Sinh ra và lớn lên ở Thái Bình – cái nôi của những làn điệu chèo, nên từ nhỏ họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn được nghe rất nhiều về Truyện Kiều. Đây cũng là lý do mà anh tìm tòi, nghiên cứu và họa lại các nhân vật trong Truyện Kiều.

Đến nay, Sơn đã có đến mấy trăm bức tranh Kiều, tranh anh không phải minh họa mà là vẽ theo xúc cảm, cảm hứng, những nét vẽ trừu tượng khiến người xem tranh phải soi kỹ nhiều lần, khám phá từng đường nét của bức họa và không ngừng tưởng tượng.

Họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn chia sẻ: Anh đam mê Truyện Kiều từ khi còn nhỏ, định hình vẽ "Kiều" từ khi bắt đầu đi học các trường nghệ thuật và kể từ đó tình yêu với Truyện Kiều cứ lớn dần.

Cách hiểu của Nguyễn Tuấn Sơn về Truyện Kiều qua các bức tranh khá hiện đại. Các bức tranh đem lại cho người thưởng lãm những giá trị nhân văn mới từ góc nhìn hội họa, khiến họ thay đổi ít nhiều cách nghĩ quen thuộc về các nhân vật trong Truyện Kiều, nhìn ngắm từ nhiều khuôn mặt của cuộc đời.

Theo nhà nghiên cứu Trần Đình Tuấn, các bức tranh của họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn cho thấy một nhận thức mới, hiện đại, tránh được những áp đặt trong quá khứ. "Cách vẽ của Nguyễn Tuấn Sơn rất thích hợp với thời đại mới và làm cho giới trẻ hoặc những người nghiên cứu về Truyện Kiều có một không gian cảm thụ và làm tăng giá trị thẩm mỹ khi tiếp xúc với văn bản Truyện Kiều".

Truyện Kiều đến với họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn như một mối lương duyên. Cho đến nay, anh đã sáng tác hơn 5.000 bức tranh và phác thảo về Truyện Kiều của Nguyễn Du. Từng nét vẽ của Nguyễn Tuấn Sơn như đặt hết những thăng hoa cảm xúc vào từng nhân vật. Chẳng hạn như hình ảnh Thúy Kiều trong tranh của anh luôn gắn với mái tóc dài, vầng trăng buồn, đi liền với đó là cây đàn số phận, ở mỗi bức tranh lại là một cách biểu hiện cây đàn khác nhau.

Từ những tác phẩm bột màu được vẽ trên giấy báo cho đến những tác phẩm sơn dầu, ở bất cứ chất liệu nào tranh của Nguyễn Tuấn Sơn cũng đều để lại ấn tượng cho người xem.

Hơn 20 năm nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo anh đã dấn thân vào đề tài “Kiều” với cái nhìn và cách vẽ rất đặc biệt. Chính vì vậy, mỗi nhân vật hiện lên trong tác phẩm của anh không giống với bất cứ khuôn mẫu có sẵn nào.

Hơn hai mươi năm sáng tác tranh lấy cảm hứng từ Truyện Kiều, họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn đã có nhiều hoạt động gắn với Truyện Kiều như là vẽ minh họa kết hợp với thư pháp chữ Nôm của nhà nghiên cứu Châu Hải Đường viết, triển lãm tranh cảm hứng từ các nhân vật trong Truyện Kiều hay là đem các tác phẩm vẽ về Truyện Kiều giới thiệu tại nước ngoài…

Theo hoạ sỹ Nguyễn Tuấn Sơn, anh vẽ minh họa các nhân vật trong “Truyện Kiều" không chỉ là để thỏa mãn sự đam mê của cá nhân, mà đây còn là cách để lan tỏa những giá trị văn hóa của Truyện Kiều trong thời đại mới. "Mình muốn hiểu về văn hóa Truyện Kiều thì mình phải thúc đẩy về tranh luận, mỗi người sẽ có một góc nhìn khác nhau thì sẽ làm cho mỗi người có những cảm nhận khác nhau và hiểu biết hơn về lịch sử văn hóa Truyện Kiều".

Sơn “Kiều” đó là mệnh danh mà Nguyễn Tuấn Sơn được giới hội họa đặt cho. Mơ ước lớn nhất của anh là có một “không gian văn hóa Kiều” tại Hà Nội, để nhiều người có thể đến và cùng cảm nhận, tìm hiểu những giá trị to lớn của Truyện Kiều.

Và không chỉ dừng ở vai trò là một họa sĩ anh còn được biết đến trong vai trò là một nhà giáo, một người truyền cảm hứng nghệ thuật tới các thế hệ học trò. Bởi vậy dù ở bất kỳ tác phẩm nào, họa sĩ Tuấn Sơn cũng luôn đặt mục tiêu phải có tính định hướng giáo dục, thiết thực, phát triển năng lực cho học sinh, sinh viên.

Mời nghe âm thanh tại đây: