Tháng 6 này, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) sẽ diễn ra các hoạt động với chủ đề “Truyền thống văn hóa gia đình các dân tộc Việt Nam”, nhằm hưởng ứng tháng “Truyền thống văn hóa gia đình các dân tộc Việt Nam” và chào mừng Ngày Gia đình Việt Nam 28/6.
Hoạt động có sự tham gia của gần 100 đồng bào từ 16 dân tộc Nùng, Tày, Mông, Dao, Mường, Lào, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer với sự tham gia của 11 địa phương như Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Thừa Thiên Huế, Kon Tum, Gia Lai, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Sóc Trăng.
Các sự kiện tập trung nhấn mạnh ngày hội văn hóa gia đình các dân tộc. Theo đó, đại diện các dân tộc ở cả 3 miền đất nước cùng hòa mình trong các hoạt động giao lưu thể thao, rèn luyện sức khoẻ, nâng cao ý nghĩa của ý chí, tinh thần tập thể, đoàn kết, từ đó thắt chặt mối thân tình, gắn kết gia đình.
Điểm nhấn đáng chú ý là chương trình giới thiệu văn hoá truyền thống “Sắc màu văn hoá dân tộc Giẻ Triêng tỉnh Kon Tum”. Trong đó tái hiện Lễ cưới của đồng bào dân tộc Giẻ Triêng tỉnh Kon Tum mà nét đặc sắc nhất là những bó củi hứa hôn là lễ vật cô gái mang về nhà chồng. Sau phần chứng kiến nghi thức cưới theo phong tục truyền thống của dân tộc Giẻ Triêng là các hoạt động giới thiệu văn hóa truyền thống như múa xoang, cồng chiêng, các nghề thủ công truyền thống dệt vải… và ẩm thực độc đáo.
Bên cạnh đó là chương trình dân ca dân vũ “Mừng vui ngày hội gia đình” của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, giới thiệu sắc màu văn hoá của dân tộc Giẻ Triêng tỉnh Kon Tum qua việc tổ chức biểu diễn khoảng hơn 10 các tiết mục văn nghệ, loại hình trình diễn, diễn xướng dân gian của dân tộc Giẻ Triêng tỉnh Kon Tum thể hiện vẻ đẹp về con người, mảnh đất nơi đây.
Cũng trong tháng 6 này, tại Làng VHDL các DTVN còn có hoạt động trưng bày, giới thiệu ảnh “Khoảnh khắc sum vầy” với 30 ảnh phản ánh những nét đẹp trong đời sống sinh hoạt văn hóa của các gia đình trên khắp vùng miền, đất nước. Trong đó phản ánh đậm nét về gia đình truyền thống, văn hóa truyền thống, tình yêu thương, sự hòa thuận đầm ấm, tình tương thân tương ái trong cộng đồng; nét đẹp trong lễ cưới, lễ hội, nét đẹp nơi văn hóa trong cộng đồng…Những câu chuyện về tình mẫu tử, sự gắn bó giản dị và thiêng liêng của các bà các mẹ trên những bản làng, buôn, sóc xa xôi… nơi rẻo cao cho đến nơi đồng bằng…
Ngoài ra, du khách còn được trải nghiệm trò chơi dân gian như: đánh chắt chơi chuyền, chơi ô ăn quan, cờ ca rô, chơi rối tre… tham gia chương trình giao lưu “Em nhớ Tây Nguyên”, thưởng thức và hòa cùng các di sản văn hóa Tây Nguyên như cồng chiêng, vòng xoang... chương trình du lịch trải nghiệm, giới thiệu làm bánh, gói bánh phục vụ du khách; hoạt động cầu an, chúc phúc tại các không gian tâm linh chùa Khmer, tháp Chăm…
Các hoạt động trong tháng 6 này thêm một dịp nữa giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào. Qua đó tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, sự cố kết cộng đồng cũng như sự gắn bó của mỗi thành viên trong gia đình, nhằm tôn vinh giá trị truyền thống nhân văn sâu sắc của Gia đình Việt Nam, khuyến khích động viên các gia đình hướng tới xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc góp phần xây dựng và hoàn thiện “hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị gia đình và hệ giá trị con người Việt Nam trong tình hình mới”.