PV: Xin chào anh Hoàng Trí Công. Anh vừa trở về sau hành trình gần 1 tháng tác nghiệp tại World Cup 2022 ở Qatar. Ấn tượng lớn nhất về quốc gia Ả Rập này để lại cho anh là gì?

Trí Công: Khi đặt chân đến Qatar, hình ảnh đầu tiên tôi nhìn thấy là một người đàn ông mặc áo Ả Rập trắng, trên đầu đội chiếc mũ keffyeh. Họ rất thân thiện, hướng dẫn nhập cảnh rất nhanh bằng một thứ tiếng Anh cực chuẩn. Trước khi đến Qatar tôi cũng tìm hiểu và biết rằng, bên cạnh tiếng Ả Rập thì người Qatar nói tiếng Anh rất tốt nhưng khi tiếp xúc trực tiếp tôi vẫn bất ngờ vì sự thân thiện và khả năng sử dụng ngôn ngữ quốc tế của họ rất ổn.

Hôm sau, tôi đến Đại sứ quán Việt Nam ở Qatar hỏi thêm thì được biết là, ở đây đàn ông sẽ mặc trang phục toàn trắng còn phụ nữ thì mặc trang phục toàn màu đen (thậm chí họ còn phải đeo khăn voan che mặt). Ở Qatar có những ưu tiên nhất định với cư dân bản địa mặc trang phục này, ví dụ như khi đến ngân hàng hay một số dịch vụ công những người mặc trang phục truyền thống như thế sẽ có hàng riêng để đứng, được ưu tiên xếp chỗ trước hoặc phục vụ trước.

Ấn tượng tiếp theo là ở khu vực tàu điện. Thực tế thì tàu điện ở Qatar mùa World Cup cũng khá cởi mở cho khách quốc tế, nhưng theo như tôi tìm hiểu từ nhân viên nhà ga thì họ có những khoang riêng dành cho Hoàng Gia, khoang riêng dành cho các gia đình, khoang riêng dành cho đàn ông và những khoang riêng cho phụ nữ. Nghĩa là ở đây chúng ta sẽ nhìn thấy rất rõ ranh giới giữa “trắng” và “đen”, giữa đàn ông và phụ nữ kiểu “nam nữ thụ thụ bất thân”. Kể cả các trường học cũng có những trường dành riêng cho con trái và con gái.

Một điểm nữa khiến tôi thích thú ở Qatar là kiến trúc của họ. Qatar rất giàu có và phát triển nhờ dầu mỏ, họ có một khu vực rất hiện đại là City Centre. Nhưng họ vẫn giữ được cảnh quan truyền thống của Qatar với những khu nhà thấp tầng được xây bằng gạch, vữa và cát, họ vẫn giữ được nét kiến trúc rất Ả Rập ở khu chợ Souq Waqif.

z3979847478982_4b159d9d1578859ff64c23f2b47b4ccb.jpg

Khi tôi đến Bảo tàng Quốc gia Qatar họ tổ chức trưng bày rất lớp lang. Chúng ta sẽ biết được lịch sử của một quốc gia đi lên từ nghề mò ngọc trai. Ngọc trai giúp họ sinh tồn, nhưng cũng khiến họ phải đánh đổi bằng không ít sinh mạng. Họ sẵn sàng kể chuyện chân thực bằng những clip vô cùng sinh động. Đến một khu khác họ lại kể những câu chuyện về quá trình phát triển quốc gia, trang phục, cách ăn uống như thế nào, công cụ sản xuất ra sao. Hay ở một túp lều truyền thống của người Qatar họ cũng phân chia rất rõ từng khu vực: nếu khách đến, đàn ông tiếp khách ngồi ở khu vực nào, phụ nữ sẽ không được ở gần khu đó. Nói chung, ấn tượng lớn nhất với tôi là luật lệ ở Qatar tương đối hà khắc trong việc tiếp xúc giữa nam và nữ. Nhưng đó là câu chuyện và văn hóa của họ.

PV: Vậy từ kinh nghiệm của cá nhân anh, anh thấy người Việt Nam chúng ta khi đến một quốc gia với văn hóa rất khác biệt như Qatar sẽ phải chú ý những gì?

Trí Công: Trước khi đi Qatar tôi được một người bên đó dặn là nên mang nhiều quần dài, ra đường hạn chế mặc quần short (hạn chế thôi vì thực ra mùa du lịch World Cup này thì khách du lịch mặc quần short là điều bình thường). Cả chuyến đi tôi chỉ mặc quần short ra đường đúng 2 lần, còn lại mặc quần dài 100%. Không phải vì thời tiết nắng nóng quá nên mình mặc quần dài để che nắng đâu, mà là vì tôi tôn trọng quy định và văn hóa của họ, điều đó giúp tôi có thể nói chuyện với họ một cách thân thiện và gần gũi hơn.

