lịch. Hệ thống đường sắt giúp kết nối các địa phương, điểm đến trên khắp cả nước, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách khám phá vẻ đẹp của từng vùng miền. Đây chính là yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển du lịch các địa phương, gắn kết các điểm đến và tạo ra những sản phẩm du lịch liên tuyến, liên vùng hấp dẫn, đa dạng.
"Với việc ký kết Biên bản Ghi nhớ Hợp tác hôm nay, chúng ta đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ của du lịch đường sắt. Tôi kỳ vọng rằng, thông qua sự hợp tác chặt chẽ này, chúng ta sẽ khai thác hiệu quả tiềm năng to lớn của hệ thống đường sắt, không chỉ giúp gia tăng lượng khách du lịch mà còn nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo ra những sản phẩm, dịch vụ du lịch mới mẻ và hấp dẫn kết hợp với hệ thống vận tải đường sắt dọc theo chiều dài đất nước", ông Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh.
Thông tin về tình hình tổ chức vận tải hành khách của ngành đường sắt, ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty đường sắt Việt Nam cho biết: Mạng lưới đường sắt quốc gia hiện nay có tổng chiều dài 3.158 km, đi qua 34 tỉnh, thành phố và đang được khai thác tại 303 ga, trạm, trong đó có 2.644 km đường chính tuyến và 514 km đường ga, đường nhánh. Mỗi ki-lô-mét đường tàu và mỗi sân ga đều mang trong mình rất nhiều giá trị lịch sử, văn hóa có thể khai thác phục vụ khách du lịch.
"Năm 2024 chứng kiến xu hướng bùng nổ trong việc lựa chọn đường sắt là phương tiện để đi du lịch. Với lợi thế này, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam mong muốn biến hành trình đi tàu của hành khách là một trải nghiệm, là một phần của chuyến du lịch. Đặc biệt, chúng tôi luôn chú trọng đến việc phục vụ phân khúc khách du lịch trong và ngoài nước, hàng loạt các sản phẩm mới hướng đến phục vụ khách du lịch như: tàu chất lượng cao SE19-20; SE20-21; Tàu kết nối di sản Huế - Đà Nẵng; Tàu đêm Đà Lạt - Trại Mát; Tàu Food tour Hà Nội - Hải Phòng... đã được nhân dân và khách du lịch đón nhận. Chúng tôi cũng đã tổ chức các hoạt động văn hóa, ẩm thực, nghệ thuật tại các nhà ga để biến nhà ga thành “điểm đến” cho nhân dân và hành khách".
Chia sẻ tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong đánh giá cao sự hợp tác giữa hai ngành để mở ra nhiều cơ hội mới, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững.
"Đây là một minh chứng rõ ràng cho sự phối hợp hiệu quả giữa hai bên, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước. Bản ghi nhớ sẽ là nền tảng căn bản cho những nội dung hợp tác quan trọng giữa hai bên, từ việc phát triển các sản phẩm du lịch đường sắt, nâng cao chất lượng dịch vụ đến việc thực hiện các chiến dịch quảng bá, truyền thông và đặc biệt là ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số. Những nội dung này không chỉ nhằm mục đích thu hút thêm du khách mà còn nâng cao trải nghiệm, giúp du khách có những hành trình thú vị và đáng nhớ khi lựa chọn phương tiện đường sắt".
Thứ trưởng Hồ An Phong cũng đề nghị Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tập trung thực hiện một số nội dung để nâng cao hiệu quả của hợp tác như: Đẩy mạnh công tác truyền thông và quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam và dịch vụ đường sắt; Ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm của du khách nhằm tạo sự thuận tiện và an toàn tối đa; Phối hợp chặt chẽ với các địa phương và doanh nghiệp du lịch để xây dựng các sản phẩm du lịch mới, độc đáo và hấp dẫn, đồng thời phát triển các chương trình kích cầu du lịch hiệu quả; Thường xuyên rà soát, đánh giá và điều chỉnh kế hoạch hợp tác để phù hợp với tình hình thực tế và nhu cầu của du khách và người dân...
Nhân dịp này, Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) chính thức ra mắt video clip quảng bá du lịch đường sắt. Video clip là sản phẩm nằm trong chương trình truyền thông “Việt Nam: Đi Để Yêu!” và cũng nhằm triển khai Chương trình hợp tác giữa Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam để đẩy mạnh khai thác loại hình du lịch đường sắt, tạo đột phá cho hệ thống các sản phẩm du lịch mới. Qua đó, vừa nâng cao chất lượng dịch vụ đường sắt, vừa mang lại lựa chọn và trải nghiệm độc đáo cho du khách.
Xuyên suốt 3 phút 30 giây, video clip chứa đựng những cảnh quay ngoạn mục đầy mãn nhãn về hành trình xuyên Việt trên cung đường sắt từ Bắc vào Nam, kết nối các thành phố lớn, các điểm du lịch nổi tiếng của quốc gia. Không đơn thuần là phương tiện vận chuyển hành khách, những chuyến tàu hỏa chuyên chở giờ đây ngày càng hiện đại, chất lượng cao, dịch vụ chuyên nghiệp, đội ngũ nhân viên chu đáo, tận tình; mang đến các sản phẩm du lịch độc đáo kết hợp các hoạt động giải trí, giao lưu, biểu diễn nghệ thuật hấp dẫn, ẩm thực đặc sắc…
Không phải ngẫu nhiên mà những tuyến đường sắt của Việt Nam nhiều lần được báo chí quốc tế không ngừng ca ngợi. Tạp chí du lịch nổi tiếng Lonely Planet đã bình chọn tuyến đường sắt Bắc - Nam của Việt Nam là cung đường du lịch đường sắt ngoạn mục nhất thế giới. Trải nghiệm du lịch bằng tàu hỏa, du khách sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng những điều kỳ diệu của thiên nhiên, văn hóa, đất nước và con người Việt Nam.