Năm 2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Đề án phát triển một số mô hình sản phẩm du lịch đêm tại 12 tỉnh, thành phố nhằm thu hút du khách, góp phần đưa du lịch đêm trở thành sản phẩm chủ đạo để phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam.

Mục tiêu đến năm 2025, thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM sẽ hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt. Tuy nhiên để phát triển du lịch đêm cần có thêm các cơ chế, chính sách và quy hoạch phù hợp để doanh nghiệp có căn cứ pháp lý khai thác và thu hút du khách.

Bên hành lang kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu cho rằng với điều kiện tự nhiên, khí hậu và thời tiết của Việt Nam, du lịch đêm là một hướng đi đúng đắn để phát triển du lịch.

Đại biểu Bùi Hoài Sơn, đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng sản phẩm du lịch đêm còn đơn điệu, chưa có nhiều sản phẩm đa dạng, đặc sắc để thu hút và giữ chân du khách: “Kinh tế đêm vô cùng quan trọng vì du khách đa phần sử dụng thời gian chi tiêu của mình vào ban đêm. Chính vì thế, các quốc gia trên thế giới đều tập trung phát triển kinh tế đêm, du lịch đêm. Chúng ta đi sau nên cần quan tâm đến lĩnh vực này, bởi vì chúng ta không chỉ kích cầu chi tiêu của du khách mà còn lan tỏa và xây dựng được thương hiệu cho văn hóa Việt”.

Sản phẩm du lịch đêm tập trung chủ yếu vào các loại hình văn hóa, nghệ thuật đường phố hay thưởng thức ẩm thực, vì vậy đã thu hút và đáp ứng được một phần nhu cầu của khách. Tuy nhiên, tại phiên chất vấn về lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã phải thừa nhận đây là một vấn đề mới và khó, bởi du lịch là ngành mũi nhọn trong sản phẩm kinh tế tổng hợp, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành.

Kinh tế đêm và chợ đêm phụ thuộc nhiều vào cơ chế, chính sách của các vùng miền và thị hiếu, tập quán, thói quen, nhu cầu… của người tiêu dùng. Chính vì thế, mỗi địa phương phải biết tận dụng thế mạnh của mình để xây dựng sản phẩm mang dấu ấn riêng.

Bên hành lang kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, đại biểu Trần Kim Yến, đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Ngoài những chương trình hiện có thì thành phố đang khai thác rất hiệu quả tuyến sông Sài Gòn để làm du lịch và cũng đã tạo được những nét đặc trưng. Không chỉ dừng ở đấy, thành phố sẽ tiếp tục xây dựng những mô hình khác ví dụ xây dựng những tuyến phố đi bộ mang đặc trưng riêng ở mỗi quận huyện, phố Bùi Viện sẽ là một nét riêng và phố Nguyễn Huệ lại mang một đặc trưng khác...”

Nước ta hiện có khoảng trên 20 chợ đêm nhưng rất nhiều chợ đêm na ná giống nhau và không có nhiều sản phẩm đặc thù mang tính bản địa. Do đó, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng phải phân loại, phân nhóm, phân hạng, sau đó mới thiết kế các gói sản phẩm theo phân khúc của thị trường. Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng:

Thứ nhất, phải xác định rõ quy hoạch về khu để phát triển kinh tế đêm, để tránh ồn ào, ảnh hưởng tới nhân dân, khi có những khu vực có dân ở xen kẽ.

Thứ hai, về chế độ, chính sách, nếu như đơn vị công lập tham gia hoạt động biểu diễn thì việc tính toán tiền công như thế nào?

Thứ ba, phải nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng. Có nhiều địa phương đã đưa khu vực du lịch đêm vào hoạt động nhưng chỉ được một thời gian ngắn vì không có khách.

Trao đổi bên hành lang Quốc hội nhiều đại biểu cho rằng điều cốt lõi là phải hình thành những sản phẩm du lịch đêm đặc sắc thu hút được du khách trải nghiệm. Bên cạnh đó cần tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp tham gia làm du lịch đêm. Bởi ngoài cơ chế chính sách, xây dựng mô hình thì doanh nghiệp du lịch là một thành phần quan trọng không thể thiếu. Chính vì thế rất cần có sự phối hợp giữa cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp. Điều này sẽ kích cầu tốt hơn.

Sáng tạo và đa dạng hóa sản phẩm du lịch đêm sẽ không chỉ mang đến những trải nghiệm mới mẻ, đầy kỳ vọng cho du khách mà còn nâng tầm vẻ đẹp thiên nhiên và văn hóa của đất nước.

Để du lịch đêm thực sự trở thành “con gà đẻ trứng vàng” của ngành du lịch thì cần phải có một chiến lược bài bản, phù hợp, đồng thời các sản phẩm phải được xây dựng dựa trên yếu tố văn hóa bản địa.