Thực ra ở Qatar không phải lúc nào bạn cũng có thể tiếp xúc với người Qatar bản địa, vì đây là đất nước 85% dân số là người nhập cư, họ đến từ rất nhiều nơi trên thế giới và du nhập nhiều nét văn hóa khác nhau. Tuy nhiên với người Ả Rập, họ đặc biệt ghét việc bạn chụp ảnh họ, dù là vô tình hay cố ý! Một lần khi đi tàu, tôi quay clip tác nghiệp và vô tình vướng hình ảnh một phụ nữ mặc áo đen đeo khăn voan. Họ lập tức yêu cầu tôi xóa clip! Họ bảo “anh đã xin phép tôi chưa mà quay?”. Tôi trả lời lại là, thực sự tôi không chủ định quay, nếu chủ định tôi sẽ hỏi trước. Nhưng khi bắt khung hình vô tình lọt hình chị ý vào. Nhưng chị đó vẫn yêu cầu xóa luôn!

Một lần khác khi tôi dẫn hiện trường ở sân Al Bayt thì một gia đình Ả Rập đi qua. Người phụ nữ trong gia đình đó lập tức yêu cầu tôi xóa clip đang quay đi. Nhiều lúc cũng rất bức xúc vì tôi đang dựng máy nói thì chị ý đi trúng vào khuôn hình của tôi, chứ tôi không chủ định quay gia đình chị ấy, nhưng họ vẫn bắt xóa! Nhưng đó là quy định của họ và tôi đành chấp nhận quay lại. Thôi thì, mình ở đất nước bạn thì “nhập gia tùy tục”, họ có những quy định như thế mình phải tôn trọng.

PV: Ngoài những câu chuyện đó thì qua các phương tiện truyền thông, chúng ta thấy hình ảnh một đất nước Qatar đẹp đẽ, giàu có; một đất nước vẫn mang hồn cốt Ả Rập nhưng có diện mạo rất hiện đại của một thế giới hào nhoáng, phù hoa. Anh có ấn tượng như thế nào về cảnh quan của Qatar?

Trí Công: Nếu các bạn search Google sẽ thấy diện tích Qatar chỉ gấp 3 lần Hà Nội thôi, ngoài ra sa mạc cũng chiếm phần lớn diện tích Qatar. Thủ đô Doha là những gì tinh túy nhất của quốc gia này, tất cả những công trình đẹp đẽ nhất đều tập trung ở đây.

Tôi đã đến một nơi gần chợ Souq Waqif gọi là Corniche. Nếu ai đến Qatar thì nên đến Corniche bởi nơi đây được xem như diện mạo của Qatar, bạn có thể thấy quá khứ - hiện tại – tương lai, những gì tinh tuy nhất của đất nước đều hội tụ ở khu vực này. Để đến Corniche bạn buộc phải đi qua chợ truyền thống Souq Waqif, nơi có những tòa nhà 2 tầng kiểu cũ với tường vôi xù xì và những con đường đá tượng trưng cho một Qatar của quá khứ nghèo khó trước đây.

Sau đó chúng ta sẽ đến một khu vịnh với những con tàu phục vụ khách du lịch, tuy nhiên nó cũng gợi đến quá khứ đi biển của người dân Qatar. Rồi có một tượng ngọc trai lớn cho thấy trước kia người dân Qatar từng sinh sống bằng nghề mò ngọc trai.

Đi quá hết khu vực tượng trưng cho “quá khứ” chúng ta sẽ đến với khu vực “tương lai” gọi là City Centre, ngăn cách với nhau bởi một bờ biển, muốn đi qua phải đi bằng tàu. Khu vực “tương lai” quy tụ toàn những tòa nhà chọc trời vô cùng hiện đại, làm toàn bằng kính, trông chẳng khác gì New York (Mỹ). Trong dịp World Cup vừa qua, mỗi tòa nhà sẽ trưng bày hình ảnh một cầu thủ bằng đen led, tỏa sáng cả ngày lẫn đêm.

Tôi cũng rất ấn tượng với một khu khác của thành phố gọi là Doha Down Town, nó giống như các khu phố đi bộ ở Hà Nội và Tp.HCM vậy. Nơi đó quy tụ những cửa hàng của các thương hiệu lớn: trang sức, thời trang, đồ công nghệ, xa xỉ phẩm... Ở đó cũng có một khu vực bán đồ ăn, thậm chí tôi còn gặp một thương hiệu trà sữa trân châu rất nổi tiếng ở Việt Nam cũng có cửa hàng ở khu vực Down Town này. Tuy nhiên thì giá cả rất đắt đỏ. Một cốc trà sữa ở Việt Nam có giá 70.000 đồng thì cùng thương hiệu đó ở đây giá bán lên tới 300.000 đồng.

PV: Nói về ẩm thực, anh có thể chia sẻ vài điều về ẩm thực ở Qatar không? Một quốc gia đạo Hồi thì chúng ta đều biết là họ chỉ ăn thịt bò, thịt gà và không ăn thịt lợn, nhưng về cách chế biến các món ăn thì như thế nào? Và ở Qatar có tìm thấy quán ăn Việt Nam nào không?

