Đội ngũ già làng, trưởng bản, nghệ nhân, những người có uy tín có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, đóng góp trong các phong trào thi đua yêu nước, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn bản sắc văn hóa và đoàn kết các dân tộc.
Nhờ vốn hiểu biết về văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán dân tộc và có ảnh hưởng trong dòng họ, dân tộc và cộng đồng dân cư, nên họ có khả năng quy tụ, tập hợp đồng bào dân tộc thiểu số trong phạm vi nhất định bằng lời nói, qua việc làm, được người dân trong cộng đồng tín nhiệm, tin tưởng, nghe và làm theo. Họ chính là nhịp cầu nối gắn kết giữa ý Đảng - lòng dân và là trung tâm của khối đại đoàn kết các dân tộc trong cộng đồng dân cư, là “điểm tựa của mọi điểm tựa”, là những cây đại thụ tỏa bóng mát cho đời.
Những năm qua tuyến biên giới Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên được bảo vệ vững chắc bởi sự góp sức của cộng đồng người dân tộc Hà Nhì nơi đây. Trong đó phải nhắc đến vai trò của đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín, những tấm gương, ngọn lửa sáng soi đường cho cộng đồng dân tộc Hà Nhì nơi biên giới. Trong đó đảng viên Lỳ Xuyến Phù là tấm gương tiêu biểu.
Mốc biên giới giao điểm 3 nước Việt Nam-Lào-Trung Quốc được xây dựng từ năm 2005. Đường lên mốc giới “1 con gà gáy cả 3 nước cùng nghe” này không còn xa lạ với ông Lý Xuyến Phù bởi với 65 tuổi nhưng ông Phù đã có hơn 40 năm đồng hành cùng Bộ đội Biên phòng tuần tra, bảo vệ đường biên mốc giới của Tổ quốc. Xã Sín Thầu có 40,5km đường biên giới quốc gia với 16 cột mốc, tất cả đều đã in dấu chân của già làng Lỳ Xuyến Phù.
Thấm nhuần tinh thần yêu nước, gia đình ông là một trong những hộ tiêu biểu của xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé ký kết tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc với chính quyền địa phương và lực lượng bộ đội biên phòng. Cứ định kỳ vào ngày đầu tiên của tháng, ông lại dành thời gian tham gia cùng với các tổ tuần tra của Đồn Biên phòng A Pa Chải đi kiểm tra bảo vệ đường biên, cột mốc.
Không chỉ làm một mình, với vai trò là người có uy tín trong cộng đồng, hàng tháng, hàng quý ông Phù lại phân công bảo vệ đường biên cột mốc đã đăng ký. Theo đó bà con hiểu được vai trò, ý nghĩa của mốc biên giới để cùng nhau bảo vệ với trách nhiệm cao nhất.
Với những đóng góp tích cực cho đồng bào biên giới, năm 2016, già làng Lỳ Xuyến Phù vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen "Vì sự nghiệp xây dựng chủ quyền bảo vệ Tổ quốc"; Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong tham gia thực hiện Ngày Biên phòng toàn dân, giai đoạn 2009 - 2019.
Cũng như đảng viên Lý Xuyền Phù, già làng Siu Bình ở làng Sơn, xã Ia Nan, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai cũng luôn thấm nhuần lời dạy của Bác. Hơn 10 năm được bầu làm già làng, ông Siu Bình đã thầm lặng đóng góp cho sự đổi thay của ngôi làng này bằng chính những việc làm cụ thể, thiết thực.
Làng Sơn là ngôi làng của những người J’rai bản địa. Trước đây, trong điều kiện cơ sở hạ tầng chưa phát triển, giao lưu giữa vùng nội địa với biên giới còn hạn chế, thì việc người dân phải đối mặt với những “quốc nạn” như mù chữ thất học, mê tín dị đoan, kinh tế kém phát triển là điều khó tránh khỏi. Già làng Siu Bình chính là người tiên phong phát triển kinh tế, với 1 ha cà phê, hơn 2 ha cao su, 1 ha điều. Bởi theo ông, để bà con làm theo, tin nghe theo thì bản thân mình phải thể hiện tinh thần gương mẫu đi đầu.
Hơn 70 tuổi, nhưng bước chân của già Siu Bình vẫn thoăn thoắt, in dấu trên từng mảnh đất của làng Sơn. Ông đến từng nhà, ra tận rẫy động viên bà con, nhất là những gia đình nghèo mạnh dạn học hỏi, áp dụng những cách làm hay, những mô hình kinh tế hiệu quả để cải thiện cuộc sống. Bằng kinh nghiệm thực tế, ông chủ động hướng dẫn, phổ biến kỹ thuật trồng cà phê, cao su cho một số hộ dân trong làng. “Mưa dầm thấm lâu” và “cầm tay chỉ việc” là hai cách làm mà suốt 10 năm qua ông đã áp dụng để từng bước giúp người dân. Không chỉ có thế, từ những mâu thuẫn nhỏ trong cộng đồng, đến việc vận động nhân dân không nghe theo kẻ xấu, giữ vững an ninh trật tự vùng biên, vụ việc phức tạp nào cũng nhờ già Siu Bình giải quyết thấu tình đạt lý.
Không chỉ gương mẫu trong phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, nhiều người có uy tín còn quan tâm bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống đồng bào địa phương, gắn phát triển du lịch cộng đồng, nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho người dân.
Huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế là nơi có nhiều di tích lịch sử văn hóa, cách mạng tiêu biểu cùng nhiều giá trị văn hóa độc đáo. Đặc biệt, vùng đất này hội tụ nhiều sắc màu văn hóa của đồng bào các dân tộc Pa Cô, Cơ Tu, Tà Ôi, Bru- Vân Kiều… Lễ hội của người Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu… ở vùng cao A Lưới luôn sôi động những lời ca, điệu múa, tiếng cồng, tiếng chiêng. Đây được xem là bản sắc văn hóa đặc sắc của người dân vùng cao tỉnh Thừa Thiên - Huế vẫn còn được lưu truyền nguyên bản đến ngày nay nhờ đội ngũ nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng, trong đó nổi bật là nghệ nhân khèn Hồ Pa Cô A Ting, xã Hồng Bắc, huyện A Lưới.
Nhờ có những người tâm huyết nên đến nay, các lễ hội truyền thống của đồng bào A Lưới như: Ariêu Caar, Ariêu Piing , Ariêu Aza được khôi phục, phục dựng khá nguyên vẹn. Các thể loại dân ca, dân vũ, nhạc cụ của các dân tộc thiểu số được sưu tầm, bảo tồn, phát huy. Các nghệ nhân, người có uy tín đã và đang góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đồng bào các dân tộc, giúp lớp trẻ thêm yêu mến, trân trọng, lưu giữ, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Họ là những cây đại thụ tỏa bóng mát cho đời, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Nhận thức rõ vị thế, vai trò của những người có uy tín, trong những năm qua Đảng và Nhà nước ta đã ban hành và thực hiện nhiều chế độ chính sách nhằm khuyến khích, động viên họ phát huy tinh thần vì cộng đồng, xây dựng cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc.
Tuy nhiên, theo TS Bàn Tuấn Năng, Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, bên cạnh những kết quả đạt được đáng ghi nhận, việc triển khai thực hiện các chế độ, chính sách đối với người có uy tín cũng còn một số tồn tại, bất cập cần sớm được khắc phục. Để phát huy hiệu quả hơn nữa, đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng vẫn rất cần được quan tâm, khuyến khích nhiều hơn nữa để cùng sát cánh đưa miền núi phát triển.
Xin mời nghe bài viết tại đây: