1. Inception (Kẻ Đánh Cắp Giấc Mơ)

Inception là “cú nổ phòng vé” mà Christopher Nolan mang đến cho khán giả vào năm 2010. Tác phẩm này là một trong những kiệt tác của điện ảnh và vẫn còn nguyên dấu ấn cho dù đã 11 năm trôi qua.

Bộ phim xoay quanh câu chuyện của Dom Cobb (Leonardo Di Caprio), một kẻ chuyên đánh cắp tin mật của người khác bằng cách thâm nhập vào giấc mơ của họ. Trong một lần thực hiện phi vụ, Dom đã gặp được một doanh nhân người Nhật – Saito (Ken Wanatabe). Thực hiện phi vụ xâm nhập vào giấc mơ của Robert Fischer, gieo một ý tưởng phá hoại công ty của cha vào đầu của Robert. Nếu Dom thực hiện được nhiệm vụ bất khả thi này, Saito sẽ giúp anh làm lại cuộc đời.

Sau khi ra mắt, Inception thành công cả về mặt phê bình lẫn thương mại. Nội dung không quá rối trí người xem nhưng là đủ khiến khán giả phải tập trung trong suốt 148 phút, đi theo từng tầng giấc mơ với các nhân vật. Bộ phim đã mang về doanh thu hơn 800 triệu USD trên toàn thế giới.

Với âm nhạc được đảm nhận bởi Hans Zimmer cùng kỹ xảo “tái hiện giấc mơ” xuất sắc, Inception đã giành 4 giải Oscar cho "Quay phim xuất sắc nhất", "Biên tập âm thanh xuất sắc nhất", "Hòa âm hay nhất" và "Hiệu ứng hình ảnh xuất sắc nhất".

Bộ phim đã giúp tên tuổi của Leonardo Di Caprio lên một tầm cao mới. Những diễn viên tham gia bộ phim đều bứt phá thành những diễn viên hạng A của Hollywood gồm Joseph Gordon Levitt, Elliot Page, Tom Hardy, Cillian Murphy...

2. TENET

“Đừng cố hiểu, hãy cảm nhận” là những gì Christopher Nolan muốn nhắn nhủ khán giả trước khi xem Tenet.

Tenet là câu chuyện nói về một điệp viên CIA với biệt danh The Protagonist (John David Washington) được một tổ chức bí mật chiêu mộ cho nhiệm vụ giải cứu thế giới thoát khỏi Ngày tận thế. Cộng sự của anh trong nhiệm vụ lần này là Neil (Robert Pattinson) – một điệp viên bí ẩn. Họ có nhiệm vụ tìm đến đến những tên buôn vũ khí nguy hiểm nhất thế giới, trong đó có trùm buôn vũ khí Sator (Kenneth Branagh) và cô vợ Kat (Elizabeth Debicki) nhằm khám phá ra nguồn gốc của thế giới vật chất có thể bị nghịch đảo.

Tenet không phải là một bộ phim thuần giải trí vì mạch phim nhanh, lồng ghép rất nhiều thông tin khoa học. Điều này khiến khán giả phải ra rạp lần 2, lần 3 để thực sự hiểu rõ thế giới Tenet đang vận hành. Ấn tượng nhất của Tenet là về mặt hình ảnh, kỹ xảo tái hiện lại thế giới nghịch đảo với phần âm nhạc của Hans Zimmer. Điều này cũng mang lại cho Tenet một giải Oscar cho hạng mục "Hiệu ứng hình ảnh xuất sắc nhất".

3. Memento (Kẻ Mất Trí Nhớ)

Memento được đạo diễn Christopher Nolan phát triển kịch bản dựa trên truyện ngắn "Memento Mori" của em trai ông là Jonathan Nolan. Bộ phim xoay quanh hành trình của Leonard Shelby (Guy Pearce) – một bệnh nhân bị mất trí nhớ ngắn hạn – trả thù cho cái chết của vợ mình.

Những tưởng câu chuyện sẽ đơn giản như vậy nhưng thực ra đằng sau là một câu chuyện hoàn toàn khác. Phim có cốt truyện được kể theo hai hướng: một câu chuyện trắng đen và một câu chuyện màu được chiếu theo lối "giật ngược" từng đoạn ngược chiều thời gian. Và thời điểm hai câu chuyện trùng nhau là lúc hé mở sự thật. Với sự logic và chặt chẽ của Christopher Nolan, tác phẩm này trở thành một kiệt tác vào những năm 2000.

Giới phê bình đặc biệt khen ngợi cách kể chuyện "giật lùi từng đoạn" độc đáo của phim cũng như cách bố trí những đoạn hồi ức, nhận thức và tâm lý đau khổ của nhân vật. Memento đã thành công về doanh thu phòng vé thời điểm đó và nhận được nhiều giải thưởng, trong đó có 2 đề cử Oscar ở hạng mục "Kịch bản gốc xuất sắc nhất" và "Biên tập phim xuất sắc nhất".

4. The Matrix (tựa Việt: Ma Trận)

The Matrix nổi lên như một hiện tượng phòng vé vào cuối thế kỷ XX và trở thành biểu tượng văn hóa điện ảnh bên cạnh những cái tên như Star Wars, The Terminator. Tác phẩm của bộ đôi đạo diễn nhà Wachowski chính là bệ phóng đưa tên tuổi của nam tài tử Keanu Reeves nổi danh khắp Hollywood.

Bộ phim xoay quanh một lập trình viên tên Thomas A. Anderson (Keanu Reeves) làm việc trong một công ty phần mềm. Ngoài việc là một nhân viên văn phòng, Thomas còn là một hacker với biệt danh Neo và thường đột nhập vào các hệ thống an ninh mạng. Một lần nọ, anh gặp gỡ một nhóm hacker bí ẩn. Họ thường giới thiệu với anh về thuật ngữ "Ma Trận". Một người phụ nữ tên Trinity (Carrie-Anne Moss) gặp anh và hứa rằng Morpheus (Laurence Fishburne), thủ lĩnh của nhóm này có thể giải thích ý nghĩa của thuật ngữ đó. Trải qua nhiều sự kiện, anh phát hiện ra sự thật kinh hoàng - cuộc sống mà anh đang sống là sự lừa dối, và cả nhân loại đang bị chi phối bởi một trí tuệ nhân tạo độc ác.

The Matrix mang đến một khái niệm hiệu ứng hình ảnh mới mang tên "bullet time" (viên đạn thời gian), ảnh hưởng đến các bộ phim hành động sau này. Bộ phim ra mắt phần đầu tiên vào năm 1999 và tạo nên cơn sốt phòng vé với tổng doanh thu 465,3 triệu USD, giành được 4 tượng vàng Oscar; hình ảnh hai viên thuốc màu xanh – đỏ trở thành biểu tượng văn hóa đại chúng.

Sau thành công của phần 1, hai phần tiếp theo là The Matrix Reloaded và The Matrix Revolutions lần lượt đổ bộ phòng vé vào năm 2003. Qua ba phần phim ấn tượng, thương hiệu The Matrix đã mang về 2,4 tỷ USD toàn cầu.

Sắp trở lại màn ảnh rộng sau gần 18 năm vắng bóng, phần 4 của loạt phim này được công bố tên chính thức là The Matrix: Resurrections (tựa Việt: Ma Trận: Hồi Sinh) cùng với hình ảnh đầu tiên về thế giới Ma Trận. Sự quay trở lại của thương hiệu đình đám và kinh điển của Hollywood và màn tái xuất của nam tài tử Keanu Reeves được kỳ vọng sẽ bùng nổ tại phòng vé vào dịp cuối năm này.