Trí Công: Ở Qatar có duy nhất một quán phở Việt Nam, đó là quán mà bất cứ người Việt nào tôi gặp ở Qatar cũng đều biết. Khi đến đó ăn thì tôi hỏi họ sang đây lâu chưa? Họ bảo đây là mùa World Cup, khách du lịch đổ về nhiều nên mới sang Qatar làm việc thôi, còn bình thường họ sống ở Dubai vì ở đó nhiều nghề hơn và mức sống cũng dễ chịu hơn. Qatar trông có vẻ hào nhoáng như vậy nhưng chỉ mùa này thôi. Còn khi hết World Cup, trả về một đất nước Qatar bình thường thì tương đối đìu hiu, họ sẽ lại trở về Dubai để kiếm tiền.

Ẩm thực ở Qatar thì các quán tôi đã đi qua cơ bản do những người Bangladesh và Ấn Độ sang làm nên đồ ăn rất cay. Một điều nữa là gạo của họ là gạo dài chứ không phải như gạo chúng ta hay ăn ở Việt Nam. Tôi đã mua thử gạo đó về khách sạn nấu thì phải cho lượng nước gấp 3 lần so với gạo Việt Nam thì cơm mới dẻo. Đồ ăn ở các quán Qatar tôi thấy cũng nhạt hơn so với ở ta. Một số nơi tôi cũng thấy người ta ăn bốc. Nói chung về cơ bản thì đồ ăn Qatar không hợp lắm với chúng tôi nên anh em phóng viên Việt Nam thường mua đồ về tự nấu, hoặc ăn ở quán Thái Lan tương đối hợp khẩu vị so với các quán ăn bản địa.

PV: Bên cạnh sự giàu sang và hào nhoáng của Qatar thì chúng ta cũng thấy có sự đối lập giữa cuộc sống của tầng lớp người giàu với đội ngũ những công nhân tay nghề thấp, những lao động giản đơn (mà thực ra chính họ là những người góp công xây dựng nên những công trình kiến trúc và sân vận động phục vụ World Cup). Anh có dịp tiếp xúc với những người như thế chưa? Anh cảm nhận thế nào về cuộc sống của họ?

Trí Công: Qatar là quốc gia có GDP hàng đầu thế giới. Nhưng khi đến đất nước này thì người đầu tiên tôi tiếp xúc lại là một lái xe taxi đến từ Bangladesh với mức thu nhập quy đổi ra tiền Việt là khoảng 15 triệu đồng/ tháng; người thứ hai là một anh phụ trách một cửa hàng nhỏ ở ga tàu Al Saad thu nhập 30 triệu đồng/ tháng, nhưng anh ấy chỉ tiết kiệm được mỗi tháng 10 triệu do mức chi tiêu ở Qatar quá đắt đỏ. Để có mức sống rẻ hơn, anh ấy phải thuê nhà ở Al Khor (một khu vực rất xa cách trung tâm Doha 30 km).

Khi tôi chuyển địa điểm khách sạn từ khu vực Bin Mahmoud đến gần ga tàu MC Ript (một khu vực có khá nhiều lao động nhập cư từ Bangladesh và Ấn Độ) thì tôi mới được chứng kiến và thấy rằng cuộc sống của họ rất khổ. Có những người ngủ ngoài đường hoặc trong những căn nhà bỏ hoang, đang xây dựng dang dở. Họ không đủ tiền mua vé xem World Cup nên phải xem qua màn hình tivi một cửa hàng. Ăn uống cũng rất dè xẻn. Hầu hết họ có mức thu nhập khoảng 20 triệu đồng, ở một đất nước như Qatar là quá thấp.

Một lần tôi đi qua khu Corniche gặp một chú người Ấn Độ tầm 60 tuổi, tay chú da tróc hết vì vôi vữa xi măng, nhìn mắt chú rất đăm chiêu. Tôi có hỏi thì chú bảo đã sang Qatar 20 năm với hy vọng có thể giúp gia đình thoát nghèo. Nhưng chú bảo đến giờ chú thất bại, chỉ có thể làm việc để sống qua ngày chứ đừng nói đến chuyện gửi một khoản tiền đủ lớn về Ấn Độ để nuôi gia đình.

Có thể thấy khoảng cách giàu nghèo là rất lớn ở Qatar qua hình ảnh những công nhân ngủ tạm bợ trong những ngôi nhà hoang, những người chụm đầu xem bóng đá qua cửa kính có một màn hình tivi nho nhỏ đối lập với giới siêu giàu quý tộc đi những chiếc xe siêu sang đồng bộ nối từng hàng dài vào những sân vận động nguy nga để xem World Cup. Đó là hình ảnh rất khác biệt mà tôi nhớ mãi!.

PV: Xin cảm ơn anh Hoàng Trí Công về những chia sẻ vừa rồi!