Diễn ra từ ngày 17-20/4/2025 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, chương trình “Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam” năm nay sẽ có sự tham gia của hơn 300 đồng bào thuộc 54 thành phần dân tộc của 63 tỉnh, thành phố. Cùng với đó là các nghệ nhân, đồng bào thuộc 16 dân tộc đang hoạt động hàng ngày tại Làng.

Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm nay sẽ có điểm nhấn là các hoạt động trình diễn giới thiệu di sản, văn hóa địa phương. Trong đó, nổi bật là chương trình "Sắc màu văn hóa dân tộc Khmer Sóc Trăng" tái hiện Tết Chôl Chnăm Thmây của dân tộc Khmer; không gian âm nhạc truyền thống và giới thiệu quảng bá du lịch, triển lãm hình ảnh của tỉnh Sóc Trăng.

Điểm nhấn thứ hai là không gian văn hóa "Sắc màu cao nguyên Đắk Lắk" tái hiện Lễ cúng trưởng thành của dân tộc Ê Đê tỉnh Đắk Lắk; giới thiệu các nhạc cụ truyền thống: cồng chiêng, chiêng tre, ching cram... và biểu diễn các tiết mục dân ca dân vũ như hát Aray, dân ca, các ca khúc về Tây Nguyên, múa xoang... Cùng với đó là không gian trình diễn cà phê Tây Nguyên được tổ chức tại Làng dân tộc Ê Đê, Khu các làng dân tộc II, tái hiện không gian trình diễn cà phê truyền thống của đồng bào…

“Sắc màu văn hóa vùng cao xứ Thanh qua không gian văn hóa dân tộc Thổ, tỉnh Thanh Hóa” với việc tái hiện “Lễ mừng cơm mới của dân tộc Thổ” tại làng dân tộc Thổ, Khu các làng dân tộc I cũng sẽ hứa hẹn là hoạt động hấp dẫn thu hút sự quan tâm của du khách trong dịp này.

Ngoài ra, chương trình giao lưu “Sắc màu vùng cao” với các tiết mục hòa tấu nhạc cụ truyền thống, các bài hát dân ca, dân vũ, dân nhạc, trình diễn giới thiệu các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống của dân tộc Thổ xứ Thanh, giao lưu và dân ca dân vũ với chủ đề “Hoa xứ Mường” của đồng bào Mường tỉnh Hoà Bình và chương trình giới thiệu ẩm thực dân tộc, văn hoá du lịch của dân tộc Cơ Tu tại Làng… cũng sẽ hòa nhịp để sắc màu các dân tộc hội tụ và tỏa sáng.

Sự kiện thêm một lần nữa khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với vai trò trách nhiệm của nghệ nhân, đồng bào các dân tộc thiểu số có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, chủ thể văn hóa trong việc xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Ngày hội còn là dịp để đồng bào các dân tộc được gặp gỡ giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống, góp phần bảo tồn, gìn giữ, tôn vinh và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc nhằm thắt chặt tình đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc, xây dựng và phát triển đời sống văn hóa lành mạnh, tiến bộ.