Nhà Hậu Lê là triều đại lớn trong lịch sử Việt Nam, mặc dù quyền bính thăng trầm không dứt nhưng triều đại này có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước và để lại dấu ấn sâu đậm trong xã hội trên mọi phương diện. Tiêu biểu nhất trong số đó phải kể đến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, đánh đuổi quân xâm lược nhà Minh ra khỏi bờ cõi.

Theo nhà sử học Lê Văn Lan thì đây là triều đại từ tay trắng dựng lên nghiệp lớn, “mở triều đình ở nơi rừng rậm, phá quân giặc bằng gậy tầm vông”. Lê Lợi lên ngôi sau khi đưa nước Đại Việt thoát khỏi nô lệ, tù đày thì đặt cơ sở vững chắc cho nền độc lập lâu dài của dân tộc bằng cách: ấn định luật lệnh, chế tác lễ nhạc, mở khoa thi, đặt cấm vệ, xây dựng quan chức, thành lập phủ huyện, thu thập sách vở, mở mang trường học... Có thể gọi là mưu kế xa rộng mở mang cơ nghiệp.

Ngay sau khi lên ngôi, Lê Thái Tổ đã đổi quốc hiệu từ Giao Chỉ tồn tại dưới thời nhà Minh trở thành Đại Việt, đổi kinh thành Thăng Long trở thành Đông Kinh. Hệ thống chính quyền phong kiến ngay từ thời đầu của Lê Lợi đã chi phối khá chặt chẽ xuống tận xã. Tất cả hệ thống chính quyền ấy đều tập trung quyền hành vào tay triều đình trung ương, đứng đầu triều đình là vua.

PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ, nguyên Phó Viện trưởng Viện Sử học cho rằng, mặc dù Lê Lợi chỉ ở ngôi 6 năm nhưng ông là người xây dựng nền tảng ban đầu từ việc kiện toàn bộ máy, từ việc kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng hệ thống quan chế, quan chức, pháp luật... Và quan trọng nhất là ông đưa ra rất nhiều biện pháp về kinh tế, khôi phục, phục hồi sản xuất nông nghiệp, ban bố ruộng đất bằng chính sách quân điền và nhiều chính sách khác để tạo nên một cơ sở kinh tế vững chắc cho quốc gia Đại Việt.

Bộ máy chính quyền thời hậu Lê cơ bản theo thời Trần. Tuy nhiên đã cho thấy một bước tiến về mức độ tập trung chính quyền. Ngoài việc cải cách bộ máy hành chính, các vị vua nhà Hậu Lê cũng đều là những người đề cao tư tưởng trọng nông, chú trọng khai hoang phục hóa, cải tạo sông ngòi phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tiểu thủ công nghiệp phát triển với nhiều làng nghề nức tiếng như: dầu gai Bất Bạt, gốm Bát Tràng, (Hà Nội), gốm Chu Đậu ( Hải Dương)... 36 phố phường Hà Nội cũng được hình thành ở triệu đại này. Hậu Lê cũng là triều đại cho đúc nhiều tiền nhất với 40 loại mang niên hiệu của các đời vua, trong đó cho đúc nhiều nhất là thời vua Lê Hiển Tông.

"Những chính sách về tiền tệ, nông nghiệp, tiểu thủ đông nghiệp đã từng bước ổn định đời sống cho người dân sau 20 năm dưới ách độ hộ của nhà Minh. Đó chính là những điều cốt yếu cho sự phát triển kinh tế ở thời Lê, đồng thời đưa đến nhiều kết quả làm cho thời cuộc, thế sự và đặc biệt là đời sống kinh tế xã hội của nhân dân được bình ổn, thịnh vượng và phát triển", nhà sử học Lê Văn Lan cho biết.

Có thể nói, các vị vua đầu triều hậu Lê, nhất là thời kỳ Lê sơ đã tiến hành công cuộc đổi mới đất nước một cách toàn diện. Đặc biệt trong đó phải nói đến việc cải cách pháp luật. Dưới thời vua Lê Thánh Tông, vào năm 1483, nhà vua đã sai các triều thần sưu tập tất cả các điều luật, pháp lệnh đã ban bố và thi hành trong các triều vua thời Lê sơ, xây dựng thành một bộ pháp điển gọi chung là Lê Triều hình luật. Đây được xem là một bộ luật tương đối hoàn chỉnh, còn được gọi là bộ luật Hồng Đức hay bộ luật thời Lê.

Có thể nói, ngay từ khi mới lên ngôi, vị vua đầu triều Hậu Lê đã xác định nhiệm vụ quan trọng của đất nước là giữ vững biên cương, mở mang bờ cõi. Điều này đã được thể hiện rất rõ trong thời kỳ Lê Thánh Tông trị vì đất nước, vào năm Hồng Đức thứ 21 - 1490, ông đã cho ban hành tập bản đồ thiên hạ, thường được gọi là bản đồ Hồng Đức. Ngoài việc xác lập chủ quyền lãnh thổ thì thời kỳ hậu Lê cũng đã có những chính sách ngoại giao rất kịp thời với nhà Minh để ổn định bờ cõi.

"Thời kỳ hậu Lê chính là giai đoạn đỉnh cao của lòng tự tôn dân tộc, giữ vững và mở mang lãnh thổ. Điều này được thể hiện rất rõ dưới thời vua Lê Thánh Tông, một vị vua đã đưa ra nhiều chính sách và quan điểm về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ có giá trị cho đến ngày nay. Lê Thanh Tông là người rất coi trọng chủ quyền độc lập chủ quyền của quốc gia. Năm 1473 ông có nói một câu rất nổi tiếng “Một tấc đất, một thước sông của tổ tiên để lại không được đem làm mồi nhử cho giặc. Nếu kẻ nào đem một thước núi một tấc sông cho giặc thì kẻ đó sẽ bị chu di". Và rõ ràng trong suốt thời Lê, quá trình đấu tranh ngoại giao để giữ vững độc lập của mình thì còn đấu tranh để giữ vững biên cương của đất nước. Và chúng ta thấy rằng sự phát triển của Đại Việt đã đạt đến đỉnh cao", PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ khẳng định.

Có thể nói, nước Đại Việt dưới thời hậu Lê đã đạt được nhiều thành tựu rực rỡ và mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực. Nhiều dấu ấn của nhà hậu Lê trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, ngoại giao… vẫn trường tồn cùng với thời gian, có ảnh hưởng lớn đến quá trình dựng nước, giữ nước và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.

Xin mời nghe bài viết tại đây: